Thứ Sáu, tháng 11 08, 2013

Tấm lòng của Đại tướng với đồng đội

Ghi theo lời kể của chú Trần Minh Đức Năm 1945 anh Đặng Văn Việt đang là học sinh Trường Thuốc, theo học trường Thanh Niên tiền tuyến do các anh Phan Anh và Tạ Quang Bửu tổ chức ở Huế. Đến khởi nghĩa tháng Tám, anh Việt tham gia giành chính quyền ở thành phố Huế, còn tôi lúc đó đã bỏ học, về quê tham gia ủy ban khởi nghĩa huyện Phú Vang. Đang làm ủy viên quân sự huyện thì tôi được điều lên tỉnh, gặp lại thầy học cũ là ông Tôn Quang Phiệt, khi đó đã được cử làm chủ tịch tỉnh. Thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, tôi vẫn còn nhớ mãi câu thầy dạy “tịch bất chính bất tọa”, cho nên khi làm việc gì tôi cũng xem xét việc đó có chính đáng không, nó sẽ hướng dẫn con đường đi của tôi. Và cũng vì thế mà tôi quen anh Đặng Văn Việt. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, anh Việt ở quân y được điều về bộ Tổng tham mưu, vì so với nhiều cán bộ quân sự khác, anh Việt đã có kinh nghiệm tác chiến với Pháp khi đụng độ ở Sêpôn trên Đường 9 ngay cuối năm 1945, nên mới được điều về làm việc cạnh anh Võ Nguyên Giáp. Rồi cũng chính anh Giáp đã cử anh Việt lên tổ chức trung đoàn tác chiến trên đường số 4, nhằm ngăn chặn đường tiếp vận của địch từ Lạng Sơn lên Cao Bằng. Đại tướng là người đã nhìn thấy tài năng quân sự của anh Việt, mặc dù chưa qua trường lớp nào, nhưng với tính tháo vát một người Hướng đạo sinh, anh đã biết tìm ra cách đánh địch có hiệu quả. Và quả Đại tướng đã chọn đúng người, anh Việt đã lập được nhiều chiến công trên đường số 4, khiến địch phải thừa nhận. Trong chiến dịch Biên giới, trung đoàn của anh Việt đã góp phần làm nên chiến thắng, truy kích địch về tận Lạng Sơn. Sau chiến dịch tôi và anh Huỳnh Quang Đại đến ban chỉ huy Trung đoàn thăm anh Việt và anh Chu Huy Mân, là chính ủy: Anh Mân đưa ra một chai rượu vang chiến lợi phẩm, nói đây là chai rượu đặt cược của anh Việt vốn là người sạch sẽ, ngày nào cũng tắm, anh từng nói, nếu một tuần không tắm thì tôi sẽ chết. Vậy là hai anh đặt cược với nhau. Vào chiến dịch anh, Việt một tháng không tắm, vậy mà không thấy chết, cho nên thua cược. Chúng tôi được anh Huy Mân mở chai rượu mừng thắng cược và cũng là mừng cho chiến thắng chung của chiến dịch. Đấy anh Đặng Văn Việt là người như thế, nhưng vì vấn đề thành phần, nên sau năm 1954 phải chuyển ngành sang làm công tác thủy lợi. Khi về hưu, cuộc sống của anh cũng có phần khó khăn, phải đi bỏ bánh cho các cửa hàng nước dọc phố. Về phần tôi, sau khi về hưu vẫn hoạt động trong tổ chức Cựu chiến binh nên thỉnh thoảng có ghé thăm. Là thường trực của Cựu chiến binh Hà Nội nên tôi giữ được quan hệ thường xuyên với Đại tướng vì anh Giáp cũng hay hỏi đến công việc của tổ chức Cựu chiến binh với tư cách là Chủ tịch danh dự. Khi nghe tôi nói về hoàn cảnh khó khăn của anh Việt thì anh Giáp ngỏ ý muốn đến thăm. Thế là vào khoảng năm 1995 hay 96 gì đó, xe của anh Giáp đến trước nhà tôi. Cùng đi có chị Hà và đại tá Huyên, cùng một anh công vụ trẻ. Chúng tôi cả 5 người cùng lên xe đến Khương Đình. Xe phảI đỗ ngoài ngõ rồi đi bộ vào trong. Hôm ấy chúng tôi đến mặc thường phục. Anh Giáp gặp anh Việt, hai người vui mừng nắm tay nhau mà không nói gì. Sau bao nhiêu năm, có nhiều chuyện để nói, để hỏi, nhưng biết nói gì đây, có lẽ tình cảm giữa hai người chỉ cảm thông nhau qua ánh mắt. Khi anh Việt phải ra quân với hàm trung tá, Đại tướng có biết nhưng không làm gì được. Hai người ngồi nói chuyện từ 9 giờ đến 11 giờ rưỡi mới về. Đến khoảng 9 giờ rưỡi, chị Hà nói mọi người hãy để anh Giáp nghỉ một tí, ăn quả chuối, miếng pho-ma rồi lại tiếp tục. Đại tướng khuyến khích chúng tôi nên viết hồi ức chiến trường và hỏi thăm các cuốn sách mà anh Việt đã viết. Hồi đó cuốn Đường số 4 của anh Việt đã xuất bản và được Nhà xuất bản Ngoại văn dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Tình cảm của Đại tướng đối với thuộc cấp của mình nó sâu lắng, không bộc lộ ồn ào mà nhẹ nhàng tế nhị. Chỉ một cái nhìn cũng đã thấy rõ sự cảm thông. Với anh Đặng Văn Việt cũng vậy. Chúng tôi cùng nói giọng miền trung, Đại tướng người Quảng Bình, anh Việt người Nghệ An, tôi nói giọng Huế, người ngoài nghe cứ tưởng là ba anh em đồng hương nói chuyện với nhau. Cuối buổi chúng tôi ra ngoài vườn chụp ảnh rồi chia tay. Đến nay tuổi chúng tôi đã trên dưới 90. Đại tướng – người anh cả - đã ra đi. Biết nói gì ở cái buổi chia tay cuối cùng này?

3 nhận xét:

Unknown nói...

Nhẹ nhàng sâu sắc!

Nặc danh nói...

@TT: Tự Thành viết nhẹ nhàng mà sâu săc lắm!Cảm ơn bạn đã ghi lại như một nhắn nhủ:Dù hoàn cảnh có thể xô đẩy,nhưng những người "Thủy chung"vẫn quan tâm đến nhau!Bài học về Tình bạn,tình lính,tình "Cán -Binh"mãi mãi trong sáng,thủy chung "như rứa"hè!/TBK4

HữuThành.Nguyễn nói...

Có lẽ nhặt ra từ quyển "thăng trầm" mới được chú ĐV.Việt in gần đây?
Cơ chế in bây giờ cũng đơn giản. Ai cũng có thể in sách của mình như tài liệu cá nhân để tặng nhau. Miễn là không xuất bản (ấn phẩm hàng hóa). Lý nhím k3 đã làm, là một thí dụ.