Hà nội đang vào thu, tiết trời mát mẻ. Những cơn bão cuối mùa đang hoành hành đâu đó ở miền Trung cũng làm bầu trời thủ đô đột nhiên xám xịt, sáng có mưa bụi lất phất làm tăng không khí u ám. Thời tiết thay đổi làm cụ rùa nổi lên lần đầu tiên kể từ khi được thả sau quá trình điều trị. Không biết có điều gì may mắn và trọng đại sắp xẩy ra không đây? Có ông học giả nào đó đã nói vậy, sau đại hội Đ lần thứ bao nhiêu đó!!!
Không mấy quan tâm đến thời thế nữa, có thời gian rảnh rỗi tôi bèn mò mẫm thăm lại chốn xưa, nơi mình đã một thời sinh sống. Ở Hà nội, có cách đặt tên đáng yêu là các danh nhân và địa danh nổi tiếng một thời nào đó sẽ được quy gọn về một khu vực. Nhà Trần với các danh đế, danh tướng, các địa danh có các biến cố lịch sử nổi tiếng được đặt tên cho các con phố hai bên đê sông Hồng, đoạn chảy qua Hà nội, từ Trần nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nguyên Hãn, Trần Hưng Đạo cho đến các địa danh như Bạch đằng, Vạn kiếp, Chương dương, Hàm tử v.v..Đều gợi nhớ đến một thời Oai hùng, vẻ vang của dân tộc.
Ngày xưa, nhà tôi ở trên phố mang tên Trần Khánh Dư, ông tướng này có thời thất sủng phải đi chèo thuyền bán than, sau lập được công lớn, phá tan đoàn binh lương tiếp vận của quân Nguyên, sự tích ông này kể ra thì khá hay ho, bố mày cậy có công, lại được làm con nuôi của vua nên dở chứng tằng tịu vói công chúa, vợ của con trai Trần Hưng Đạo, bị phạt đánh gậy tý chết, mới phải bị đuổi về nhà bán than, may mà được phục chức rồi có cơ hội cầm quân đánh tan đoàn binh lương cuả tướng giặc Trương văn Hổ, lập công lớn, nổi danh trong sử sách, ngẫm ra mới thấy ông nào có tài cũng hay có tật, lại hay khổ vì gái hehe!
Đoạn phố này bắt đầu từ Nhà bảo tàng Lịch sử xuống đến nhà máy xay Lương yên cũ, nói cũ vì bây giờ thành bến xe rồi, chuyển đổi công năng vì thất nghiệp, ngày xưa ăn nhiều gạo mới phải xay nhiều, bây giờ đời sống nâng cao, ăn toàn cá thịt, hoặc gạo lức muối mè, nhà máy bèn xoay sang làm bến xe khách, thế mà lại thấy phát triển tốt.
Đoạn từ Trần Hưng Đạo xuống đến Nguyễn huy Tự, qua bệnh viện Việt xô thì còn đông vui, chứ đoạn qua nhà tôi buồn tênh, chẳng có nhà dân nào, bên kia đường là đê sông Hồng, trồng đầy cây cơm nguội, trẻ con lấy hạt thổi ống xì đồng, toàn thổi trêu bạn gái, bị mắng xì xọp nhưng vẫn không chừa, mùa thu cây cơm nguội vàng lá, chắc tạo cảm hứng cho Trịnh Công Sơn sau này ra thăm Hà nội, viết bài Hà nội mùa thu" Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ"
Thời sau 54, lâm nghiệp dùng khu trống chân đê để tập kết gỗ, gỗ to xếp dài từ cuối Trần Hưng Đạo lên đến nhà Bảo tàng, phơi sương phơi nắng nhiều năm, thành chỗ cho các tay anh chị, đĩ bợm tá túc, mình đi học qua thấy nhiều cảnh nhí nhố, nhưng chẳng bằng bây giờ! Cái bãi gỗ này còn là nơi tình tự lý tưởng cho các đôi nam thanh nữ tú của Hà nội thời bấy giờ, cứ đêm xuống là kéo nhau về, chỗ nào có hang hốc do cây gỗ tạo nên là luôn được ưu tiên chọn trước, bọn trẻ con tụi mình đứng trong nhà, dùng súng cao su cứ nhè các anh chị ấy để bắn, hehe vui hơn tết!
Đê sông Hồng ngày xưa chưa được bê tông hóa như bây giờ, suốt một dọc đê trồng một thứ cỏ gà xanh mướt như trải thảm. Mùa hè mất điện, ông già bà cả, trẻ con người lớn kéo hết lên đê, ngồi xuống thảm cỏ, hưởng không khí mát lành từ mặt sông thổi lên, điều đó bây giờ thật xa xỉ. Bọn trẻ con có thú vui chơi chọi cỏ gà. (Còn tiếp)
3 nhận xét:
Gớm cho tay Tt. Thấy người ta có cầu vồng thì cũng cố vống lên cho bằng tiếng gáy :-)
"Chu Du" lên tiếng rồi, hehehe!
Nghịch tinh hơn là lũ trẻ ở mấy khu tập thể gần đấy, những tối hè mát rượi các đôi tình nhân mải tình tự say sưa, chúng lấy "mìn" (trên đê hơi bị sẵn) bôi trét đầy yên xe đạp và ghi đông của các đôi tình nhân để gần đấy...để có những trận cười đã đời.
Đăng nhận xét