Hôm rồi nhận được thư của Chí Quang,trong đó có kèm bài viết của Chí Thành (Lính Trỗi K6,em Chí Quang).Đọc xong tôi thục sự xúc động vì bài viết này đã nhắc tôi nhớ lại một kỉ niệm khó quên cách đây đã 35 năm rồi, và qua đó càng thấm thía hơn hai chữ "Trường Trỗi".Tôi đưa
bài này cho vợ tôi đọc và "ả"nói rằng :"Chỉ có trường Trỗi các anh mơí có tình nghĩa và đối xủ với nhau như vậy".Tôi xin đưa bài viết của Chí Thành vào đây như là một thành ý: cảm ơn những người bạn Trỗi mà trước đây tôi chưa quen biết .
“Trường Trỗi mới là trường mình mà !”
Hà mèo K6
Hôm nay, nhờ anh Kiến Quốc thông báo, tôi mới biết mà lên blog “bán trời” (bantroi.blogspot). Xem thấy gợi lại cho mình nhiều chuyện xưa. Trong đó có nhắc tới anh Quang “xèng” K4 làm tôi sực nhớ tới một chuyện xin kể ra dưới đây. Không biết anh Quang còn nhớ không ?
Niên khóa 1971 – 1972, tôi học dự bị tiếng Đức tại trường đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội cùng với một số bạn Trỗi cùng khoá 6 như Khánh Thái, Khánh “choang” và cả khóa 5 như Thắng, Nhân, Chương, Hà từ đại học Quân sự về.
Trường tôi (trường Ngoại ngữ) có một sân bóng đá rộng rãi và đặc biệt là không có hàng rào bao quanh, dù nằm trong khuôn viên của trường. Do vậy, vào các buổi chiều trời đẹp, không chỉ có sinh viên của trường ra chơi bóng, hóng gió, mà sinh viên của các trường kế bên như Trường Dân tộc trung ương, Đại học Kiến trúc và cả Đại học Tổng hợp cũng thường xuyên có mặt.
Mỗi nhóm tự “bày binh bố trận” bằng những chiếc dép, cục gạch tạo riêng cho nhóm mình một mảnh sân bóng đá “gôn tôm”. Và thế là trận đấu đuợc tiến hành. Sân không có đường biên, chơi không có trọng tài, nên trận đấu trên sân này lấn qua trận của sân khác cũng là bình thường, nhiều khi còn đá lộn bóng của nhau, cũng có khi là cố ý và thế là xảy ra chuyện. Sinh viên tuổi trẻ, năng động, vui chơi tự phát không thể tránh đuợc những va chạm. Và tất nhiên khi có sự cố thì bao giờ cũng phải bênh trường mình – đó được coi là nguyên tắc cho tất cả. Mấy đứa tụi tôi – cựu học sinh trường Trỗi thường là các thành viên tham gia tích cực nhất vào những lúc này. Sinh viên Ngọai ngữ cũng thường trông cậy vào mấy “anh Trỗi” là vậy.
Một hôm, chiều xuống, mát trời, mấy anh em Trỗi chúng tôi cùng vài “bạn của trường Trỗi” tà tà ra sân bóng tham gia thể dục thể thao như thường lệ. Sân bóng trường huyên náo, ồn ào, lộn xộn. Bất chợt, vẫn như mọi khi, ở một góc sân nghe có tiêng la hét, mọi người đổ xô về đó xem “sự cố” gì đã xảy ra. Tôi cũng quay lại rủ mấy “chiến hữu” : “Ê ! Lại đằng kia tham gia cho vui tụi mày !” “Đi, đi” – cả bọn vui vẻ chạy tới.
Tại trung tâm của “sự cố”, tôi thấy Định – sinh viên năm thứ 3 Khoa Pháp văn, một trong những “đại bàng” của trường tôi – mặt đỏ gay, đầy tức giận đang “sàng” qua “sàng” lại những “thế võ” lạ mắt trước sự thán phục của đám sinh viên Ngoại ngữ bu đầy xung quanh khích lệ bằng những “lời có cánh” : “Anh Định hay quá !” “Anh Định cho nó biết tay đi !”….
