Bài viết của tác giả Robert Beckman - Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Phó Giáo sư khoa luật NUS.
Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam yêu sách toàn bộ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong khi Malaysia và Philippines chỉ yêu sách đối với một số đảo và các thực thể. Brunei xác định một vùng biển có chồng lấn lên dải đá phía nam nhưng vẫn chưa đưa ra yêu sách chính thức của mình. XEM TIẾP
Quần đảo Trường Sa bao gồm hơn 140 đảo, đá, đá ngầm, bãi ngầm và các bãi cát (một số hoàn toàn hoặc đôi khi chìm dưới nước trong khi một số khác luôn nổi trên mặt nước) trải dài trên một khu vực hơn 410.000 km2. Chỉ có khoảng dưới 40 thực thể là đảo – tức là các vùng đất được hình thành tự nhiên bao quanh bởi nước và ở trên mặt nước khi thủy triều lên cao như định nghĩa theo Điều 121(1) của UNCLOS ( Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc). Toàn bộ diện tích đất liền của 13 hòn đảo lớn nhất chưa đến 2km2. Các thực thể hoặc là hoàn toàn chìm dưới nước hoặc là chỉ nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp.
Quần đảo Hoàng Sa nằm tại phía bắc của Biển Đông, khoảng cách ước tính tương đối cách đều từ bờ biển của Việt Nam và Trung Quốc (đảo Hải Nam). Cả Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều yêu sách Hoàng Sa. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đảo từ phía Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974 và cho đến nay Trung Quốc đang chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Trung Quốc không công nhận tồn tại có tranh chấp đối với Hoàng Sa nhưng thực tế tranh chấp của quần đảo này vẫn là nguồn căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hoàng Sa bao gồm khoảng 35 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi cát và đá ngầm với diện tích trên mặt biển khoảng 15.000 km2. Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất tại Hoàng Sa có diện tích 2.1km2, có diện tích đất liền bằng toàn bộ các đảo của Trường Sa gộp lại. Đảo Phú Lâm là thủ phủ của Thành phố Tam Sa mới được Trung Quốc thành lập vào tháng 6 năm 2012 làm trung tâm hành chính đối với các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đá Hoàng Nham nằm tại phía bắc của Biển Đông giữa Philippines và Hoàng Sa, do Trung Quốc, Philippines và Đài Loan yêu sách. Đá Hoàng Nham cách đảo Luzon của Philippines khoảng 130 dặm. Phần lớn Đá Hoàng Nham chìm hoàn toàn dưới nước hoặc chỉ nổi lên mặt nước ở thủy triều thấp nhưng nó cũng có một số đá nhỏ nổi lên mặt nước ở mức thủy triều cao. Đây là nguồn gốc gây ra căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc kể từ khi Philippines tìm cách bắt giữ ngư dân Trung Quốc vào tháng 6 năm 2012.
Quần đảo Đông Sa nằm khoảng 200 hải lý phía tây nam Hồng Công. Đông Sa đang do Đài Loan chiếm đóng và Trung Quốc có yêu sách chủ quyền.
Bãi Trung Sa, là dải đá lớn chìm hoàn toàn dưới nước khi thủy triều thấp, nằm giữa Đá Hoàng Nham và Hoàng Sa. Trung Quốc và Đài Loan đều có yêu sách với Trung Sa.
Tầm quan trọng của UNCLOS
Vấn đề mấu chốt ở Biển Đông là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nghĩa là quốc gia nào có chủ quyền đối với các đảo và các vùng nước liền kề. UNCLOS không có một điều khoản nào về việc xác định chủ quyền của các bên đối với các đảo ngoài khơi. Và vì không có hiệp định nào giải quyết vấn đề lãnh thổ nên các quốc gia phải tìm đến sự hướng dẫn từ các nguyên tắc của tập quán quốc tế về thụ đắc hay từ bỏ lãnh thổ. Các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ không thể được giải quyết trừ khi các quốc gia có yêu sách đạt được thỏa thuận với nhau hoặc đồng ý đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế (ICJ), Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) hay một tòa trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, do tính nhạy cảm và phức tạp của tranh chấp, điều này khó có thể xảy ra.
