Thứ Sáu, tháng 4 27, 2012

Nga - Trung tập trận rầm rộ trên biển, Việt Nam nổi giận?

Cuộc tập trận chung của Hải quân Nga với Trung Quốc không thể không làm Việt Nam, đối tác quan trọng nhất của chúng ta trong lĩnh vực mua bán vũ khí trong khu vực, bực tức. Chúng ta đang có với họ những hợp đồng hàng tỷ USD. Chúng ta sẽ không làm xấu quan hệ với Việt Nam chứ?
Tại Hoàng Hải, cuộc tập trận hải quân chung “Hợp tác trên biển-2012” của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu và dự kiến kết thúc vào ngày 27/4.
Nhân sự kiện này, tờ Svobodnaya Pressa (Nga) đã có một bài bình luận.
Dưới đây là nội dung chính của bài viết:
Các nhiệm vụ tập trận nhìn chung cũng bình thường cho loại hình diễn tập chiến đấu này trên đại dương: Truy tìm và “tiêu diệt” tàu ngầm, giải thoát tàu biển bị khủng bố chiếm giữ... Về nguyên tắc thì dường như chẳng có gì khác thường. Các cuộc tập trận chung hải quân Nga-Trung được nhất trí tiến hành thường xuyên từ năm 2005. Nhưng dẫu sao cuộc tập trận hiện nay vẫn có điểm đặc biệt riêng.
Một là, chưa bao giờ trong hai thập kỷ hậu Liên Xô, Hạm đội Thái Bình Dương cử một binh đoàn tàu hùng mạnh như vậy tham gia tập trận (với tuần dương hạm tên lửa cận vệ Varyag, các tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Tributs, Đô đốc Vinogradov, Nguyên soái Shaposhnikov, tàu chở dầu Pechenga và 2 tàu cứu kéo SB-522, MB-37)...
Theo các sách tra cứu thì đây thực tế là toàn bộ các chiến hạm nổi đại dương mà Nga còn ở Viễn Đông (đúng ra là tất cả các chiến hạm lớn có thể rời cầu cảng mà không có rủi ro, chết máy chẳng hạn).
Đáng chú ý hơn, chính trong những ngày Nga - Trung, ở biển Đông đang vang lên những loạt súng pháo từ những chiến hạm khác. Ở đó, cũng diễn ra cuộc tập trận chung lớn giữa Mỹ và Philippines.
Bắc Kinh đã phản ứng cực kỳ kích động với cuộc tập trận này. Ngày 21/4, Trung Quốc chính thức cảnh báo Washington và Manila rằng, có nguy cơ nổ ra va chạm quân sự tại khu vực tập trận.
Khi đó, đại diện Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) tuyên bố: “Từ lâu , các nhà quan sát vô tư đã nhận thức rằng, tập trận quân sự là một giai đoạn trên con đường tiến đến va chạm quân sự và giải quyết xung đột thông qua sử dụng vũ lực”.
(Dĩ nhiên, họ (PLA) nói về cuộc tập trận của Mỹ và Philippines, còn cuộc tập trận mà Nga và Trung Quốc đang tiến hành ở Hoàng Hải, rõ ràng là tràn đầy tình yêu hòa bình, theo Trung Quốc).
Đáp lại, Lầu Năm Góc vội vã lên tiếng trấn an dư luận quốc tế là không hề có gì mang tính khiêu khích trong các hành động của hạm đội Mỹ. Và rằng, cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ lâu và tất cả những ai cần biết thì đều biết, kể cả Bắc Kinh và Moskva.
Nhưng người Mỹ không cách nào giải thích được chuyện kỳ lạ: Theo kế hoạch, cuộc tập trận chung với Philippines ở Biển Đông lẽ ra phải ngày 23/4 mới bắt đầu. Nhưng nó lại được triển khai sớm hơn một tuần, bắt đầu vào ngày 16/4. Vì sao có sự vội vã đó? Bấm đây xem tiếp

Trăm tội cũng chỉ tại sự cố tranh chấp lãnh thổ mới xảy ra ngày 10/4.
Hôm đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã phát hiện 2 tàu Trung Quốc gần bãi đá ngầm Scarborough mà Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền.
Phía Philippines định bắt giữ những kẻ mà họ cho là “đánh cá trộm” nhưng các tàu bán quân sự Trung Quốc lập tức xuất hiện ngăn cản. Giao chiến không xảy ra, nhưng vụ việc đã gây sóng gió lớn trên vũ đài ngoại giao với sức nóng mới.
Cái giá của vấn đề là lá cờ của ai sẽ bay trên hàng trăm hòn đảo, bãi đá ngầm và đảo san hô trên một vùng biển rộng 40 vạn km2 nằm trên những tuyến hàng hải trọng yếu nhất từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Tất cả những hòn đảo, bãi đá tranh chấp lớn nhỏ được gọi là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Các bên đòi chủ quyền gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan, Trung Quốc và Philippines.
Mỗi bên đều chiếm giữ được một ít. Nhưng chiếm được vị thế đắc lợi nhất là kẻ thù đáng nguyền rủa của Bắc Kinh - đó là chế độ Đài Loan. Lá cờ của họ bay trên chỉ một hòn đảo, song lại là đảo to nhất ở Trường Sa! Trên đảo Itu Aba (còn gọi là đảo Ba Bình, phía Đài Loan gọi là Thái Bình) có một căn cứ hải quân và một căn cứ không quân của Đài Bắc cho phép kiểm soát vùng biển rộng lớn.
Trung Quốc không chỉ một lần mưu toan giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực. Năm 1974, Bắc Kinh đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam và đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Năm 1988, họ lại dùng vũ lực chiếm một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhân đây, cũng phải nói rằng, từ rất lâu, người Việt Nam gọi khu vực này là biển Đông, Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa (Hoa Nam). Còn mới đây, Philippines chính thức gọi biển này biển Tây Philippines. Vì thế, dư địa cho những thỏa hiệp ngoại giao còn lại rất ít.
Người Mỹ cũng tích cực tham gia vào cuộc tranh chấp này. Mỹ nhận thức rõ rằng, nếu chiếm được quần đảo Trường Sa, Trung Quốc sẽ nắm được quyền kiểm soát hiển nhiên đối với một khu vực trọng yếu nhất của đại dương thế giới. Tuy nhiên, khả năng của Mỹ ảnh hưởng đến tình hình bị sút giảm mạnh sau khi họ đóng cửa căn cứ hải quân lớn nhất của mình tại khu vực này ở vịnh Subic vào năm 1992. Lúc đó, người Mỹ nghĩ rằng, sau khi Hải quân Liên Xô rút khỏi khu vực, họ chẳng cần căn cứ Subic làm gì. Song Washington đâu ngờ được khoảng trống xuất hiện lại bị Trung Quốc lấp đầy nhanh đến vậy?
Tuy nhiên, tháng 6/2011, Philippines đã có được những bảo đảm đặc biệt của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cam kết bảo vệ Philippines trước Trung Quốc.
Đó chính là cái mớ bòng bong chính trị - quân sự mà Nga đã dính vào cùng với cuộc tập trận “Hợp tác trên biển-2012”. Vì thế, chỉ mong sao cuộc tập trận kết thúc càng mau càng tốt.


