Võ Thị Kim Thanh
(Q.MF Bạn Trường Bé)
Cuối năm 1964 MF được tổ chức đưa ra Vĩnh Linh, như phụ huynh nói “để ăn học”, MF được cả Đảng Ủy chăm lo, người trực tiếp là o Em. Gọi o nhưng o lớn tuổi như bà nội, cả tỉnh Quảng Trị gọi là o dù già hay trẻ, giống ai cũng gọi Bác Hồ là Bác rứa! Lẽ ra o phải là bà mẹ VN Anh Hùng, vì o có một con trai duy nhất hy sinh khi đi Vệ Quốc Đoàn, và bản thân o chèo thuyền chuyên chở lương thực từ chợ Sãi lên nuôi cán bộ vùng kháng chiến. O từng trực tiếp làm cơ sở cho bác Lê Duẩn. Người gián tiếp là Bác Trần Đồng, bí thư Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh và bác Phan Du, phó bí thư Đảng Ủy. Các bác này đều là phụ huynh của HSMN và của Trường Nguyễn Văn Trỗi.
Ở với o Em, o hay kể chuyện thằng “Đồng con”. MF hỏi ai rứa, o nói, thì thằng Chí đó! Hỏi răng o gọi “Đồng con”, o nói thì vì hắn hoang nổ trời, hắn trèo lên cây đu đủ của cơ quan hái, người ta ở dưới hỏi: ai đó! Hắn nói “Đồng con đây” rồi tụt xuống chạy biến! Đó là sự biết đầu tiên của MF đối với cái anh nghịch ngợm con bác Trần Đồng! Mỗi khi các anh Trỗi ghé Huế, MF kể chuyện này là chi cũng bị anh trọi một cái lên đầu rồi kêu: hắn cứ nói xấu tui rứa! Mẹ mất sớm, chị ruột đi học trường HSMN (Chị Thơm, cùng lứa với chị ruột của MF cùng học ở trường 11 và trường 4), bố có vợ kế, anh cứ học về là lang thang chơi nghịch thế. O Em rất khó tính, nhưng lại rất thương anh Chí và MF. Mà hồi í anh Chí chạy suốt ngày nên MF rất ít gặp. Mặc dù bác Đồng đi đâu xa cũng hay bỏ MF lên xe cho đi theo. Ở đó 1 thời gian, Mỹ ném bom phải đi sơ tán, nên MF không gặp lại anh, sau đó MF ra học trường HSMN, cũng chẳng biết gì tin tức của anh. Sau giải phóng về, hay đến nhà Bác Đồng ở đường Trần Quang Khải (Huế) chơi. Ba MF làm lãnh đạo nhưng yêu ghét rõ ràng. Bác Đồng là một người bạn rất thân quý của ông. Vì thế chị Thơm và anh Chí coi MF như em trong nhà. Đám cưới anh Chí và chị Hiệp, MF và Quế Tống Thị Thanh Nguyên (con bác Tống Hoàng Nguyên) đến nấu nướng và bày tiệc (dọn đơn giản ở nhà). Sau này bác Đồng mất, nhà bán, cuộc đời trôi nổi, anh em ít gặp nhau hơn. Nhưng cưới con, anh không quên chạy đến mời “chú Soạn và em”, đến dự đám cưới, toàn người lạ, may mà gặp được anh Tuấn HSMN (Giám đốc Vietronic, đã mất), để ngồi ăn cưới cháu.
Cứ thế, cho đến một ngày cuối thu năm 2009, anh Khắc Việt, anh Đỗ Nghĩa Trỗi k7 và chị EGK9 đến Huế (lần này có gặp chị Hòa Bình (mèo) nữa nhưng chị rất vội). Buổi tối đi ăn, các anh bảo muốn liên lạc với một anh Trỗi ở đây tên Chí, họ Trần. MF cứ ngờ ngợ, có khi mô đó là anh Chí con bác Đồng? Nhưng anh ấy là Trỗi bao giờ?! Khi MF gặp lại anh sau bao năm thì anh là bác sỹ quân y nghiêm chỉnh, hiền lành, thương quý em út chứ không còn nghịch ngợm như ngày xưa.
Anh Chí đến, ôi trời, quả thật là ông anh của tui, mà sao, anh học trường Trỗi bao giờ? Sao em không biết? Anh cười nghiêng ngả! Trời, hồi bên Quế mà biết có anh thì hay biết bao nhiêu, thời ấy chỉ cần có một người đồng hương đã là quý lắm, huống gì anh em biết nhau như thế, mà lại thất lạc nhau! Ăn xong anh Chí đưa MF về, anh Nghĩa Trỗi K5 (Huế) ngỏ ý trêu chọc, anh Chí nói: bậy nà, tui với hắn như anh em ruột!
Nghe MF báo anh Chí con bác Trần Đồng mất rồi, ba MF khóc.
Cuối đời, anh em tìm được thêm một kỷ niệm chung, một mối quan hệ trên kênh khác, để có ai tới Huế thì anh em lại ới nhau! Thế mà, chừ anh đi rồi, em biết ới ai?
