Thứ Tư, tháng 3 13, 2013

TÔI ĐI CÂU CÁ

Kính tặng thầy cô giáo và các bạn học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi.
“ Lời quê cóp nhặt dông dài
Góp vui một chút nhân ngày đầu xuân “
Nguyễn Việt Hồng- Khóa 4.

Tôi bắt đầu say mê câu cá từ năm lên 6 tuổi.
Hôm ấy, những người đi chơi trong công viên Bách Thảo ngỡ ngàng, sửng sốt chứng kiến thằng bé câu con cá Thiểu to tướng tại hồ Tròn cạnh núi Nùng. Con Thiểu bị tụt lưỡi câu nhảy tưng tưng trên mặt đường nhựa, còn thằng bé thì vồ lấy vồ để. Cảm giác sung sướng hãnh diện đến nghẹt thở khi thấy người lớn vây quanh trầm trồ. Về sau này, khi trình độ tay nghề nâng lên, câu được những con cá to hơn, nhưng “Cái thủa ban đầu” ấy vẫn còn nóng hôi hổi trong tâm trí tôi.
Tôi có căn cứ để nhớ chính xác sự kiện, sáng ấy chú ruột tôi (Công nhân xí nghiệp may 10) về chơi, cho tôi tờ 1 hào mới mầu đỏ tươi. Chính phủ vừa đổi tiền từ tiền kháng chiến sang tiền Dân chủ cộng hòa (Tháng 9 -1958). Tôi đút tiền cẩn thận vào lợn đất rồi mới theo chú ra hồ.
(bấm vào đây đọc toàn bài)
Nhà tôi ở số 2 dốc Ngọc Hà, còn nhà bác Bùi Công Trừng ở số 4. Tôi quen anh em Bùi Công Trực, Bùi Công Minh từ khi còn học cấp một trường Ngọc Hà, có nghĩa biết nhau từ trước khi lên trường Trỗi đến mấy năm.
Tính ra họ Nguyễn nhà tôi thích đi câu đã 3, 4 đời. Mỗi lần về quê, nghe người già trong làng kể chuyện ông nội tôi câu cá giỏi lắm. Mấy cái giếng đất trong làng, rồi ra sông Đáy, cụ đều “chinh chiến” rất sành điệu. Có lẽ cái cảnh ông tôi ngồi câu cá bên giếng đình nó na ná giống khung cảnh trong bài thơ “Câu cá mùa thu ” của Nguyễn Khuyến chăng.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tý
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quang co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Ông tôi thích câu, các bác các chú (cả các cô nữa) thích câu. Đến thế hệ tôi, các anh chị em nội ngoại đều thích . Nhưng cũng nói rõ để các bạn hiểu cho là: Đây không phải là đi câu cá để đổi gạo, để mưu sinh, mà chỉ là thú đam mê, một thú vui mà người đời gọi là thú vui tao nhã.
Mỗi lần có giỗ tết, sau mười phút thực hiện phần LỄ được gọi là có chút nghiêm túc, thì đến phần HỘI, y như rằng quanh đi quẩn lại, lại đến chuyện câu. Thôi thì đủ cách thể hiện, diễn đạt, không khí thật là ồn ào vui vẻ.
Thích nhất là chú ruột tôi - Cây hài hước của dòng họ (Tức đại tá Nguyễn Lan – Bố đẻ của Hương mít – “Em bé Hà Nội”). Tâm trạng phấn khích trước đám đông, chú nghển cổ hắng giọng hát nhại theo bài hát “Thuyền và Biển” của Phan Huỳnh Điểu lời thơ Xuân Quỳnh:

Nếu từ giã thuyền rồi, biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố
Nếu phải cách xa câu … Anh chỉ còn …xuống hố.

Đến chữ “xuống hố” chú ngân thật dài ra, làm cả họ, nhất là đám phụ nữ cười lăn cười bò, cười chảy cả nước mắt nước mũi ra.

Nay phải “Cách xa câu”, chú tôi đã “xuống hố” mất rồi! Xin bùi ngùi thắp nén hương tưởng nhớ đến người chú kính mến. Nhớ hôm khâm liệm ở nhà tang lễ viện quân y 108, em tôi cẩn thận mua một bộ cần câu máy mới tinh, xịn, xếp vào quan tài, để chú về dưới cõi âm có cái mà dùng.