Đối diện với Định, giữa đám sinh viên - mà tôi nhận ra là tụi trường Đại học Tổng hợp – là một “chiến tướng” ròm ròm, mặt đằng đằng sát khí, im lặng nhìn chằm chằm vào đối thủ, nghiêng người thủ thế rất vững chắc – trông thật quen !
“Ô !” – tôi la lên – “Quang xèng tụi mày ơi!”. Đúng là anh Quang “xèng” khóa 4 trường Trỗi đây mà. Hèn nào nhìn thấy quen. Đám Trỗi hỏi tới tấp : “Ai vậy ? Quen hả ? Có nhầm không mày ?” – “Ông này là Quang “xèng” học lớp anh tao mà, sai sao đuợc”. Nghe vậy, mấy thằng bạn tôi lập tức la lên : “anh Quang bình tĩnh, có tụi này ở đây !” và tụi tôi nhanh chóng nới rộng vòng “cổ động viên” đang sẵn sàng nhào vô “đánh hôi” và la lớn : “ Ê, một chọi một ! Không chơi “hội đồng” !”
Thấy lợi thế “sân nhà” tự nhiên bị biến mất, Định “khoa Pháp” – như tụi tôi thường gọi – vội đảo mắt nhìn quanh và nhận ra ngay “tụi Trỗi trường mình” là nguyên nhân nên “mất lửa” hẳn. Hắn nhướn mắt hỏi tôi : “Bạn mày hả ?” – “Không, ông “chơi” đi !” Tuy vậy, đám tụi tôi không hẹn mà tự nhiên đã giàn ra theo hình vòng cung đằng sau anh Quang “xèng” từ lúc nào.
Định “khoa Pháp” bỗng xuống giọng : “ Mày… mày … lần sau sẽ biết tay tao” và quay lưng đi thẳng nước một không hề ngoái lại. Đám “quần hào” mất hứng la lối um xùm : “Sao vậy anh Định ?” “Chưa đánh đã thua !“ “Sợ hả ?” “Hèn thế !” “Ha ha !!”….. Đám Tổng hợp cùng anh Quang “xèng” cũng nhanh chóng rút khỏi sân trường ra tàu điện về ngay.
Tối hôm đó, Định “khoa Pháp” sang Khoa Đức gặp tụi tôi chất vấn : “Sao tụi mày không bênh trường mình ?” – “Đâu có ! Anh không dám chơi lại đổ tại tụi tôi” Nói chung các “Đại bàng” ở trường lúc bấy giờ đều “ngại” đụng “tụi Trỗi”, nên Định đành ngậm tăm lẳng lặng bỏ về. Đám “bạn của trường Trỗi” cũng xúm lại hỏi : “Bạn mày hả ?” – “Không, chỉ vì tao thấy tụi trường mình đông quá, chơi không “quân tử” nên tao mới can thiệp, tụi mày cũng vậy thôi ?” Tụi kia cũng đành ậm ừ, mà chẳng hiểu tôi trở thành “quân tử” từ khi nào. Chỉ có mấy thằng Trỗi tụi tôi là nhìn nhau cười : “Trường Trỗi mới là trường mình mà !”.
Sau khi đọc xong, tôi có thư trả lời Chí Quang và Chí Thành như sau :
Tuyệt vời Chí Quang-Chí Thành,Cám ơn Chí Thành và anh em Trỗi có mặt trên sân bóng trường ĐH Ngoại Ngữ chiều ngày hôm đấy.Thật sự hôm nay đọc bài viết này tôi mới được biết : chiều hôm xảy ra đụng độ với "Đại bàng"-Định khoa Pháp (mùa hè năm 72),tôi đã được sự ủng hộ của anh em trường ta-TRƯỜNG TRỖI.Câu chuyện này tôi không bao giờ quên (vì nó cũng là một trong những kỉ niệm thời sinh viên).Thú thật khi thấy thằng Định "sàng sê"-(cách nói của các cao thủ võ lâm trường Trỗi),tôi chỉ nghĩ làm sao hạ gục được thằng này.Tai tôi lúc đấy cũng nghe thấy nhiều tiếng la lớn :"Quang xèng bình tĩnh,hạ nó đi"...nhưng không nhận ra được rằng trong những tiếng la lối đó có cả sự ủng hộ của anh em Trỗi khóa sau,tiếp sức và bảo vệ cho mình.Bây giờ đọc được bài viết của Chí Thành cảm động quá trời.
Nhân bài viết của Chí Thành,tôi bổ sung thêm để anh em đọc cho vui :
Chiều hôm đó,một chiều mùa hè năm 1972,khoa tôi (khoa Toán-ĐHTH) đấu bóng đá với khoa Lý (của Hữu Thành,Từ Ngữ...) tại sân trường ĐH Ngoại ngữ.Thực ra sân này là sân chung của 2 trường : Ngoại Ngữ (NN) và Tổng Hợp (TH) (vì khi đó 2 trường còn "sống chung" ở Thanh Xuân).Ngoài tôi,lính Trỗi hôm đấy còn có DMinh,Nam "khỉ"(khoa Toán) và Từ Ngữ (khoa lý).Trận đấu đang diễn ra suôn sẻ thì "dân Ngoại Ngữ" tan học tràn ra sân.Một nhóm sinh viên ĐHNN trông rất máu nhào vào sân như muốn giành lại sân bóng."Dân TH" vốn "mọt sách" nên rất ngại va chạm và cố gắng giữ hòa khí.Thấy vậy đám NN lại càng lấn tới đá phá bóng của "dân TH".Tôi lúc đấy cũng "nóng mắt" lắm,nhưng cố kìm lại vì mình đang là "bộ đội" cử đi học,nếu xảy ra chuyện gì bị kỉ luật thì "chết" với Tổng cục chính trị.Hơn nữa,trưóc đấy một thời gian tôi và Nam "khỉ" vừa "xáp chiến" với lũ thanh niên càn quấy ở làng Đại Đà-Đông Anh(mà DMinh có kể lại trong bài : Sinh viên dân sự-Sách SRTKL 2) nên tôi lại càng không muốn "chiến tranh".Khổ nỗi,trong đám dân TH có thằng Linh (nhà ở phố Phùng khắc Khoan,vừa bị đuổi học từ Liên-Xô về vì tội đánh nhau và nhập học vào lớp tôi) vốn có "máu chiến" nên nó đã không nhịn được và đã xô sát với thằng Định-Khoa Pháp.Thằng Linh cũng có chút ít võ nghệ(có lần tôi đã đưa nó đến nhà Tuấn "Phúc" để nó thử với Tuấn "Phúc" rồi).Nhưng mới chỉ vài chiêu,tôi và mọi người nhận thấy Linh không phải là đối thủ của "Đại Bàng" Định,vì nó liên tiếp bị dính đòn của thằng Định(thằng Định ra đòn cước rất tốt).Có lẽ dân TH tin tưởng là tôi có thể hạ được thằng Định khi thấy Linh đang bị nó "dồn tới chân tường" nên la lối um xùm :"Quang xèng đâu,đánh bỏ mẹ nó đi","Quang xèng nhào vô đi"...Thấy rằng nếu không "nhào vô" thì rất có thể thằng Linh sẽ bị thằng Định cho "no đòn" nên tôi đành nhảy ra chắn giữa 2 thằng và thủ thế "Bạch hạc thủ châu" để chờ Thằng Định ra đòn.Nhưng chỉ thấy nó sàng qua sàng lại vài đường rồi bỗng nhiên miệng lẩm bẩm và bỏ đi (đúng như Chí Thành đã kể).
Chuyện là như vậy,nhưng còn một điều Chí Thành chưa biết là : do "máu Trỗi"(xin lỗi các bạn nếu điều này là sai) lại nổi lên nên liên tiếp 2 tối sau đấy tôi,thằng Linh và một người bạn nữa phục ở sân bóng NN để gọi "băng" thằng Định ra phân thắng-bại nhưng không gặp được thằng Định nên đành bỏ cuộc.
"Rất cám ơn Chí Thành và những người bạn Trỗi.Quang xèng."
Sau đấy tôi tiếp tục chuyển bài của Chí Thành cho DMinh và hỏi :DMinh còn nhớ chuyện này không?thì nhận được thư của DMinh :
"Chào Quang,
Quên làm sao được! Mặc dù khi đó mày không nói, nhưng tao biết thừa mấy tối sau mày đã xuống Đại học NN tìm tụi kia.
Không ngờ lại có Trỗi K6 chứng kiến và bây giờ nhắc lại kỷ niệm này.
Dương Minh"
Với những kẻ "Tha phương cầu thực" như bọn tôi thì thường sống nhiều với những kỉ niệm của "Một thời đã qua",và câu chuyện này mang đậm tình cảm của những người "Lính Trỗi".
CHLB Đức,Leipzig ngày 04.04.2007
Quang xèng.
Thứ Năm, tháng 4 05, 2007
Sống lại với "Hồi ức" và chỉ có "Trường Trỗi mới là trường mình mà"
Gửi bởi xeng lúc Thứ Năm, tháng 4 05, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
2 nhận xét:
Hồi xưa rất nhiều lính Trỗi ưa cái màn đấm đá (tuổi trẻ tất cuồng nhiệt). Sau ra trường Trỗi khối anh "phát huy". Hồi chiến tranh biên giới Tây Nam, Trí Dũng K3 (Chí Nhân, Trí Dũng) là C trưởng C trinh sát trung đoàn Sài gòn - Gia định, thấy lính trinh sát hăng hái quá mức, bèn mở võ đài đại đội. Trí Dũng là "giám biên" còn "quần hào" là trọng tài chính. Phong trào khá sôi nổi. Nó không chỉ giúp anh em rèn luyện tố chất lính, mà còn làm anh em quên đi nỗi gian truân trong hoàn cảnh của một chiến trường không bình thường. Có lần Trí Dũng bị anh em "điệu" lên võ đài. Đối thủ là một võ sỹ Takwondo đai đen (hình như 2 đẳng). Đối thủ ra đòn như bão táp còn TDũng thì rù rờ như ... xẩm. "Quần hào" xác định tay võ sỹ 2 đẳng thắng (được quá nhiều điểm trong khi TDũng không có điểm nào). Dứt điểm! Võ sỹ 2 đẳng bay vào dùng thế liên hoàn tam cước: đá cạnh bàn chân vào cổ, xoay người chém vòng cung vào sườn, ngả người phóng gót vào ngực dưới TDũng, thế là bãi chợ! TDũng chỉ còn nước đi cấp cứu. Bất ngờ TDũng hụp xuống tránh đòn, nhập nội, kê cùi chỏ vào ngực dưới đối phương, kết thúc đòn! Quần hào "tôn" TDũng làm "đại ca". Chính vì "danh hiệu" này mà TDũng súyt bị cấp trên kỉ luật, "may" C trinh sát và bản thân y lập thành tích nên được "xóa án".
Tưởng chuyện đấm đá chỉ lưu truyền tới hồi hai mấy, ba mươi tuổi là "nguội đáo", ai dè tới 55, 56 tuổi vẫn còn "nóng". Chàng Quang xèng (Phương trượng Thiếu lâm Tư nhân Tự - Đức quốc phái) vẫn còn nhiệt tình thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Và cách đây chưa lâu lắm, Chấn Định hạ đo ván mấy chú du côn địa phương tới quấy trang trại của y.
Hãy khoan bình về bản chất của vấn đề, chỉ cần biết, với lứa tuổi 55, 56 mà "nhiệt huyết trong lòng đầy chứa chan" là quý hóa rồi.
Người ta nói, hồi trẻ hao phí sức khỏe để kiếm tiền bạc, tới già hao phí tiền bạc để kiếm sức khỏe. Các bạn không tốn nhiều tiền bạc mà có sức khỏe là hơn người rồi. Thực thà tôi không đủ dũng khí để học theo các bạn. Chúc sức khỏe tới tất cả.
HCQuang
Riêng dũng khí kể chuyện của anh cũng là hay lắm đấy.
Đăng nhận xét