"Các tuần dương hạm tên lửa đâu có đánh nhau với khủng bố"
Bình luận của Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) Aleksandr Khramchikhin.

SP: - Thưa ông Aleksandr Anatolievich, điều đang diễn ra ở Hoàng Hải và Biển Đông phải chăng là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Ông Aleksandr Khramchikhin: - Theo tôi được biết, ý tưởng tập trận chung với Trung Quốc là do phía Nga đưa ra năm 2011, khi tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc thăm Moskva. Nga đã đề xuất, nhưng Trung Quốc có thái độ lạnh nhạt.
Sau đó, vào đầu năm 2012, Mỹ chính thức đưa vấn đề kiềm chế Trung Quốc bằng quân sự trở thành nhiệm vụ chủ yếu trong tương lai gần. Vậy là, giới quân sự Trung Quốc “nhớ” ra đề xuất tập trận chung của Nga và bắt đầu sốt sắng với việc tập trận chung.
- Kết quả là có lẽ lần đầu tiên kể từ chiến tranh lạnh, các tàu chiến Nga và Mỹ đồng thời tập luyện đánh đắm tàu chiến đối phương ở các vùng biển liền kề. Đương nhiên, giả định về những tên khủng bố chiếm giữ một tàu biển dân sự trong các cuộc tập trận chẳng qua là nói cho vui. Các tuần dương hạm tên lửa đâu có đánh nhau với khủng bố. Nga có cần cái đó trong hoàn cảnh hiện nay không?
- Tôi nghĩ là Nga không để ý kế hoạch tập trận của Mỹ và Philippines. Nên khi biết thì công tác chuẩn bị cho cuộc tập trận “Hợp tác trên biển-2012” đã khởi động. Không còn đường lùi nữa.
Hơn nữa, ở đây còn có một khía cạnh nữa. Mới đây, Nga đã ký với Việt Nam hợp đồng hợp tác khai thác dầu khí ở thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, vùng biển mà bất Trung Quốc chấp mọi quy định của luật pháp quốc tế coi là biển của họ. Như vậy, lần đầu tiên chúng ta đã chống lại Bắc Kinh trong một vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với họ.
Trong bối cảnh đó, từ chối thêm cuộc tập trận chung với Trung Quốc sẽ gia tăng thêm xung đột với Trung Quốc. Cùng tập trận, may ra chúng ta sẽ làm dịu bớt được những mâu thuẫn.
- Nhưng cuộc tập trận chung của Hải quân Nga với Trung Quốc không thể không làm Việt Nam, đối tác quan trọng nhất của chúng ta trong lĩnh vực mua bán vũ khí trong khu vực, bực tức. Chúng ta đang có với họ những hợp đồng hàng tỷ USD. Chúng ta sẽ không làm xấu quan hệ với Việt Nam chứ?
- Nga ở Đông Nam Á đang thực thi chính sách nước đôi. Tôi không nghĩ là sẽ có những phức tạp nghiêm trọng với Việt Nam. Mặc dù nay có thể sẽ phát sinh những vấn đề nhất định. Nhưng Hà Nội chẳng thể làm thế nào được. Nhiều hệ thống vũ khí họ chẳng thể mua được ở đâu khác cả.
- Thế hạm đội Nga cần cuộc tập trận đó làm gì? Định học bài đánh trận bằng tiền Trung Quốc? Hay là định học cách truy tìm tàu ngầm Trung Quốc để tìm ra nhược điểm của các tàu ngầm Nga?
- Ở mức độ nhất định thì đúng là như vậy.
- Chính bởi vậy mà lực lượng chủ lực của Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến ra Hoàng Hải?
- Đã ra khơi tập trận là 4 trong 6 tàu chiến mặt nước tác chiến đại dương mà Nga hiện có ở Thái Bình Dương. Nằm lại Vladivostok là 2 chiếc đang được sửa chữa.
 (ĐẤT VIỆT ONLINE)

Không có nhận xét nào: