Thứ Ba, tháng 6 18, 2013

Chuyện của một người bạn, lính chiến

Anh NTL, một người bạn KQH cùng tuổi k4, có bài viết mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn Trỗi. Cám ơn anh NTL vì bài viết này và việc anh đã làm cùng đồng đội năm ấy. Ảnh: NTL bên trái. Bên phải là NKN, lái xe tăng 380 vào dinh ĐL ngày 30/4/1975. Hôm nay đại đội 4 lữ 203 của NKN nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang.

"Sáng bật KQH ra đọc rồi lại ngồi lẩn thẩn giở nhật kí thời lính (cuốn sót lại). Phải lấy kính lúp vẽ bản đồ của vợ ngày xưa mới đọc được vì nhòe nhoẹt quá, chữ bé tí tẹo. Bỗng kí ức buồn chợt về. Hỡi ai đã có mặt trong trận đường 7 tháng 3/75 như tôi, làm sao quên được nó đi. Chẳng bao giờ, chẳng thể nào quên được. Biết là không liền mạch trang viết nhưng cũng cứ viết. 
.... Hôm nay, ngồi nhìn những dòng nhật kí ngắn ngủi về những ngày tháng ba năm 1975. Những ngày mà cách đây đã 38 năm, thế mà nó cứ hiện về rõ mồn một. Muốn viết thật vui thật hóm hỉnh về chuyện sống chết mà lại cứ đưa mình về cái mạch suy nghĩ khác, tệ thế. Mình đa cảm ngay từ xưa bé nhỏ, cái gì nhớ thì day dứt, cái gì yêu thì đến đớn đau. Mới ngẫm lời xưa kẻ đa đoan thì đừng kêu ca sướng khổ. Muốn thăng tiến thì đừng đa đoan, biết dẫm đạp cũng là sự tích cực của đời. 
Mà thôi, mình kể chuyện ở đây là với bạn bè chiến đấu thôi cơ mà. Xin kể:

Cái ngày 28/3/75 trong nhât kí có vẻn vẹn một dòng. Nhưng sự thật thì khôngphải. Nó dài lắm, dài đến tận bây giờ.
Tôi trích nhật kí "28/3/75. Hành quân tới ven một bãi lầy Phú yên. Ở đây dọc sông máng, bộ đội địa phương đánh một đoàn xe - hành quân đêm trên bờ máng đầu tiên. Nghỉ lại đây một ngày."
Gọi là hành quân thực ra chỉ có nhóm đi bám địch trước chúng tôi thôi, còn đơn vị vẫn ở đằng sau. Khi chúng tôi đánh địch trên CủngSơn Phú Túc thì có một đoàn xe đã vượt qua rồi. Về tới khúc sông máng, đường 5 này thì gặp bộ đội Phú Yên chặn đánh. Việc đó đã diến ra ngày hôm trước. Phía xa, làng mạc miền nam đầy những vườn dừa, những đồng lúa xanh ngút ngát, chiều nắng vàng sau lưng, chúng tôi hít căng lồng ngực cái hương đồng miền nam mà xưa nay vẫn hát "... Miền nam em dừa nhiều, miền nam em dứa nhiều..."
Không có quân địch, không thấy có súng nổ, chiều hôm ấy thật lạ. 5 thằngchúng tôi ngồi trên mép sông máng, dưới chân là đồng lúa xanh mượt mà. Bỗng từ dưới ruộng có tiếng động, nhỏm dậy! bờ ruộng bùng nhùng, thằng Luật nổ mấy viên đạn lên trời (may thế, nó không bắn xuống ruộng). Từ dưới bùn rùng rùng đứng dậy một chú lính ngụy, người bê bết bùn nước, tay xách cái làn nhựa đỏ lót kín bằng những mảnh ni lông, run rẩy: Thưa ông, con xin các ông... 
Chúng tôi nhào xuống bờ ruộng chĩa súng. Nhìn vào cái làn đỏ trước tiên vì nghi đó là vũ khí. Không... Không có vũ khí nào hết mà là: một hài nhi, hai tay hươ hươ mắt ti hí... Người lính sụp xuống... Thưa các ông con đưa vợ con chạy từ quân khu 2, vợ con ngang đường sổ dạ rồi chết luôn. Các ông có bắt con xin các ông làm phước cho con gửi đứa bé này... cho nó làm... làm... người.
Người lính VNCH gục đầu nức nở. Năm đứa tôi nhìn nhau, rồi vội nhìn đi chỗ khác, bởi vì chả thằng nào muốn thằng kia nhìn thấy mắt mình có nước. Có tiếng đạn pháo vút qua đầu, người lính ngụy ôm chặt cái làn đỏ vào ngực: ới con ơi!
Chúng tôi cũng xà xuống che người xung quanh cái làn nhựa loe hoe những mảnh vải vụng về, và tiếng cựa quậy của đứa trẻ lọt lòng. 
Thằng Luật B trưởng là đứa cục cằn nhất lên tiếng: thằng Luân chữ đẹp viết một tờ giấy chứng nhận quân giải phóng đã đồng ý cho anh này gửi đứa bé vào địa phương đi. Làm nhanh kẻo du kích họ lại không tin. Còn thằng nào có cái gì đưa ra. 
Chúng tôi ngó vào trong làn nhựa ở đó có hai hộp sữa rồi, bây giờ chúng tôi mỗi đứa đưa ra một hộp nữa, tôi có mấy tờ tiền Trần Hưng Đạo đưa ra cho người lính, thế là chúng nó bắt chước moi hết tiền ra cho người bố tội nghiệp kia. 
Người lính ngụy ngồi đờ đẫn cám ơn, chúng tôi giục: thôi đi ngay vào làng đi, anh không nuôi được cháu đâu, gửi dân họ nuôi thôi. Chúng tôi cảnh giới cho mà đi... Tôi nhìn người lính xách cái làn đi qua cánh đồng vào làng trong hoàng hôn, bước cao bước thấp cho tới khi người lính khuất sau vườn dừa yên ắng rồi chúng tôi mới hành quân.
Chiến tranh lùi lại phía sau còn kí ức thì lại nhao về phía trước mắt những người già. 