Huế 24/9/2013
8 nhận xét:
Đọc bài này mà...không cầm được nước mắt,nhớ ngày vào Đ.H.Q.Y mấy đứa làm nhà ở Đa Sỹ với nhau:Có DS,TB,Chí và Kiên Lé,Luân( D94)cùng ở Trỗi ...vậy mà sau này mỗi đứa một nơi.Năm 1998,khi ra Huế dự Hội nghị ngành GMHS,có ghé thăm Chí(có vợ và con gái út đi theo),còn nhớ thằng con Chí rất mê nghệ thuật tạo hình,sau này nghe nói cháu đi học SPMT mà.Năm 2010 gặp ở Quy nhơn vẫn cười nói rổn rảng,thế mà...Chí ơi!Tụi tao vẫn nghĩ mày như ngày nào mà...!Trong tâm trí nhiều bạn mày vẫn "Hiển hiện"...Thôi càng nói ra càng đau mà,Chí ơi ,Mi đừng trách tao nhé!/TBK4
Ở Trường, tôi không biết anh Chí, Từ 2007 gặp các bác K4, thỉnh thoảng nghe nhắc tới Chí "hâu" ở Huế, biết vậy thôi. Đã bao lần vào Huế không biết ở Huế có lính Trỗi. Năm 2009 đi Đà nẵng cùng K4 dự gặp mặt K4 toàn quốc. Khi qua Huế được anh tận tình đón tiếp chu đáo, rồi đi cùng đi tiếp vào Đà nẵng, ngồi cùng xe nên biết về anh nhiều hơn. Năm 2012 lại đi Qui nhơn cùng K4. Tôi đi tàu hỏa từ HN vào, trên đường đi biết được anh Đại Cương đi oto cùng TQ HT, qua Huế đón anh Chí cùng đi. Biết vậy hẹn các anh đón giữa đường. Tới ga Quảng ngãi xe các anh đón tại cửa ga rồi đi tiếp vào Qui nhơn, trên xe ngồi cạnh anh Chí ở ghế sau, tuy mới gặp nhau một lần, suốt chặng đường anh em chuyện trò như đã biết nhau lâu rồi. Gần đến Qui nhơn trời về chiều sắp đến bữa, đói bụng, còn ít bánh mỳ và pa tê mang từ HN, mấy anh em chia nhau ăn, bác Chí còn khen: "Pa tê HN ngon rứa!", tôi còn nhớ đã nói: "Khi nào vào Huế, em mang pa tê HN vào mời bác". Chừ thì không còn cơ hội nữa rồi. Sao những người tốt, dễ mến lại đi sớm vậy.
QMF viết: "Thế mà, chừ anh đi rồi, em biết ới ai?" đọc mà thấy nao lòng.
Một lần nữa, vĩnh biệt một đàn anh đáng kính!
Chuyện cùng thời, người cùng học, đọc phảng phất như đâu đó có mình. Cảm động lắm.
Không như dân y dược, tôi chỉ gặp lại Chí sau nhiều năm từ ngày ra trường 1969. Người giống ảnh, thì đúng bạn mình. Rồi thi thoảng chạy xe qua Huế lại gặp, chứ bạn không có nhiều dịp ra Bắc.
Thế thôi, nhưng vẫn thương như bạn ngày nào tới giờ. Một người bạn biết đùa một cách mộc mạc.
Ông anh hiền lành, dễ mến. Xin chia buồn cùng gia đình anh.
Mội vài năm đây, Chí Hâu có mấy lượt vô Sai gòn, anh em tổ chức gặp mặt, chủ yếu ăn nhậu tán dóc. Nhậu đã rồi thì hát vang trời, chẳng "tha" bài nào. Mà cứ có Chí Hâu thì thể nào chiến sỹ ta cũng "phải" hát "... ai từng qua sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Trồi, Nong ..."
Trong một lần nhậu, Chí Hâu nói với tui: tao sợ mỗi Dũng Sô. Sợ là sợ cái chi, mần răng phải sợ, tại sao không sợ cho hết mà chỉ sợ nhõn một thằng? Nỏ hiểu.
Y mới thủng thẳng: Tụi mày hát thì "vừa" còn Dũng Sô hát lên là tao ù cả tai.
Vậy đó, hát quá to chưa hẳn đã tốt,
nhưng tui đồ rằng:
hát to chưa chắc gây ra ù tai, bởi quần hào nỏ thấy thằng mô ù tai cả, hay là do "tần số cộng hưởng riêng" của tai gã trùng với tần số cộng hưởng riêng của cuống họng Dũng Sô?
Tui chợt nhớ hồi xưa học Vật lý, có ví dụ một Đại đội lính Ăng-lê đi đều qua chiếc cầu bên Ăng-lê, đi một đỗi thì cầu chao đảo rồi gãy. Thầy Vật lý kết luận: cứ lính tráng đi trong đội hình thì phải đi đều - khỏi thảo luận, dưng mà nếu đi qua cầu thì được miễn trừ gia cảnh.
Cái ngữ "tần số cộng hưởng riêng" nó ghê thật.
Xin hiệu đính: Một vài năm gần đây...
Đọc bài viết của MF mới biết Chí là con chú Trần Đồng. Đôi lần cùng ba mình vào Vĩnh Linh, thăm cầu Hiền Lương cũng có lần gặp chú nhưng mình bé quá chẳng còn nhớ. Sau này biết chú là Bí thư của Vĩnh Linh. Ngày ba mạ mình còn ở Huế, lần nào vào cũng vội vàng, có gặp Chí đâu. Vừa rồi mới có dịp đến nhà nó hàn huyên. Nhưng vì không nhậu được nên cũng chẳng gọi ai đến vui cùng. Chỉ có lần vào Đà Nẵng, ở KS nên H.D mới rủ thêm mấy bạn Trỗi đến cùng vui thôi.
Chí đúng là không may, như người ta nói là do số phận. Mình tự nghĩ rằng lính Trỗi, lính Bé hầu hết đều đã sống cuộc đời "hoành tráng", có ra đi cũng không phải hối tiếc. Chỉ tiếc nếu sống thêm dăm chục năm nữa thì lại càng vui thêm.
TT
@Lê Tự Thành: Vậy đại ca là con tướng Lê Tự Đồng?
Bác Trần Đồng chính là vị Bí Thư kiên cường của tuyến lửa Vĩnh Linh bấy nhiêu năm!
Đăng nhận xét