(Phần hạ)
Thành cổ Sơn Tây nhìn từ vệ tinh qua GoogleMaps là một ô vuông xanh rì những cây và hào nước bao quanh.
Sơn Tây tiếng là đất quân sự. Mà thật là như vậy. Ấy thế mà ảnh vệ tinh lại không cung cấp độ phân giải cao ở đây. Chắc nó không muốn mang tiếng soi mói? Hay nó thấy biển "cấm chụp hình?
Bởi thế thành cổ Sơn Tây nhìn từ độ cao thấp cũng chỉ được thế này.
Chúng tôi đi xe vào từ hướng Tây-Nam, ngược chiều kim đồng hồ ngắm thành từ bên ngoài hào nước. Tới cửa Đông-Bắc thì "nhập thành", thả xe đi bộ theo con đường ven hào ngược trở lại cửa Tây-Nam, đi xuyên qua trung tâm rồi lên xe về bằng đường phía Đông-Nam. Nói kỹ để mọi người hình dung những tấm ảnh được chụp ở khoảng nào của hành trình.
Vượt cầu vào cửa Đông-Bắc. Hào nước đã được sang sửa với con đường lát gạch giữa hào và tường thành.
Người ta đang thực hiện dự án tu bổ thành cổ Sơn Tây. Những đoạn thành đang được bóc lớp đất phủ để lộ chân đá tổ ong, nhiều chỗ đã bị cây mọc chèn lấn. Chắc họ sẽ triệt một số cây (có dấu sơn chữ X?) và để một số cây cổ thụ làm mốc thời gian?
Bên trong thành người ta mở đường chuyển những khối đá ong theo kích thước "cổ" tới để dựng lại thành. Trải nhiều năm trong thành không sử dụng nên cây mọc như rừng. Cũng may khu vực này tuy không dùng mà cũng không bị nhân dân "vây lấn" nên giờ mới có lại được thành cổ.
Đá ong, một cấu trúc xen tổ ong của đất vào "khung" hợp chất sắt(?) nhận biết qua mầu vàng đất và đỏ sắt. Những ngôi nhà xây bằng gạch tổ ong qua năm tháng sẽ trôi phần đất trơ lại phần "sắt" cứng mang lại cho kiến trúc một vẻ đẹp bình dị phong trần.
Cổng thành hướng Tây-Bắc. Cái cây cổ thụ chắc chắn ít tuổi hơn cổng thành, như một dấu tích thời gian hoang phế. Nhưng nếu không phải bị bỏ hoang thì những người chủ sẽ không bao giờ để như thế. Vậy ta sẽ phải trùng tu nó theo hướng nào? Để dấu tích thời hoang hay làm như nó vẫn còn có chủ suốt năm tháng trông coi, luôn nó sáng choang như mới?
Đây một đoạn tường thành khôi phục như thiết kế, có khi còn đẹp và chắc hơn? Theo Tk5 thì chính đoạn tường thành "nghiệm thu hoàn công" này gây tranh cãi. Nó chưa đầy tuổi chứ không "cổ đã trùng tu".
Và thông tin mà tôi có qua nhân viên bảo vệ (đội tép riu) thì phần còn lại (7/8 chu vi) sẽ chỉ cao ở mức thực tế hiện nay, 1m4 như thế này.
Nếu muốn "cổ" chỉ cần để vài năm thì sẽ có rêu phong, những thứ này mang lại thỏa mãn thị giác cho những người hoài cổ dễ tính :-)
Một cổng khác với các bạn trẻ đang tạo dáng chụp ảnh.
Chính hướng Nam chếch Tây là cổng chính với cột cờ án ngữ phía trước, đến cổng (không biết gọi là "gì môn", rồi đến điện Kính Thiên.
Điện Kính Thiên, phía trước là sân rồng.
Quanh cột cờ nhân dịp Tết người ta tổ chức cho các nghệ nhân cây cảnh mang cây của mình ra trưng bày cho nhân dân thưởng thức. Một cây xanh tôi đặt tên là bách tán tuy chỉ độ... 10 tán thôi :-)
Còn nhiều cây rất đẹp, không thể chụp hết. Chúng tôi ra về với hình ảnh những khẩu thần công dù không còn có thể chống giặc ngoại xâm như lứa già mình chỉ có thể đánh giặc mồm. Vậy mà mọi người bảo bên trong cổng thành còn một khẩu bị vứt lăn lóc. Có phải cứ lão là được làng đâu?
Cuối cùng, nhân nói về thành cổ Sơn Tây, liệu có nên nhắc nhở với mọi người rằng còn một thành cổ rất đẹp về hình thể, lớn về kích thước, mà đang bị quên lãng. Đó là thành Bắc Ninh.
Vùng này được để độ phân giải cao. Ở độ phân giải này ta có thể thấy một phần hào đã bị lấp, toàn bộ diện tích đã được sử dụng, có thể không còn vòng rào. Nhưng nó xứng đáng được phục hồi dùng làm thành lũy bảo vệ những giá trị văn hóa dù là phi vật thể.
(KV nhớ xem có phải đi ăn "vua gà" với TS1 là bên một đoạn hào này không nhỉ? Chắc vậy lắm!)
4 nhận xét:
@HT tả cảnh và nói tới việc xây thành cổ ST là đúng rồi, bởi xung quanh thành cổ có bao bọc một con mương to đùng nên ko có sự giúp đỡ của dân trong việc Xoá đấu ấn thành cổ. Hôm 29 tết cũng ngồi ăn uống nhà hàng giữa đoạn mương bên này thành, ở đó thịt gà rất ngon. Các quan chức tỉnh ST toàn ra đây nhậu tưng bừng.
Việc xây dựng thành cổ bị hoãn lại rồi vì có sự tranh cãi quanh việc xây như cũ hay tân trang kiểu mới.Nếu kg thì có lẽ cũng xây mới gần xong rồi.
Ông HT đang từ quyển Thượng nhảy lun xuống quyển Hạ. Rồi lại kiu anh em chúng tui chờ ổng đi chơi dzìa viết tiếp. Quyển Trung?
Nói đồ cổ thì cũng theo các cụ "thượng, hạ" cho nó khác nhau. Chứ có biết là thế nào đâu? Không có "trung" thì cũng có sao, nhị nguyên chứ không phải... đa nguyên :-)
Các bác gần TW, làm sao giữ gìn cái cây trên thành cổ kẻo mai mốt lại thành cái lò gạch Tuyên Quang thì buồn lắm.
Đăng nhận xét