Ba mươi tám năm rồi. Người lính ngụy ấy còn sống ở đâu? anh có tìm về Một làng ven con sông máng đường 5 Phú Yên tìm đứa con gái tội nghiệp của anh không?
Ba mươi tám năm rồi, cháu bé khốn khổ ấy còn sống ở đâu? Trong hàng đêm ngần ấy năm trời tôi luôn cầu mong cháu sống và làm người nhân hậu. 
Tôi cũng đã già, cũng đã hơn một lần trở lại con đường máu lửa ngày ấy, tôi cũng đã từng ngồi khóc khi xem chương trình Kí ức đường 7 của Thu Uyên, bởi hơn ai hết chúng tôi là người chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh vì chiến tranh."

11 nhận xét:

Thắng k5 nói...

Người lính dù ở bên nào, trước hết họ đều là con người. Lòng tốt con người thật mênh mông. Tự hào thay những anh lính Cụ Hồ.

TK8 nói...

Đường 7 năm 1975 nhìu chuyện thương tâm lắm. Trong khi chúng ta cứ hát mãi ca khúc khải hoàn thì bà con tị nạn ở hải ngoại vẫn chưa hết kinh hoàng, họ gọi là "con đường Định Mệnh" - nhưng họ cũng bít là do Chiến Tranh.

Thắng k5 nói...

Tôi có chút thắc mắc: lính xe tăng hành quân, dọc đường nghỉ chân, sao lại có 5 người ? chỉ 4 thôi chứ ?

HữuThành.Nguyễn nói...

Chuyện của NTL là tiểu đội trinh sát bộ binh.
Vì cái ảnh có thêm NKN, lại đúng ngày bọn hắn nhận danh hiệu AH, nên nhân thể giới thiệu thêm thôi.
Chứ 2 người, 2 câu chuyện là riêng. Đường 7 Cheo Reo, Phú Bổn đâu có xe tăng tham chiến.

TK8 nói...

Trong Quân Sự, RÚT LUI luôn là khó nhất. Việc "Triệt Thoái có tổ chức, kỷ luật" đánh giá mức thiện chiến của 1 đội quân.

Chọn đường 7 thật ra là 1 kế hoạch k tồi của VNCH, vì con đường này bỏ hoang từ lâu nên tạo yếu tố bất ngờ và gần như họ sắp thành công - chính sự ùn tắc làm hại họ: QĐNDVN đã kịp truy kích và cắt rừng đánh chặn làm fá sản đự định "co cụm về đồng bằng, giữ các tỉnh duyên hải". Chính từ đường 7 mà quân VNCH vỡ trận.

Lê Tự Thành nói...

Không phải chỉ tại rút lui qua đường 7 đâu. Đó là nhát đánh thay đổi thế cờ từ BMT. Đó là phần đóng góp từ tất cả những hy sinh mất mát suốt cuộc chiến. Nhiều khi nhìn lại chiến tranh mình không hiểu nổi vì sao cha anh mình, bạn bè mình lại tin vào thắng lợi đến thế?
TT

TK8 nói...

Đáng kể nhất là tiêu diệt sư 23 VNCH "Nam Bình Bắc Phạt Tây Nguyên Trấn" - k fải cái danh hão, sư 23 được xây dựng "chuyên sơn chiến", đã oánh bộ đội ta nhìu lần đau điếng.

Sau trận đường 7, coi như Quân đoàn II VNCH bị xóa fiên hiệu vĩnh viễn.

HữuThành.Nguyễn nói...

Sau 30/4 Quân lực VNCH bị xóa danh hiệu vĩnh viễn :-)

TK8 nói...

Hehe, "về mặt kỹ thuật" thì:

1. 1 đơn vị chưa bị đánh bại hoàn toàn thì nó vẫn tồn tại trên danh nghĩa, dù chẳng còn ngừi lính nào (bên Thắng k được hạ cờ của nó trong lễ duyệt binh).
2. 2 bên chưa ký "Hiệp ước hòa bình" thì vẫn còn ở trong "tình trạng chiến tranh" dù chẳng còn nổ fát súng nào (như Nam - Bắc Triều Tiên: 1953 họ chỉ ký "hiệp ước ngừng bắn", chừ họ uýnh lộn thì khỏi cần Tuyên Chiến nữa).
3. 2 bên chưa Tuyên Chiến thì k dược quyền uýnh lộn (nếu có nổ súng thì coi như XUNG ĐỘT hoặc CHỐNG NỔI DẬY, hổng fải CHIẾN TRANH).
4. 1 bên chưa ký văn kiện Đầu Hàng thì coi như Chiến Tranh vẫn còn, dù chính quyền đã sụp đổ, bên kia có quyền Múc tiếp.

HữuThành.Nguyễn nói...

@Tk8: VNCH kg đc ta coi là 1 bên, chỉ là phương tiện của bên kia là Mỹ thôi.
Hội nghị Paris có hai bên và mỗi bên kèm theo 1 phương tiện :-)

TK8 nói...

Về HÌNH THỨC: Hội nghị Paris có 4 bên - thực chất là 2 bên, mỗi bên 1 thằng CÒ GỖ.

THỰC CHẤT uýnh lộn và THỰC CHẤT Hội nghị có thể khác nhau.

Mà thui, cháu đã Gà, bác cứ Truy mãi là BÍ rùi NÓI BẬY đó :-)