UNCLOS có vai trò vô cùng quan trọng đối với các tranh chấp tại Biển Đông vì nó tạo nên khung pháp lý đối với tất cả việc sử dụng biển bao gồm việc yêu sách không gian biển từ đất liền hoặc từ các đảo ngoài khơi củacác quốc gia. Tất cả các quốc gia yêu sách chủ quyền đối với các thực thể tại Biển Đông đều là thành viên của UNCLOS và có nghĩa vụ về mặt pháp lý thực hiện các điều khoản trong công ước một cách thiện chí và điều chỉnh luật trong nước phù hợp với quyền và nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS.
UCNLOS có bốn điều khoản rất liên quan đến các tranh chấp tại Biển Đông và giúp cho chúng ta có thể đánh giá liệu hành động của các quốc gia yêu sách chủ quyền có phù hợp với luật pháp quốc tế không. Thứ nhất, UNCLOS quy định các vùng biển nào các quốc gia ven biển có thể yêu sách và các quyền chủ quyền và quyền tài phán nào các quốc gia ven biển được hưởng trong các vùng biển đó. Thứ hai, UNCLOS quy định những thực thể địa chất ngoài khơi nào có thể là đối tượng yêu sách chủ quyền. Thứ ba, UNCLOS quy định vùng biển nào có thể yêu sách từ các thực thể địa chất ngoài khơi và các quyền chủ quyền và quyền tài phán mà quốc gia được hưởng trong vùng biển đó. Cuối cùng, UNCLOS xây dựng nên các quy định về phân định biên giới biển trong các trường hợp có yêu sách biển chồng lấn.
Các vùng biển theo quy định của UNCLOS
Các quốc gia có chủ quyền đối với lãnh hải trong 12 hải lý liền kề với bờ biển của mình nhưng phải tính đến quyền qua lại của tàu bè nước ngoài. Nguyên tắc chung đó là lãnh hải được đo từ ngấn thủy triều thấp dọc theo bờ biển, tuy nhiên các quốc gia cũng được phép sử dụng đường cơ sở thẳng dọc theo bờ biển trong một số trường hợp đặc biệt.
Các quốc gia ven biển có quyền yêu sách vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có 'quyền chủ quyền' thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật ở biển cũng như các nguồn tài nguyên ở đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Quốc gia ven biển cũng có quyền tài phán để quản lý việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, cũng như là quyền tài phán được quy định trong UNCLOS đối với việc nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, tất cả các quốc gia khác được hưởng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, quyền lắp đặt cáp ngầm và các đường ống ngầm trong vùng đặc quyền kinh tế.
Quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên trong thềm lục địa của mình. Thềm lục địa bao gồm đáy biển và vùng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên từ đất liền cho đến rìa ngoài của thềm lục địa (phụ thuộc vào việc liệu nó có đáp ứng một số tiêu chí nhất định về địa lý hay không), hoặc kéo dài tới khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở nếu như rìa ngoài của thềm lục địa nhỏ hơn khoảng cách 200 hải lý . Nếu các quốc gia muốn yêu sách thềm lục địa mở rộng lớn hơn 200 hải lý, quốc gia sẽ phải nộp thông tin kỹ thuật lên Ủy ban Ranh giới ngoài Thềm lục địa (CLCS).
Các vùng biển từ các thực thể ngoài biển khơi
UNCLOS có sự phân biệt quan trọng giữa các thực thể địa chất ngoài khơi bao gồm: (1) đảo, (2) đá, (3) bãi cạn lúc nổi lúc chìm, (4) các thực thể luôn chìm dưới nước.
Việc phân biệt này có ý nghĩa quan trọng vì các vùng biển khác nhau có thể được yêu sách từ các thực thể khác nhau. Các uêu sách đối với vùng biển chỉ được tính từ đường cơ sở thuộc đất liền mà quốc gia có chủ quyền. Đây được gọi là nguyên tắc 'đất thống trị biển'. Nguyên tắc này đã tồn tại lâu đời và vẫn được các tòa án quốc tế chấp nhận.
Đảo và đá
Đảo: là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên cao vùng đất này vẫn ở trên mặt nước như định nghĩa tại Điều 121(1) của UNCLOS.
Lãnh thổ của một quốc gia bao gồm đất liền và các đảo thuộc chủ quyền của quốc gia. Nguyên tắc chung là các đảo đều được hưởng các vùng biển giống như lãnh thổ, bao gồm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nguyên tắc đường cơ sở trong đất liền cũng được áp dụng tương tự để tính các vùng biển của đảo. Nguyên tắc thông thường của đường cơ sở là lấy theo ngấn thủy triều thấp nhất chạy dọc theo bờ biển.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ quan trọng cho một số loại đảo. Điều 121(3) UNCLOS quy định ‘những đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa’. Nói cách khác, đảo đá chỉ có lãnh hải 12 hải lý.
Các bãi cạn lúc chìm lúc nổi và các thực thể chìm dưới mặt nước biển
Các bãi cạn lúc chìm lúc nổi là những vùng đất được hình thành tự nhiên có biển bao quanh và nổi trên mặt nước khi thủy triều xuống thấp nhưng chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên. Các bãi cạn lúc chìm lúc nổi không phải là đảo và không có bất cứ vùng biển nào. Tuy nhiên, nếu các bãi cạn này nằm trong 12 hải lý của đất liền hoặc của đảo thì sẽ được sử dụng làm các điểm để vẽ đường cơ sở cho lãnh thổ đó.
“UNCLOS không có điều khoản nào về chủ quyền các đảo ngoài khơi.
Bãi cạn lúc chìm lúc nổi không được phép chiếm hữu bởi bất cứ quốc gia nào. Nếu như bãi cạn nằm trong lãnh hải của quốc gia veh biển, nó sẽ thuộc chủ quyền của quốc gia đó, do quốc gia venbiển có chủ quyền đối với đáy biển và vùnfg đất dưới đáy biển thuộc lãnh hải. Nếu như bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của quốc gia thì quốc gia không được phép yêu sách chủ quyền. Quốc gia mà có bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc trên thềm lục địa sẽ có quyền tài phán đối với bãi cạn đó.
Yêu sách các vùng biển của các nước thành viên ASEAN
Tất cả các quốc gia có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông trong ASEAN đều đã có yêu sách đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ đường cơ sở dọc theo bờ biển hay từ đường cơ sở quần đảo trong trường hợp của Philippin. Malaysia và Việt Nam yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế từ bờ biển thuộc đất liền. Vào tháng 5 năm 2009, Malaysia và Việt Nam đã nộp đơn chung lên Ủy ban Ranh giới ngoài Thềm lục địa (CLCS) xin mở rộng thềm lục địa ở phía nam Biển Đông. Việt Nam cũng nộp một báo cáo riêng lên CLCS để mở rộng thềm lục địa ở phía bắc Biển Đông. Trung Quốc và Philippin đã phản đối những đệ trình này và yêu cầu CLCS không chúng do vẫn đang tồn tại những tranh chấp biển trong khu vực này.
Philipin cũng có các động thái quan trọng vào năm 2009 khi rõ yêu sách biển của mình bằng việc thông qua luật đường cơ sở phù hợp với các điều khoản trong UNCLOS về đường cơ sở quần đảo. Luật đường cơ sở mới hàm ý rằng Philipin sẽ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế từ đường cơ sở quần đảo chính. Luật quy định rằng các đảo ngoài khơi ở Biển Đông mà Philippin yêu sách chủ quyền bao gồm cả Bãi Hoàng Nham thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế đảo theo điều 121 của UNCLOS.
Các động thái của Malaysia, Philipin và Việt Nam khá quan trọng, ít nhất ở ba mặt sau. Thứ nhất, các bản đồ trong hồ sơ nộp lên CLCS làm sáng tỏ giới hạn ngoài EEZ của Malaysia và Việt Nam. Thứ hai, luật đường cơ sở mới của Philipin giúp việc tính toán giới hạn 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế trở nên dễ dàng hơn. Thứ ba, ba quốc gia này chỉ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ đất liền. Các quốc gia này không đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế cho bất cứ đảo ngoài khơi nào mà các quốc gia này yêu sách chủ quyền.