Ảnh 1: Chú ruột của tôi – Đại tá Nguyễn Lan
“Nếu phải cách xa câu, anh chỉ còn xuống hố”


Với mầm gen di truyền của dòng họ, thú đam mê câu cá đã ngấm vào máu, kèm theo vài chục mét cước tơ (cước 0,18 mm) một ít lưỡi câu riếc mua ở số 4 Hàng Giấy, tôi cất kỹ vào trong đáy ba lô. Hành trang gọn gàng theo chân ông bố ra địa điểm tập trung để lên trường Nguyễn Văn Trỗi.
Thật may là trại CAU- (Mỹ Yên – Đại Từ) lại gần một con suối, dân thường gọi là suối Chì. Lính khóa 4 chúng tôi coi đây là nơi vệ sinh tắm rửa, giặt quần áo chăn màn. Riêng với tôi thì còn là nơi lý tưởng để thỏa mãn máu nghề nghiệp. Có lẽ một số bạn trong trung đội nếu được phỏng vấn sẽ đưa ra nhận xét về tôi, đại loại là:
“Thằng Việt Hồng thuộc dạng hiền lành, ít giao lưu cởi mở, được cái chăm học, khá về văn ”
Vâng nhận xét như thế cũng đúng, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Tôi ít tham gia thể thao văn nghệ, hay các trò chơi nghịch ngợm kiểu bồ tây bồ ta… Vậy những lúc rỗi tôi đi đâu? Dạ thưa, tôi lẻn ra suối đi câu một mình. Thú thật đi câu đông người cá sợ, vả lại khó tập trung. Bạn nào có tính kiên trì điềm đạm còn được, gặp phải bạn hay nóng tính sốt ruột thì cuộc câu đó cầm chắc là thất bại.
Bình thường trước khi xuất hành tôi phải chuẩn bị mấy thứ sau :
Dây câu đã buộc sẵn lưỡi câu (2 sợi)
Một dao díp (Tôi đem theo khi lên trường)
Một bao diêm và một vỏ bao diêm.
Khi ra suối, việc đầu tiên là bắt mồi nhện. Là loại nhện lông hay sống sát mép nước, chúng hay ẩn trong khe giữa các viên đá cuội. Lấy chân dậm dậm mấy cái, chúng lộ mặt ra ánh sáng nghe ngóng. Bạn nhẹ nhàng ấn ngón tay chịt nó lại. Lấy móng tay bấm vào mắt nó cho nó chết làm sao để toàn thân nhện còn nguyên vẹn thì độ nổi mới tốt. Lỡ mạnh tay quá mồi bị dập nát là vứt đi. Xong cho mồi vào vỏ bao diêm. Bắt khoảng 10 con câu hết lại bắt tiếp. Tiếp theo là sắm cần, tìm vào bụi tre chọn lấy 1 tay tre càng dài càng tốt. Dùng dao gọt hết gờ mấu. Lý tưởng nhất là có bụi nứa tép nào cạnh suối, chọn cây nứa tép bánh tẻ cho nó dẻo và có dáng giống cần câu trúc dân câu thợ Hà Nội hay dùng. Rồi buộc cước vào đầu cần theo kiểu thòng lọng, khi mắc mồi chú ý luồn lưỡi câu từ phía đầu đến bụng nhện .
Bạn chọn khúc suối nào chảy mạnh nhất định bọn cá “mương suối“ đã chực sẵn rình mồi. Chúng bơi ngược dòng rất khỏe, theo đàn vài con. Chả may con nhện nào sa chân xuống nước là coi như xong đời. Dựa vào đặc tính ấy, tôi khéo léo nấp vào chỗ khuất, thả mồi nhện cho từ từ trôi nổi trên mặt nước. Bỗng thấy xoáy nước một cái con mồi biến mất… Là tim bắt đầu đập thình thịch, còn đầu thì rộ lên cảm giác hể hả của kẻ đi săn.
Để cho chắc ăn, bạn hơi nhấc cần câu cho căng dây cước ra một chút, mà thấy rõ ràng nước chảy, cước lại đứng im tức cá đã ngậm mồi. Thế là alê hấp! Giật! Cần càng mềm thì cảm giác dòng cá càng khoái.
Do thời gian không cho phép nên tôi chỉ câu vài con, để dành cho lần sau.

Tiếp tục đến mục xử lý sản phẩm, tôi cắt 1 đoạn tay tre nhỏ, vót nhọn (có lần dùng chính 1 đoạn trên cần câu) Xiên ngang thân cá thành 1 xâu. Vơ vội ít lá khô cành khô, bật diêm châm lửa nướng cá tại chỗ theo kiểu nướng chui. Khi cá chín bốc mùi rất thơm, cầm xiên cá vừa gỡ vừa thổi vừa ăn, bóc ruột vứt đi. Cá suối là cá tự nhiên lại ưa vận động nên thịt chắc và ngọt lịm. Các bạn thông cảm cho tôi, ở nhà với bố mẹ thì đầy đủ, lên trường thiếu đói cái gì cũng thèm, nên thưởng thức món cá nướng chui nó mới ngon làm sao !
Thiên hạ đồn rằng “Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó”
Còn tôi “Sống ở trên đời ăn cá suối nướng”

Cũng có vài lần tôi rủ một bạn nào thân đi câu cùng. Ví dụ bạn  Võ Đình Hải (Hải  Khỉ), hai anh em sinh đôi Nguyễn Văn Tín, Nguyễn Văn Tuấn, hay bạn Nguyễn Văn Ơn (Sau này là liệt sỹ). Nghĩ tội nhất là Hải khỉ, tôi bắt bạn ấy cứ phải cầm cành cây tươi đi dọc bờ suối xua cá bơi ngược từ chỗ lặng lên chỗ nước chảy cho tôi câu.
Thứ đam mê câu cứ thế theo tôi từ trại Cau, lên lớp 8 vào khu Bom Bom. Sang Trung Quốc câu ở sông Ly cạnh trường Y Trung. Về Hưng Hóa câu ở sông Thao, câu ở ao cạnh nhà thờ đổ……
Ảnh 2: Anh con bác ruột của tôi (bên phải). Một thợ câu có tiếng ở Hà Nội – Cường 80 Phó Đức Chính

Kỷ niệm thì có nhiều nhưng ấn tượng sâu đậm nhất là lần đi câu ở khu hiệu bộ của trường đóng trên xã Mỹ Yên. Đi câu với bố tôi, cũng là sư phụ tôi người đã tận tình cầm tay chỉ việc, dẫn dắt tôi những bước chập chững vào nghề săn bắt.
Ấy là một ngày chủ nhật. Như thường lệ, các bậc phụ huynh từ bốn phương đi ô tô lên trường thăm con.
Chả phải tốn nhiều giấy mực để mô tả tình cảm của đám con cái như chúng tôi khi được đại đội báo tin có người nhà lên thăm.
Thứ nhất được hưởng sự vuốt ve chiều chuộng, được làm nũng. Thứ hai là thế nào cũng có quà cáp tiếp tế, được đánh chén no nê ngay tại chỗ cho bõ những ngày them thuồng, còn đâu thì mang về thực hiện chế độ cộng sản với đám bạn đang trông ngóng ở nhà. Bố tôi đi theo xe của học viện quân sự đóng tại Đại Đình, Vĩnh Phúc. Liếc nhìn vào túi xách của bố thấy mấy ổ bánh mỳ, một gói kẹo, một gói đường trắng. “Thôi thế cũng được, giá bố đi từ Hà Nội lên thì mẹ tôi thể nào cũng gửi nhiều thứ phong phú hơn - Bánh mỳ thì xơi ngay – kẹo mang về chiêu đãi (hay cống nộp) cho các bạn còn đường thì đút vào lọ pha nước uống dần. Tôi phác thảo rất nhanh kế hoạch đầu ra cho cái túi trong tay bố.
Xe lớn xe nhỏ đỗ rải rác quanh mấy lán nứa dựng tạm dưới tán cây. Trong lán cứ từng tốp bố mẹ con cái quay quần vừa ăn uống vừa trò truyện vui vẻ. Nhìn mấy cậu lính Trỗi ngả vào lòng mẹ trong thật buồn cười “Lính tráng gì mà cứ nũng nịu như thằng cu Tý thế kia”
Còn với bố con tôi, cơ hội hiếm có được gặp sư phụ, lại có ý muốn khoe trình độ câu cá đã tiến bộ vượt bậc. Tôi ngỏ ý rủ bố đi câu, bố đồng ý liền vì không ngờ thằng con gãi đúng chỗ ngứa.
Đích đến của hai bố con là đoạn suối cạnh trạm xá của trường. Đoạn này đẹp có nhiều chỗ nước chảy mạnh, hai bên bờ xen kẽ các loại cây ăn quả, có cả mấy bụi tre.. Bóng cây che mát bờ suối tạo cảm giác dễ chịu. Dưới dòng chảy róc rách kia hẳn là chưa đựng nhiều điều bất ngờ! Cứ đợi đấy!
Nhanh thoăn thoắt như một thợ câu chuyện nghiệp, tôi đã chuẩn bị xong hai cần câu. Đưa cái dài đẹp hơn cho bố, ra ý tôn trọng sư phụ. Đáp lại bố lại dành đoạn suối đẹp cho tôi còn bố đi lên phía thượng nguồn.
Vẫn thứ tự như lời kể lúc trước, đến đoạn bắt mồi nhện lông, móc mồi... Nào bắt đầu! Tôi hồi hộp thả nhẹ nhàng thả con nhện cho trôi một cách tự nhiên theo dòng nước xiết. Thi bỗng ục ục ục chừng ba, bốn con mương suối lao vào giành mồi. Có một con còn vọt lên khỏi mặt nước rồi mới bổ xuống, động tác thật dũng mãnh. Tôi hơi nhấc cần lên một tý đã thấy dây câu căng phần phật như dây đàn. Tôi giật mạnh, con mương quằn quại một lúc mới lên khỏi mặt nước. Tôi kéo sâu vào bờ sỏi cho chắc chắn. Gỡ lưỡi câu xong cầm con cá đầu tiên trong tay ngắm nghía, con mương vảy xanh, vàng, đỏ lấp lánh. Cái mõm dài, phía đầu mõm hơi quặp xuống như mỏ đại bàng, đại loại hình dáng giống loài cá hồi Bắc Mỹ. Tôi bứt một nhánh cỏ mần trầu dài xiên qua mang cá, cỏ này rất dai, mọc đầy ven suối.
Tiếp đến con nhện thứ hai được thả xuống nước, lại cái cảnh lao vào giành giật con nhện, lại có con mương tung mình lên cao rồi bổ xuống…
“Bọn này táo tợn thật, chả biết sợ là gì, đúng là chó cậy gần nhà gà cậy gần chuồng! Được để ông cho bọn mày biết tay”
Loáng cái tôi đã túm được năm, sáu con mương, con nào con nấy béo ú, vẩy lưng xanh trông rất hấp dẫn.
“Có lẽ phải khoe chiến lợi phẩm với sư phụ”. Tôi cầm xâu cá chạy ngược dòng suối, gần đến nơi tôi giơ xâu cá lên có vẻ rất khoái chí, nghĩ rằng sẽ được thưởng một câu khen ngợi. Nào ngờ, bố tôi cúi xuống bãi cỏ cầm xâu cá của mình giơ lên, nụ cười hóm hỉnh có ý giễu cợt rằng “Cậu tưởng cậu tài lắm hả, trông đây này!”. Tôi chưng hửng, xâu cá của bố có vẻ dài hơn xâu cá của tôi.
“Thật bái phục, đúng là sư phụ có khác, kiểu gì thì thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò thôi”.
Hơi có ý tự ái kiểu trẻ con, tôi đi ngược suối một đoạn dài, chọn được một chỗ khá đẹp. Bắt đầu thả mồi - giật – gỡ cá - xâu cá….cứ thế như một cái máy không ngừng nghỉ.
Không để ý đến thời gian, có lẽ đứng trưa, mồ hôi rịn trên lưng áo, cổ đã thấy khô khô.
Thử đi ngược lên một đoạn nữa xem sao, thì ...trời! Trước mắt tôi hiện ra quang cảnh đẹp đến mê hồn. con suối phình ra như một cái hồ, sát mép nước bên trái là một bãi đá cuội rất rộng, trái nữa là mương sắn lá xanh mướt. Bên phải là một rặng cây lúp xúp cao ngang đầu người lớn. Quanh chỗ tôi đứng nước trong vắt, chảy nhẹ nhàng quang những hòn đá lớn nhỏ đủ loại và sạch sẽ, đặc biệt không trong thấy một bãi phân trâu bò nào, cả trên bờ lẫn dưới nước, không gian thực sự yên ắng, chỉ nghe loáng thoáng những tiếng chim chiền chiện líu ríu trên trời xanh.
Không chịu nổi sự cám dỗ của thiên nhiên, và lại đang trong cơn nóng, khát. Tôi hạ đồ nghề xuống, lần lượt cởi bỏ quần áo mũ còn mặc mỗi cái quần đùi định ào xuống nước.
“Nhưng ở đây có ai đâu mà ngượng, có mỗi bố mình ở dưới kia, mà bố mình thì còn lạ gì nữa, hồi ở nhà bố vẫn tắm cho mình đấy thôi.”. Thế là tôi tụt nốt cái quần đùi tồng ngồng lội xuống… Té nước lên người cho mát từ từ, tôi bụm tay vốc nước làm một ngụm lớn, Chà! Quá đã! Tôi bơi ra giữa suối, nín hơi lặn một cú xem sao, nước khá sâu, ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống tận đáy, soi rõ những viên đá cuội lung linh.
