Gần tới 30/4, ngày mà, như nhận xét của một nhà báo kì cựu thân quen của anh em ta, không khác ngày thường ít ra là trên phương tiện thông tin đại chúng ngày nay. Nhưng những người thế hệ đồ cổ chúng ta, ngày ấy chất chứa bao nhiêu kỉ niệm. Và dù "gác lại quá khứ", chúng ta vẫn tự hào với những gì thế hệ cho đến chúng ta đã làm được, nhân ngày này.
Có lẽ vì thế anh Thao láo viết một lá thư riêng cho anh Thanh Minh, nói về một câu chuyện cũ, qua tôi để mọi người xem chung. Bởi với chúng ta những gì trải qua ở thời gian đó đều đã là chung và thật đáng trân trọng.
Trong thư ngoài Thao láo và Thanh Minh còn có những bạn khác: Chí Dũng, Nhân ve, Phan Sơn, Chính ngố (vốn k4, sau lên k3).
Xin cám ơn vì hai bạn đã chia sẻ câu chuyện này, cho việc làm của tôi có thêm ý nghĩa.
Hữu Thành
----------------------------------
Hà nội ngày15-4-2007
Thân gửi Thanh Minh,
Mấy hôm nay nằm nhà buồn quá, chợt Thanh Minh điện ra hỏi thăm sức khoẻ, tự nhiên mình nhớ lại giây phút Thao và Thanh Minh gặp nhau trước ngày mở ra chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 26-4- 1975, trên đỉnh Trường sơn.
Trong khoá 4 Trường Trỗi chúng mình không biết có bao nhiêu bạn vào Nam trước thời điểm đó. Khi đó chúng mình có lẽ lớ ngớ như gà công nghiệp mới ra khỏi chuồng, còn đang loạng quạng, ngơ ngác.
Có lẽ bạn Chí Dũng là người đầu tiên đi B năm 1971 và sau hơn 30 năm bạn mới trở về Hà Nội. Tôi nhớ lại ngày đầu nó ra đi cũng gặp không ít khó khăn, không ai đồng ý cho nó đi lúc đó cả. Khoẻ mạnh, đẹp trai học giỏi, chơi đàn ghi-ta và sáng tác một bài hát "Đoàn Kết". Tôi với nó
nhiều lần tâm sự về cuộc sống, về hoài bão và ước mơ kiểu trẻ con. Tôi bảo nó sau này mày sẽ trở thành bác sỹ, nó bảo tại sao và cười nói tao rất yêu chúng mày. Một hôm chúng tôi đi tàu hoả từ Hà Nội lên Thậm Thình, tàu chạy ban đêm, hai thằng ngồi bệt dưới sàn tàu. Hôm đó bạn bảo bạn đang xin đi B chiến đấu, bạn khuyên tôi ở lại học sau này có ích cho đất nước. Tôi hỏi tại sao? Bạn nói rằng bạn cần phải tôi luyện trong chiến đấu ở chiến trường, phải vào Nam chiến đấu. Bạn nói rằng cấp trên gợi ý cho bạn đi học lái máy bay chiến đấu ở Liên Xô, nhưng thời gian dài quá, học xong thì chiến tranh đã kết thúc rồi, không còn cơ hội. Bạn cũng than phiền có một số bạn chưa hiểu bạn. Việc này Minh đã biết chưa?
Sau khi được sự đồng ý của gia đình và cấp trên bạn rời trường KTQS về đơn vị chiến đấu để luyện tập chuẩn bị đi B. Trước khi hành quân vào Nam chiến đấu bạn về trường gặp gỡ, chia tay với chúng tôi. Hành trang mang theo là bầu nhiệt huyết, ý chí được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, bạn khoe đã là Hạ sỹ và là Phó bí thư chi đoàn. Chúng tôi không có liên lạc được với nhau và hơn 30 năm sau bạn về với gia đình và bạn bè trong một chiều gió mưa mịt mù tại Đài Hoá thân Hoàn Vũ Hà Nội.
Vào Nam chiến đấu muộn hơn Chí Dũng có lẽ là bọn mình: tôi, Minh, Nhân ve, Phan Sơn. Bọn tôi học công trình còn được đi B hai lần, lần đầu vào năm 1973 khi Quảng trị vừa giải phóng xong, trước yêu cầu xây dựng đường Hồ Chí Minh rộng lớn hơn đảm bảo cho việc vận chuyển chi viện cho chiến trường. Chúng tôi được điều vào Đường 9 để tham gia thiết kế, thi công tuyến đường này, nó vừa bị bom đạn tàn phá. Phải nói rằng chúng mình đi B lúc đó nó tự nhiên và nhẹ tựa lông hồng, không do dự, tính toán. Không phải chúng tôi không cảm nhận ra sự gian
khổ ác liệt của chiến tranh đâu. Dọc đường 9 lên Khe Sanh- Lao Bảo mỗi mét đường đều nhìn thấy bom đạn lăn lóc dọc đường, hai bên vệ đường bom mìn nhiều vô kể. Đơn vị tôi ở có anh đi đái dẫm phải mìn cóc. Những cánh rừng còn sót lại là những cây to cây nhỏ không có lá do chất độc hoá học, ban đêm soi đèn ở các nhánh suối có nhiều tôm cá, nhưng không ăn được vị bị nhiễm chất độc. Buổi sáng trong làn sương mù từng đàn quạ từng đàn quạ lượn lờ đi ăn, chúng đông vô kể, ra khỏi làn sương chúng có màu đen, khi lẫn trong làn sương chúng có màu trắng rất rùng rợn. Xin nói thêm để bạn biết, sau khi kết thúc thực tập về trường làm đồ án tốt nghiệp có một bạn trong lớp tôi không muốn đi B lần 2 đâu, tất nhiên tổ chức biết việc đó.
Gia đình tôi cũng như các bạn, việc chúng ta đi B chiến đấu là một việc tự nhiên, dẫu biết rằng thời gian ra Bắc là không định trước.
Trong các cuộc chia tay không có giọt nước mắt, thật là kỳ lạ. Lần đi B thứ 2 (lần đi thật ấy) tình cờ chúng tôi có một đoàn đi tiễn. Ấy là vào khoảng tháng 11/1974 lớp chúng tôi có 8 người được điều về Đoàn 559. Tối hôm đó tập kết tại ga Thường Tín. Đó là quê tôi và anh bạn Lý cùng lớp, chúng tôi bí mật nhắn tin về (lúc đó ai biết thì chết, bí mật lắm). Sáng hôm sau có 3 người cũng bí mật ra tiễn chúng tôi, đó là ông chú, bà cô tôi và cô vợ mới cưới của ông Lý. Tàu gần chuyển bánh đoàn đi tiễn mới dám xuất hiện, chúng tôi thò đầu ra cửa sổ nói chuyện với đoàn đi tiễn rất vui vẻ. Họ rất tự hào có người thân ra trận, chúng tôi vẫn trêu đùa nhau. Khi tàu chuyển bánh, các cánh tay vẫy vẫy, thằng Nhân Ve không kìm được hét lên "khóc đi". Được dịp cô vợ mới cưới oà lên khóc. Chúng tôi lặng im, mặt thằng nào cũng trơ như đá, không ai dám nói gì nữa chỉ nghe thấy tiếng xình xịch của đoàn tàu. Bạn Thanh Minh khi hành quân vào Nam chiến đấu bạn có người ra tiễn không? M.Hoà đang ở đâu?
Vào đến đoàn 559, chúng tôi chia tay nhau mỗi người về một đơn vị, Phan Sơn vào Đắc Lắc, tôi vào Sư đoàn 472 ở ngầm N7 bên Lào, Nhân ve vào Quảng Trị. Chúng tôi đi ô tô theo đường Trường Sơn Tây bên phía Lào lúc đó là mùa khô. Đúng như bài hát Lá Đỏ của Nguyễn Đình Thi, lá vừa đỏ, vừa do bụi đất đỏ Ba Zan. Khi đi vào đây cái gì cũng đỏ, quần áo đỏ tóc đỏ, xe cũng đỏ. Khi vào đến đơn vị tình cờ người ra đón tôi là ông Chính Tồ khoá 3, không có gì thết đãi bạn bè, ông Chính rủ tôi và mấy đứa khảo sát mang bộc phá đi đánh cá. Thế là ăn cá rán và uống rượu Lào. Vừa vào đến đơn vị chân ướt chân ráo thì chúng tôi lại phải hành quân về lại Đông Trường Sơn. Khi về chúng tôi được tập kết tại Nhà tù Lao Bảo, tôi và ông Chính Tồ ăn tết năm 1975 tại Lao Bảo. Chúng tôi tha thẩn tham quan nhà tù cũ của thực dân pháp nơi đã giam giữ bao thế hệ cách mạng V.N. Rộng lớn, hoang tàn đổ nát, không biết bây giờ ra sao - đã là di tích Lịch Sử chưa.
Tết xong chúng tôi tiếp tục về Nước theo đường Đông Trường Sơn, hành quân vào mùa mưa thật là gian khổ. Nơi chúng tôi tập kết thuộc tỉnh Quảng Nam. Đó là một khu rừng nguyên sinh, có lẽ không bao giờ chúng ta còn được trông thấy nữa. Cây cối, chim, thú rừng rất nhiều, ban đêm Hổ ra đường đi dạo. Có những cây to trên đó có rất nhiều tổ Ong mật, nhưng cao quá không làm sao bắt được.
Sau khi tìm hiểu tình hình đơn vị, tôi mới biết toàn bộ Sư đoàn đã rải quân trên toàn bộ tuyến mình phụ trách để chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Vào tháng 3 tôi được giao nhiệm vụ dẫn một tiểu đội khảo sát đi kiểm tra cầu đường chuẩn bị cho vận chuyển lớn. Mình tuy là cán bộ nhưng không ranh mãnh bằng quân khảo sát. Trước khi đi bọn nó chuẩn bị rất đầy đủ, kể cả bó nứa khô để nhóm bếp. Chúng tôi hành quân bộ, với lỉnh kỉnh ba lô súng đạn, xong nồi v.v. Ngày đi đêm nghỉ, tối báo cáo về Sư Đoàn, có gì trục trặc Sư đoàn chỉ thị các đơn vị gấp rút sửa chữa. Đúng là gà công nghiệp mới ra khỏi chuồng cái gì cũng ngỡ ngàng.
Lần đầu tiên được chìm ngập trong một khu rừng nguyên sinh của đai ngàn Trường Sơn đã để lại trong ký ức tôi những điều tuyệt vời như trong truyện thần thoại. Cây cối thì to lắm cao lắm, nhưng không thích bằng chim thú, bạn Minh vác khẩu súng hơi như ở trừờng KTQS mà vào đây thì không muốn về nữa. (Ở trong đó tôi còn thủ tới 3 khẩu súng). Khi nào có điều kiện bọn ta đi du lịch lại trên tuyến đường này, tôi tình nguyện là hướng dẫn viên.
Khi hoàn thành nhiệm vụ đoàn của tôi, ra về Sư Đoàn, khi xe vào đón, chúng tôi mới biết chiến dịch đã triển khai. Chúng tôi đi trên một chiếc xe Gat51 thùng gỗ, dọc đường ra đã thấy từng đoàn xe vào. Khi ấy toàn tuyến 559 như sôi lên bởi không khí lao động khẩn trương, cấp tập, mà cao điểm nhất là khi tiếp nhận được mệnh lệnh của Bác Giáp: "Thần tốc – Thần tốc - Thần tốc hơn nữa.... " Lúc đó con người ở trạng thái lâng lâng với cảm giác kỳ lạ. Tôi không ngồi trong ca bin mà đứng trên thùng xe để ngắm nhìn đoàn quân tiến vào, liệu mình có gặp ai quen trong dòng quân đó không? Gần trưa hôm đó trời vẫn mưa nhỏ, như có linh tính mách bảo tôi quan sát từ xa thấy trên một thùng xe tải có rất đông người, tôi chú ý nhìn và tôi không tin ở mắt mình. Hình như "Thằng Minh". Đúng rồi tôi hét to lên: Thanh Minh – Trông cậu lúc ấy ngơ ngác, mắt nhớn nhác tìm kiếm (sục sạo). Khi nhìn thấy tôi trông mặt bạn sáng lên và tôi đều chạy trên thùng xe để gần nhau hơn. Xe của tôi sa xuống ổ "voi" xóc mạnh làm ngực tôi đập mạnh vào thùng xe, tôi bảo quân khảo sát đập vào Ca bin bảo xe dừng lại. Bây giờ tôi không nhớ chúng mình đã nói với nhau những gì? Xe tôi dừng nhưng xe bạn vẫn cứ hành tiến, thời gian trông thấy nhau cõ lẽ chỉ tính bằng phút. Tôi chỉ nhớ mình giơ tay lên và nói rất to, tất cả mọi người trên các xe xung quanh đều reo hò. Đi sau xe tôi chở một đoàn TNXP cũng đi ra sau khi thu dọn một trận đánh nào, đó có một cậu phấn khích quá rút ngay khẩu Col chắc là thủ túi chiến lợi phẩm chĩa thẳng lên trời bắn: Bùm- bùm. Có lẽ đó là tiếng của chiến trường ? Bạn còn nhớ không?
Bạn đi rồi tôi mới thấy đau ở ngực, nơi lúc nãy vừa bị đập vào thùng xe. Đó là kỷ niệm không thể nào quên, thật là kỳ lạ làm sao có thể gặp nhau được trên đỉnh Trường Sơn, trong khí thế "Thần tốc – Thần tốc ... "của dân tộc tiến tới giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Bạn Thanh Minh, sau giây phút gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn bạn đã đi đâu, về đâu? Bạn ít kể về mình quá, mình biết rất nhiều bạn có chuyện để kể về những sự kiện trước ngày 30/4/1975.
Thích nghe bạn kể về bạn
Phạm Hồng Thao
Chủ Nhật, tháng 4 15, 2007
Thư riêng, chuyện cũ, xem chung
Gửi bởi Hữu Thành Ng lúc Chủ Nhật, tháng 4 15, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Ai đi tiễn Thanh Minh thì chắc là nó nhớ hơn tôi. Hôm ấy là 23/3/1975, ở Trạm 66 Hoàng Diệu, có tôi.
26/4 các anh gặp nhau ở trên đường (đỉnh thế nào được nhỉ, người ta "văn" thế cho nó hay thôi) Trường Sơn là hơn một tháng sau khi nó lên đường. Tôi nhớ rõ vì một tháng sau, 24/4 tôi cũng lên đường với mệnh lệnh hành quân rõ ràng: tiếp quản S. Vì thế chúng tôi đi lẫn trong đoàn quân "thần tốc", trưa 2/5 đã tới SG.
Anh em k4 cùng tôi chuyến ấy nhiều, toàn bọn học Tổng hợp. Thời gian nghỉ đêm: 24 bờ Nam Bến Thuỷ, 25 Quảng Bình, 26 Hồ Xá (sửa xe), 27 Huế, 28 Đà Nẵng, 29 Quảng Ngãi, 30 Tuy Hoà, 1/5 Xuân Lộc, 2/5 SG.
Khảo dị: Vào năm thứ 5, học viên khoa công trình ĐHKTQSVN đi thực tập ở chiến trường (đường Trường sơn). Thực tập xong thì về trường làm Tiểu luận, Đại luận. Đó là lần đi B thứ nhất của cánh Thao láo, Nhân ve. Chuyến đi đem lại nhiều điều bổ ích cho học viên, ít nhất là trò dùng TNT đánh cá suối.
Đồ án tốt nghiệp của Thao láo (tôi không nhớ chính xác, lại càng không nhớ nguyên văn) là: "cứng hóa" ("bê tông hóa") đường Trường sơn (đường đất) trong điều kiện hoàn toàn không có nhựa cũng không có bê tông (hiểu theo nghĩa đen, chứ hồi đó chưa có các anh PMU-18). Thao láo viết, vẽ tùm lum hơn trăm trang đồ án. Để thực tế hóa vấn đề, y đóng 1 cái khay, đổ đất vào, tượng trưng cho 1 mảng đường Trường sơn. Và y sàng sảy, đầm nén, gọt giũa, xử lí mảng "đường Trường sơn" theo cái lí luận mà y đã trình trong đồ án. Làm xong "đường", y cho thử "mác" mới té ngửa vì mác mẫu của y cao hơn mác tính toán hàng chục lần.
(Sau này thế giới có công nghệ pha trộn 1 chất gì đó để tăng độ cứng bề mặt đường đất mà không dùng bê tông, có lẽ họ đã thó mất bản quyền của Thao láo - nói vui thôi).
Y chạy lên hỏi thượng úy TS.Hà Huy Cương. Y được TS mời trà Bắc thái, thuốc Sông cầu (không biết y kéo được mấy điếu - hồi đó Sông cầu quý lắm). TS cười "mảng mẫu nó như rứa, không mần răng". Hóa ra - khác với đường thật - lúc làm mảng mẫu, anh giã, anh tán, anh sàng sảy, anh nhặt từng hạt trấu, cứ như mấy chị rây bột làm bánh, nên mác nó cao vọt là đương nhiên, chứ cái ngữ đường thiệt thì dùng thuốc nổ, máy ủi, máy cạp, xe lu, chứ ai rỗi hơi mà giã, mà rây. Thế rồi đồ án của y xuôi chèo mát máy. Y ra trường đi B lần thứ 2. Sau giải phóng 1975 chừng một đỗi, binh đoàn của Thao láo hùng dũng tiến quân lên Trường sơn, làm đường Trường sơn bê tông cốt thép vĩnh cữu, quyết không áp dụng "sách vở" của Thao láo. Chuyện xưa tôi nhớ có chính xác không, chỉ Thao láo mới rõ.
HCQuang
đã dọc chát của Chí quang, cam ơn bạn đã quan tâm đến đè tài này. Nhắc đến thầy họ Hà, sau này Tôi cũng đến thăm thầy ở khu bạch mai. Mày nhầm Tao với thằng Thao "Ôm", lớp tao có 2 thăng Thao.Anh Chí có có đề tài nào thì cho anh em biết với. Phạm hồng Thao.
Đăng nhận xét