Điều này cho thấy cả ba quốc gia có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông trong ASEAN (và có lẽ bao gồm cả Brunei) có thể đang tiến đến quan điểm chung liên quan đến các thực thể ngoài khơi của quần đảo Trường Sa. Nếu là như vậy, các quốc gia này dường như có lập trường như sau. Thứ nhất, các yêu sách chủ quyền lãnh thổ chỉ có thể áp dụng được đối với các thực thể đáp ứng được yêu cầu là đảo theo như UNCLOS (chưa đến một phần ba các thực thể tại quần đảo Trường Sa). Thứ hai, phần lớn các thực thể không đáp ứng định nghĩa của đảo thì chỉ là 'những đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng' và không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng nó. Thứ ba, thậm chí ngay cả khi các đảo về mặt nguyên tắc đủ lớn để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng nó, các đảo này cũng chỉ nên có lãnh hải 12 hải lý để không tạo ảnh hưởng bất cân xứng đối với biên giới biển. Kết quả của lập trường chung này là hầu hết các nguồn tài nguyên tại Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển. Khu vực biển duy nhất có tranh chấp sẽ là vùng lãnh hải 12 hải lý của các đảo có tranh chấp.
Các yêu sách của Trung Quốc
Trong khi, Malaysia, Philippin và Việt Nam dường như đang có các bước điều chỉnh yêu sách của mình phù hợp với các quy định của UNCLOS, chính sách của Trung Quốc đối với các yêu sách tại Biển Đông dường như là “sự mập mờ có chủ ý ” khi nước này từ chối các yêu cầu làm sáng tỏ yêu sách chủ quyền và yêu sách vùng biển. Đáng lo ngại hơn, Trung Quốc dường như đang tiến đến khẳng định các yêu sách trên biển của mình dựa trên không chỉ UNCLOS mà còn dựa trên chứng cứ lịch sử. Điều này đặc biệt đáng lo ngại bởi vì hầu hết các chuyên gia pháp lý quốc tế đều đồng ý rằng không có cơ sở cho yêu sách lịch sử về chủ quyền trong UNCLOS hay trong tập quán pháp.
Một trong các vấn đề do yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông gây ra đó là liệu Trung Quốc có đang yêu sách chủ quyền đối với các thực thể địa chất không đáp ứng tiêu chí là đảo theo như quy định của UNCLOS không. Ví dụ, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với Bãi Trung Sa mặc dù đây là bãi đá chìm dưới nước hoàn toàn kể cả khi thủy triều xuống thấp. Theo luật pháp quốc tế, yêu sách chủ quyền lãnh thổ chỉ được áp dụng đối với các thực thể ngoài khơi đáp ứng được các tiêu chí là đảo.
Trung Quốc có thể điều chỉnh các yêu sách trên biển của mình phù hợp với UNCLOS bằng cách yêu sách chủ quyền đối với các thực thể đáp ứng được tiêu chí là đảo và chỉ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đối với các đảo lớn. Trung Quốc có thể lập luận rằng các đảo nên có toàn bộ hiệu lực, đặc biệt khi vùng đặc quyền kinh tế từ đảo thuộc không gian biển nằm ngoài giới hạn vùng đặc quyền kinh tế mà các quốc gia ven biển yêu sách tính từ bờ biển của các quốc gia này.
Vấn đề chính gây tranh cãi về yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là phạm vi các yêu sách của nước này không dựa trên các yêu sách từ các đảo đang có tranh chấp, mà lại dựa vào đường chín đoạn đang bị các nước phản đối. Đường chín đoạn được vẽ trên bản đồ của Trung Quốc đính kèm theo trong công hàm gửi lên Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc vào tháng 5 năm 2009 phản đối đơn xin mở rộng thềm lục địa của Malaysia và Việt Nam.
Nguyên nhân chính của quan ngại là các hành động của Trung Quốc kể từ năm 2009 cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi yêu sách chủ quyền của mình theo ba hướng. Thứ nhất, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với các đảo và vùng nước liền kề. Thứ hai, Trung Quốc đang đòi hỏi là các đảo có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng nó. Thứ ba, Trung Quốc đồng thời yêu sách quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên nằm trong đường chín đoạn dựa trên quyền lịch sử.
Phù hợp hay là xung đột
Không có khả năng các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác chấp nhận quan điểm của Trung Quốc rằng nước này quyền lịch sử và quyền tài phán đối với các nguồn tài nguyên trong đường chín đoạn vì các yêu sách này không dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Do đó, trừ phi Trung Quốc sẵn lòng điều chỉnh yêu sách biển của mình phù hợp với UNCLOS và giới hạn các yêu sách vùng biển của mình đốí với các đảo, nếu không Trung Quốc sẽ tiếp tục gây ra các xung đột về pháp lý với các quốc gia láng giềng trong ASEAN.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét