Thứ Tư, tháng 3 12, 2014

Từ cuộc "đi tìm chữ Việt cổ”…



(TT&VH) - LTS: Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền (tức nhà văn Khánh Hoài) - một công trình gây xôn xao dư luận nghiên cứu và báo giới những năm gần đây. Đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong giới.
Để rộng đường dư luận, TT&VH giới thiệu bài viết của nhà thơ Đặng Vương Hưng.


Sách mới chỉ là bản in thử nghiệm, dày đúng 100 trang, các trang kèm thêm hàng chục bức ảnh màu minh họa. Nội dung cuốn sách hướng tới một mục tiêu lớn: Chứng minh sự tồn tại của chữ Việt cổ là sự thật. Đồng thời, bước đầu đưa ra cách giải mã chữ Việt cổ, mở ra một hướng tiếp cận khi tìm hiểu lịch sử Việt Nam.

50 năm đi tìm "chữ Việt cổ
Đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ. Đây là một công trình công phu, được nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền bền bỉ thực hiện 50 năm qua với sự trợ giúp, cộng sự của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín và tâm huyết với lịch sử và văn hóa Việt Nam. (Bấm Xem tiếp)


Nhà thơ Đặng Vương Hưng (trái) và nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền

Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền cho biết, ông đang có trong tay bản sao một số tài liệu hiện lưu ở Tòa thánh La Mã cung cấp một thông tin rất thú vị. Tài liệu được viết bằng chữ Quốc ngữ, nhưng đoạn cuối, tác giả ghi rõ: “Đây là tài liệu tập chuyển thể từ chữ Việt cổ sang chữ Quốc ngữ (năm 1625 - tài liệu)”.
Những văn bản tương tự như vậy còn được lưu giữ trong các thư viện nổi tiếng ở Lisbon, Paris, Roma... Chúng đều cho biết chữ quốc ngữ mà ta dùng ngày nay được kế thừa từ chữ… Việt cổ? Có một tài liệu do chính nhà truyền giáo Alexandre de Rodes viết: “Đối với tôi, người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng 3 tuần, anh ta đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”.
Ông Xuyền cho rằng, thứ chữ mà người thanh niên ấy dạy nhà truyền giáo Bồ Đào Nha là chữ Việt cổ. Nghĩa là, những nhà truyền giáo đã tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt, và có công Latin hóa nó, để có được chữ Quốc ngữ chúng ta hoàn thiện và sử dùng hiện nay.
Sau nửa thế kỷ miệt mài với công việc nghiên cứu, giải mã chữ Việt cổ, giờ đây nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền khẳng định, ông có thể đọc thông viết thạo và sáng tác các tác phẩm của mình bằng loại chữ Việt cổ. Khi tặng người viết bài này cuốn sách mới in, ông viết và ký tên bằng chữ Việt cổ và cho biết: Một người bình thường, nếu chăm chỉ thì chỉ sau 3 tuần là có sử dụng được thứ chữ viết của cha ông mình đã có từ ngàn năm trước.
Chữ Việt cổ giống con nòng nọc?


Bìa của cuốn Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ
Đã từ lâu, nhiều người vẫn quen với ý nghĩ rằng Việt Nam không có chữ viết, chữ Nôm phức tạp xưa kia là do các cụ cải tiến từ chữ Hán, còn chữ Quốc ngữ với mẫu tự Latin ngày nay thì được cho là công lao của các nhà truyền giáo phương Tây, mà cụ thể là Alexandre de Rodes…
Nhưng cuốn sách của ông Đỗ Văn Xuyền khẳng định: Đông Nam Á - mà chủ đạo là Việt Nam - đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm; tiên tiến và nhanh chóng; sáng tạo và sống động chưa từng thấy nơi nào trên thế giới - đó là kết luận chung của một số nhà nghiên cứu Mỹ, Trung Quốc và Nga. Ngược dòng lịch sử, vào năm 1923, một nhà nghiên cứu người Pháp là bà Madeleine Colani khi tổ chức khai quật ở vùng chân núi Lam Gan (tỉnh Hòa Bình), đã tình cờ phát hiện ra một số công cụ đá, đĩa gốm, có khắc chữ từ hàng nghìn năm trước…
Nền văn minh kỳ vĩ của tổ tiên người Việt chính là cơ sở để chữ viết ra đời. Chữ Việt cổ, hay còn được gọi là chữ Khoa Đẩu có hình dáng gần giống như những con nòng nọc, do tổ tiên ta đã sáng tạo ra từ thời tiền sử, đã bị tác động nặng nề bởi ngàn năm Bắc thuộc tưởng như không còn dấu vết. Nhưng gần đây chúng đã được phát hiện hàng ngàn bản tại vùng Tây Bắc nước ta và tại các kho lưu trữ nổi tiếng ở nước ngoài.
Cái khó nhất là giải mã để hiểu được những bí ẩn chứa đựng trong những ký tự cổ ấy. Cuộc hành trình do nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đồng hành, sau nhiều chục năm, đã có những người bế tắc, bỏ cuộc giữa đường.
Nhưng công sức của họ không hoài phí, đó là nền móng để một số người có thể đến đích. Ông Xuyền cho rằng mình đã may mắn khi được kế tục công trình nghiên cứu của nhiều người đi trước, lại có được nhiều tài liệu quý nên tìm ra được phương pháp giải mã loại chữ này.
Cũng theo ông Đỗ Văn Xuyền, thì bí quyết để giải mã được chữ Việt cổ, là phải hiểu được ngôn ngữ thời xưa và nắm được quy luật thay đổi vị trí nguyên âm theo đạo lý người Việt. Mặc dù, về hình dáng, chữ Việt cổ không còn nét nào giống chữ Quốc ngữ, nhưng chúng lại cùng có cấu trúc ghép vần. Khi ta đã nắm được quy luật ghép vần, hiểu được ngôn ngữ Việt cổ, thì chỉ cần học khoảng 10 ngày, là đã có thể đọc, viết được loại chữ này!
Khi đã giải mã được chữ Việt cổ, là có thể dễ dàng phiên dịch từ chữ Việt cổ sang chữ Quốc ngữ và ngược lại - ông Xuyền giải thích - Chữ Việt cổ không ghi âm được phần lớn ngôn ngữ hiện đại, nhưng khi chuyển ngôn ngữ hiện đại về ngôn ngữ Việt cổ, thì việc dịch diễn ra khá dễ dàng.
Tuy nhiên, cuốn sách viết về “Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ” của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền mới chỉ công bố phần đầu và in thử nghiệm. Mọi công trình khoa học đều cần phải được phản biện và kiểm nghiệm trong thực tế. Công trình đi tìm chữ Việt cổ rất cần được những người tâm huyết tiếp tục đầu tư nghiên cứu và hoàn thiện thêm. TT&VH sẽ tiếp tục thông tin các ý kiến đóng góp, phản biện về công trình này.
Đặng Vương Hưng

Sau đây là đường dẫn một số giới thiệu và phản biện với " chữ Việt cổ " của ông Xuyền

* Bài trên Website Nghiên cứu lý học ĐÔNG PHƯƠNG (bấm xem)
*"..Trong buổi thuyết trình này, giáo sư Viện sĩ Phan Huy Lê đã tham dự và cho rằng những luận cứ của ông Xuyền còn chưa đủ "cơ sở khoa học". Ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê được báo Thanh Niên mô tả như sau..." (BẤM XEM)
*Văn Lang thời Hùng Vương đã từng có chữ viết riêng?(BẤM XEM)

Không có nhận xét nào: