Thứ Hai, tháng 4 23, 2007

Đi sau thì nhặt ống bơ vậy!

Đi sau thì nhặt ống bơ vậy! Anh Chí Quang đã nói như vậy. Thế thì tôi kể chuyện chúng tôi đi sau cuộc chiến và đã nhặt ống bơ như thế nào.

Đoàn Tổng cục Kĩ thuật vào tiếp quản các cơ sở kĩ thuật của quân đội SG tại SG tới đích vào ngày 2/5/1975. Các đoàn khác trong đoàn nhanh chóng đi tiếp quản các nhà máy, ... Riêng đoàn của Viện Kĩ Thuật Quân sự thì chưa có ngay cái gì để tiếp quản. Vì Viện KTQS xưa nay chuyên làm những việc không giống ai. Chờ để người ta “chê” thì mới đến lượt mình.

Rồi cũng dần lộ ra những thứ đó. Nhiều nhất là các trung tâm điện toán. Đoàn chúng tôi nhận ngay việc bàn giao từ các đơn vị quân quản các trung tâm này. Công ty IBM và điện toán Bộ Quốc phòng ở đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng?), điện toán tiếp vận ở đối diện ga sân bay TSN, điện toán nhân viên và xưởng in trong Bộ TTM (nay là trụ sở QK7), sau đó còn có điện toán nhà thầu xây cất Pacific trong sân bay TSN, phía gần ngã ba Chú Ía. Chuyện liên quan tới các trung tâm toán máy tính này trong một hai năm đầu giải phóng tôi cũng có nhiều duyên nợ, vì họ là chủ nhà cho bọn tôi tá túc. Nhưng kể ra thì lại đá lộn vào sân của các anh Thế Nam, Tự Thành, Dương Minh, ...

Vài tháng sau Đoàn chúng tôi lại tiếp quản thêm một căn cứ thiết bị cảnh giới chống thâm nhập, gọi là Tác chiến Điện tử. Thế là sau một thời gian phiên hiệu của các đơn vị thuộc Đoàn có B30 quản lí máy IBM-360/30 của nhà thầu Pacific, B40 máy IBM-360/40 điện toán nhân viên, B50 máy IBM-360/50 điện toán tiếp vận, B60 tác chiến điện tử, Đoàn bộ ở 240bis Pasteur và một số cơ sở khác.

Tôi được điều về B60 khoảng cuối năm 75. Trong số gần chục anh em bộ đội ở đây thì Trỗi đã tới 3 người là Hoàng Quốc Trinh k1, Đinh Trọng Thành k2 và tôi k4. Căn cứ tác chiến điện tử này nằm lọt trong nhà máy sửa chữa thiết bị thông tin 751 do Bộ TLTT quản lí, có một vòng rào riêng. Theo quy chế của quân đội Sài Gòn thì căn cứ này có 3 khu vực. Qua cổng là tới sân và các cơ quan, bộ phận hành chính, bếp ăn, ... Qua một cổng thứ hai là tới các xưởng sản xuất, sửa chữa các loại thiết bị thông tin. Qua một vòng rào thứ ba là vào căn cứ tác chiến điện tử.

Căn cứ tác chiến điện tử vốn thuộc quân đội Mĩ quản lí, đặt ở Cam Ranh. Sau Hiệp định Paris quân Mĩ rút về nước, nhu cầu và khả năng sử dụng các thiết bị cảnh giới mặt đất giảm sút. Vì đây là loại thiết bị điện tử hiện đại, việc triển khai, xử lí dữ liệu thu được, bảo đảm hậu cần cho nó rất tốn kém. Một trong những thiết bị được nhiều người biết tới là cây nhiệt đới được dùng trên đường Trường Sơn. Tóm tắt về hệ thống này được mô tả tại bách khoa toàn thư mở tiếng Việt, trong đó nêu rõ “Trung tâm Cảnh giới Xâm nhập (ISC hay Infiltration Surveillance Center) đặt tại căn cứ không quân Mỹ tại Nakhon Phanom, Thái Lan với diện tích 18.500 mét vuông, được trang bị máy tính IBM 360/65 thuộc loại hiện đại nhất khi đó làm nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ và xử lý dữ liệu nhận được từ các máy phát hiện”.

Một trong những việc chúng tôi phải làm là thu hồi tất cả các thiết bị thuộc hệ thống này ở tất cả mọi nơi về để quản lí, khai thác. Một lần, hình như còn trong năm 75, tôi và Đinh Trọng Thành (không nhớ có đúng không) được giao nhiệm vụ đi thu hồi thiết bị ở khu vực Vũng Tầu. Ở đó đáng chú ý có trường kĩ thuật thông tin của quân đội Sài Gòn và đài thông tin đối lưu trên Núi Lớn là những nơi có thể có thiết bị điện tử cảnh giới thâm nhập.

Chúng tôi đi Vũng Tầu trên một xe đầu kéo và một cái sơ-mi rơ-mooc vừa to vừa dài, như xe chở công-tai-nơ bây giờ, nghĩ là có nhiều máy móc chở về lắm. Cả người cũng mang theo một số nhân viên cũ, khoẻ mạnh, để nhận diện và khuân vác thiết bị.

Đến Vũng Tầu vào ngay trường kĩ thuật thông tin. Lúc này chắc là các anh Công Minh, Văn Tuấn chưa về đây làm thầy. Vì mới tiếp quản, quân ta đã tổ chức đào tạo ở đây đâu. Cả trường vắng hoe, giống các cơ sở tiếp quản khác. Nhanh chóng chúng tôi biết là ở đây không có gì để mà nhặt cả. Không biết Đinh Trọng Thành (nếu hắn có đi chuyến này) biến đi đâu, mà việc liên lạc lên Núi Lớn là tôi làm.

Suốt buổi sáng đi đường, làm việc với đơn vị quản lí Trường, hỏi han cặn kẽ thì đã gần trưa, chúng tôi lo ăn trưa rồi mới gọi nhờ điện thoại ở đây lên Đài Thông tin Núi Lớn. Gặp một cậu chiến sĩ, nói là chúng tôi cần làm việc với thủ trưởng đơn vị. Cậu ta trả lời “thế thì chiều thủ trưởng gọi điện lại”. - Thế thủ trưởng của các anh không có nhà hay sao? “Dạ, có ở đơn vị, nhưng thủ trưởng đang ngủ”. Trời ạ, không biết cái bọn chết tiệt trên núi chúng nó làm gì mà đã kịp ngủ trưa rồi. Mà cái thằng thủ trưởng ở trên đó nó làm cái gì mà “hợp đồng chiến đấu” cũng phải chờ sau giấc ngủ của nó. Chả có cách gì khác, thằng lính không chịu gọi ông thần của nó dậy thì có đập cái a-lô cũng chả ăn thua gì. Đành bảo nó ghi lại như thế, như thế để báo cho thủ trưởng và chờ vậy. Lại vất vưởng chờ trong cái nhà hoang, nóng bức.

Chiều, chả nhớ chính xác giờ nhưng liệu chừng thủ trưởng đã dậy, tôi lại gọi điện lên. Một giọng khề khà “à, anh là Hữu Thành hả”. - Vâng, tôi có việc ... “Ờ, tao đây”. - Tao nào? “Tao đây mà” - Ai đấy? “Hà hà, Chí Quang đây”. - Mẹ, tưởng thằng thủ trưởng nào, mày ngủ bắt ông phải chờ. Bây giờ lên có được không, tao có chuyện này chuyện này. “Trên này chả có những thứ như mày nói đâu, có lên chơi thì lên”. - Ừ thế tao lên chơi. “Mày đi xe gì?” - Có cái xe Reo sơ-mi rơ-mooc. “Chả lên được đâu”. - Tao cắt mooc, đi đầu kéo lên thôi. “Cũng chả lên được đâu, chỉ xe jeep lên được thôi”. Chả tin thằng này. Bao nhiêu máy móc thiết bị, ăng ten to đùng chả nhẽ bọn nó chở bằng xe jeep. Nhưng thôi, cũng chả cố. Vì thực ra nói thế cho nó ra vẻ tha thiết thế thôi. Chứ tháo lắp đầu kéo cũng mệt và mất thời gian chứ không đâu.

Buổi đó chuyến về chúng tôi chạy qua đoạn Long Thành, Long Khánh khi trời đã tối mịt. Rừng cao su đen sậm bên đường. Mình thì không có cảm giác gì, nhưng vẻ mặt số nhân viên cũ đi cùng thì trông khá căng thẳng. Không ai nói chuyện với ai. Sau này mới ngẫm ra họ sợ tàn quân còn đâu đó trong rừng ra làm bậy.

Về đến nhà, được tin xe jeep chở Hoàng Quốc Trinh, Bùi Huy Hoàng, Đinh Kim Dực đi công tác bị lật. Không ai chết, nhưng đang còn nằm Viện 175.

Đấy, nhặt-ống-bơ mà cũng có được yên thân đâu. Mệt mỏi thường xuyên, đôi khi nguy hiểm, hiếm khi nhưng không phải không có lúc bị khổ nhục. Mà lại là khổ nhục do thằng bạn gây ra mới đau chứ.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hồi ở Núi Lớn, tôi bình đẳng với anh em trong đơn vị, lịch sự với đơn vị bạn, chẳng qua tay hạ sĩ trực ban thấy thủ trưởng mải ngủ, tội nghiệp, nên không đánh thức, chứ nào dám chơi xỏ bạn bè. Anh em không gọi mình, tức là thương mình. Ăn ở với anh em ra sao mới được vậy.
À quên, hồi 1975 có lần ThanhMinh lên, chắc là lên chơi vì tôi không còn nhớ chút gì về nhiệm vụ lên núi của y. Do tôi không có chút hiểu biết gì về văn hóa nhậu, nên mời tốp công tác của y bữa cơm dưa đúng nghĩa. Không biết đồng bọn của y có giận không. Nếu có, 2 ông ráp nhau xử lí tôi luôn. nhưng thôi, ba mấy năm rồi, cũng nên xóa bỏ hận thù.
HCQuang