Đang một mình tận hưởng món quà của tự nhiên, lặn ngụp đùa giỡn như một con vịt trời thì hình như xen lẫn trong làn gió thổi nhẹ loáng thoáng có tiếng con gái mà âm thanh lại phát ra từ bụi cây lúp xúp kia. Tim tôi bỗng đập thình thịch, mặt đỏ bừng lên chân tay luống cuống rụng rời
Nhìn xuống nước thấy “Thằng nhỏ” của tôi hằn rõ mồn một trời thì nắng rực rõ, nước lại trong như pha lê. Trời nước như cùng nhau trêu thằng bé.
“Hay lặn xuống”? Không được lâu ! Hay chui vào nương sắn nấp?
Cũng không ổn còn quần áo và xâu cá.
Tâm trạng hoảng loạn tôi nhìn chăm chăm vào phía bụi cây rậm, bắt đầu lố nhố xuất hiện phần ngọn của những gánh củi. Rồi thì một, hai, ba, bốn chị thôn nữ với những gánh củi nặng xuất hiện. Đến ven bờ suối nông gần tảng đá nơi tôi để quần áo, họ hạ gánh củi xuống. Có lẽ đây là điểm nghỉ chân quen thuộc của chị em mỗi khi vào rừng lấy củi.
Tôi lờ mờ hiểu ra rằng, không phải các chị nấp trong bụi cây để nhìn tôi , mà con đường mòn đi từ rừng ra có hướng thẳng về chỗ tôi. Thảo nào tiếng chị em cứ như vọng ra từ một chỗ.
Thật là trớ trêu khó xử quá, tôi như một diễn viên tồi diễn cảnh tắm suối một cách hết sức vụng về. Giá như lúc này có bạn nào đưa tôi cái chăn hoặc cái màn để tôi giặt hộ thì cám ơn quá (Như diễn viên chèo cổ phải có cái quạt giấy ấy)
Lần lượt các chị lội xuống nước để rửa mặt rửa chân tay. Lên bờ họ cởi khăn chùm đầu, có chị còn buông tóc ra hong, động tác thật thảnh thơi nhàn nhã, công việc đi rừng buổi sáng của các chị mười phần được dến chín rồi nên họ bình thản là phải. Hình như họ đang chuyện trò với nhau về một anh trai làng nào đấy định cưa kéo một chị trong nhóm, ngôn ngữ bình luận đậm mùi phái nữ. nghe chừng họ chẳng thèm để ý đến thằng bé con đang chào cờ dưới nước kia.
Còn tôi… các chị ngồi nghỉ mười phút tôi phải ngâm mười phút. Nếu các chị ngồi một tiếng, chắc tôi không chịu nổi.
Liếc xuống đoạn suối phía dưới, thấy bố tôi ngoảnh mặt nhìn lên, cái nhìn hơi lâu, chắc bố tỏ ra khó chịu về thằng con, tắm gì mà lâu thế không biết!
“Bố ơi bố thông cảm cho con, con đang bị kẹt chỉ vi không muốn mặc quần đùi ướt nên mới ra nông nỗi này đây bố ạ !”
Nhưng cái gì đến cũng phải đến, trời nắng gắt hơn và như nghỉ chân thế là đủ, các chị lần lượt xốc gánh củi lên vai lội qua suối. Có một chị nhìn thấy xâu cá của tôi, anh mắt dùng lại tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng rồi chị lại đi tiếp theo đoàn. Thật hú vía !
Tôi lội lên bờ, lập cập mặc vội quần áo, tâm trạng lo sợ, biết đâu lại có một tốp chị em nữa sắp đi qua thì sao?
Quay lại gặp bố, chả cần đọ kỹ cũng thấy xâu cá của bố dài hơn hẳn của tôi.
Hai bố con quay về chỗ khúc suối buổi sáng. Dãy nhà trạm xá im ắng, ẩn mình dưới những tán cây, mấy cái cửa lớn khép hờ, chả thấy bong người nào, chắc mọi người đang chìm trong giấc ngủ trưa.
Bản năng lính Trỗi nổi lên, tôi mò xuống nhà bếp, thấy cái thùng Rôminê đặt trên cái giá tre bốn chân, trên nắp úp cái bát sắt cũ. Vặn vòi ra hứng bát vào, chả biết là nước gì nhưng tôi tu luôn một bát đầy, hình như là chè VẰNG vị hơi đăng đắng.
Mò trên chạn bếp thấy có một cái nồi, tôi mở vung, hóa ra có ít nước mắm, lại kiểu “nước mắm đại dương” giống nước mắm ở bếp đại đội tôi.
Sờ tay vào tro bếp thấy vẫn còn âm ấm, thế là ổn.
Tôi định gợi ý với bố là ta làm món cá nướng (sở trường của tôi) xong lại ngại, như thế có vẻ úi sùi quá bố cười cho.
“Thôi cứ đem cá đi mổ cái đã !”
Tôi xuống ven suối chỗ có hòn đá to bằng phẳng, dùng dao díp rạch bụng, moi ruột rửa kỹ từng con.
Một lát thấy sau lưng có tiếng người nói chuyện, rồi có tiếng chân bước lạo xạo đến gần. “Hai bố con câu được nhiều cá quá nhỉ !”
Tôi ngẩng lên, một gương mặt tròn, khá trẻ, quần lụa đen, áo bà ba nâu cổ quả tim, mái tóc ướt xòa ra hai bên vai, chị nhìn tôi cười dịu dàng. “Không biết chị là y tá hay nuôi quân đây ?” “Tôi nghĩ thầm”
Thấy được khen, mũi tôi phồng lên nhưng đáp lại thì cứ lung búng như ngậm hột thị “Vâng ạ !”
Mổ cá xong, tôi mang lên, bố tôi đang lúi húi thổi to ngọn lửa mới nhóm dưới cái kiềng ba chân.
Bên cạnh bố là một cái nồi nhỏ, bên trong gác đôi đũa và không thể tin nổi đầu đũa dính một cục mỡ lợn lẫn mấy miếng tóp mỡ. Tôi cầm đũa lên ngắm nghía cục mỡ rồi đưa sát vào mũi hin hít. Ôi mùi mỡ lợn thơm ngạy quen thuộc ngày nào khi còn ở thủ đô.
Tôi nói ra mấy câu tỏ ý than phục bố, bố nheo mắt, vẻ khoái chí “Cậu quên bố là lính trinh sát à”. Món cá suối dim nhanh chóng hoàn thành với mỡ lợn, nước mắm, mấy quả ớt chỉ thiên hái trước sân trạm xá.
Tôi bưng nồi cá dim xuống bờ suối nơi tôi câu con cá mương đầu tiên. Hai bố con lôi bánh mỳ ra, kẹp cá vào làm nhân như kiểu patê. Đến đây tôi xin phép không kể tỉ mỉ nữa, chỉ biết là tuyệt với, ngon ơi là ngon lính trỗi thường hay dùng từ HẾT Ý!
Vừa ăn tôi vừa nhìn xuống làn nước chảy xiết trước mặt, đã thấy thấp thoáng đàn cá mương đua nhau lội ngược dòng, ánh vẩy bạc chốc chốc lóe lên tô điểm cho màu nước trong xanh.

“Chúng mày hãy đợi đấy lần sau ông sẽ quay lại nghe chưa”
Ảnh 3: Quà Giáng sinh mừng sinh nhật cháu ngoại tròn một tuổi, câu tại Hải Bối – Đông Anh tối 24/12/2010

Vâng đến đây có lẽ phải dùng vì đoán rằng các bạn đã sắp hết kiên nhẫn. Lúc đầu đọc còn tạm được, càng về sau càng chán. Nhưng tôi xin khẳng định với các bạn là:
Trong muôn vàn những thứ đam mê của cánh đàn ông, thì câu cá được coi là một trong những thú chơi lành mạnh và thanh tao nhất, nó vừa là môn thể thao rèn luyện sự bền bỉ dẻo dai, đức tính kiên trì khéo léo. Lại vừa là phương tiện để con người hòa hợp với thiên nhiên, tăng tình yêu gia đình quê hương đất nước, biết trân trọng bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta.
Chả thế mà ngày xưa vua chúa phong kiến cũng đam mê câu, ngày nay như chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng là một cần thủ có hạng đấy.
Thay cho lời kết, tôi xin trích ra đây đôi dòng tâm sự ghi trên trang đầu cuốn “Nhật ký câu cá” của tôi
“Mơ ước đơn sơ dễ thương trong cả cuộc đời là được đi câu hai nghìn buổi. Vậy mà từ nhỏ đến khi về hưu mới câu được khoảng ba trăm buổi
Còn một nghìn bảy trăm buổi nữa, làm sao đây ?
Bạn nào có cách hay mách hộ với !”
Xin kính chào và chúc thầy cô cùng các bạn sang năm mới Quý Tỵ gặp mọi sự tốt lành như ý.
Ảnh 4: Hai cháu ngoại – Những con búp bê của ông Hồng.

             

9 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Quá hay!

Nặc danh nói...

@Việt Hồng:Ông viết ra mới biết Lan Hương-Em bé Hà Nội là em con chú ông.TB cũng nhận"vật kỷ niệm" của H.H 1 đài quay với cái phao mầu đỏ,cái ngày tôi ra bắc đến thăm VH và Tùng bục ấy,nhưng Tùng đi vắng,năm sau lại ra đến thăm thì nhà đã 3 tầng rồi,mà Tùng với vợ ,con vi vu trong nam rồi.../TBK4

TK8 nói...

Định nghĩa: CÂU là hành động đánh vào Lòng Tham, làm con mồi tưởng là 1 miếng An Toàn, cuối cùng chúng kết thúc cuộc đời trên thực đơn của ta - vì vậy, về Bản Chất, CÂU là hành vi Lừa Đảo !

Hihi, cháu nói Vui thui nhá. Quá fục Trình CÂU của bác

Nặc danh nói...

Hồng Há có ông chú ở May 10 là ai thế. MK cũng là dân may 10 mà không biết nhỉ?
MK

Nặc danh nói...

có lần tôi thấy tên Hồng câu được con cua dưới suối nó liền bóc mai chén luôn với lý do là cua sạch và tươi
TTXVH

thuybeuK4 nói...

@TTXVH: ..."Hồng bảo TƯƠI,Sống=Ngon ,sạch "thì cứ việc CHÉN thôi,bệnh tật có các Thầy thuốc chữa !Ừ mà việc gì phải bận tâm nhỉ,sống đến THỌ là quá tốt rồi; còn Trung,Thượng thọ thì...vô tư đi!he he...

Nặc danh nói...

Có lần tôi lại thấy tên Hồng bắn được con chim sẻ, nó ngửa cổ hứng từng giọt máu không bỏ phí giọt nào - cũng tươi, bổ.
TTXVH

TQtrung nói...

Hôm tên Hồng chén cua tôi cũng nhìn thấy, nó vứt cái mai xuống mình nhặt lên xem thấy con gì trăng trắng bò ngoe nguẩy !!! chắc không phải đỉa TQ đâu! hehehe!
Hồng há nhớ cực dai, mình kể cho nó nghe chuyện phải đi 'cải tạo lao động', nhổ lông vịt bằng Colophan, đến bây giờ nó vẫn nhớ kể vanh vách!

Caotodenhoi55 nói...

Hóa ra là cả lò nhà ông tôi đã câu cùng,săn cùng,làm việc cùng đến tận bây giờ mới biết( bộ rễ của nó dài thật)....