Thứ Sáu, tháng 4 20, 2007

Chuyện cũ xem chung

Cái này đương nhiên là của Thanh Minh. Nhưng hắn viết không cho riêng ai, tuy rằng lá thư "ngỏ" của Thao láo là một tác nhân trực tiếp, có tính "thách đố". Theo lời Thanh Minh gửi cho tôi đây là "món quà tinh thần tặng anh em ngày 30/4". Vậy thì tôi đăng lên đây theo tinh thần đó.
Riêng tôi, vốn không nghĩ rằng Thanh Minh có thể "văn" được như vậy, chắc phải chấn chỉnh lại quan niệm của mình rồi. Hữu Thành.
-----------------------------------------------------------

Ngày này năm ấy

Mới đó mà đã mấy chục năm rồi. Nhìn lại cuộc đời trôi qua như khoảnh khắc. Mình chẳng làm được gì nhiều, sống sao cho khỏi tự hổ thẹn với lương tâm đã là khó. Bao nhiêu ngày 30/4, song chỉ có một 30/4/75 là đọng lại trong lòng ta ánh chớp chói lòa.

Theo đề nghị của anh, tôi viết đôi chút về những chuyện ngày ấy.Thú thật, với thâm niên Trường Sơn như anh, tôi lại đòi "kể chuyện TS " thì quả liều mạng. Viết về đề tài chiến tranh mà thiếu mùi máu, lửa, bi thương e không đạt.

Chuyến viễn du của tôi chỉ có ít ngày, không bom mà cũng chằng đạn. Chưa kịp bị sốt rét rừng, chưa kịp nhìn thấy "chú nai vàng", "bướm bay lèn đá" đâu cả thì đã đến đích rồi. Bởi vậy chuyện của tôi chắc chỉ là tự sự, nặng về tâm trạng và cảm xúc ...

Thế này bạn ạ, đối với tôi chuyện đi B là lẽ đương nhiên, so với anh em, chẳng qua mình chỉ về quê sớm thôi mà .

Trong khoảng trống giữa đợt ngưng ném bom. Trước vụ "12 ngày đêm" một tuần, tôi về HN. Ông già tôi cho biết "chiến tranh sắp kết thúc", mình hiểu rằng mọi cái phải nhanh lên. Vào giai đoạn đó, chẳng ai nói với mình chuyện này. "Tất cả cho chiến trường", cuộc chiến như kéo dài bất tận... Sau đó là B52 đánh HN, ĐHQS hành quân sơ tán ...

Khi ra trường (1974), tôi và Thanh Kỳ (Trỗi K3) cùng về nhận công tác tại A -157 Cầu Diễn (Nhà máy Ô tô quân sự). Hàng ngày bọn tôi tháo động cơ xe đưa vào đại tu, trời rét như cắt, tay chân dầu mỡ tèm lem, cứ tháo rửa xong 1 máy bọn tôi lại phải đốt lửa hơ tay cho đỡ cóng - cái thời mà hai bàn tay đầy dầu máy, chỉ cần xoa mùn cưa là có thể xé bánh mì đánh chén...

Trong nhà tập thể của đơn vị, có hai cái giường cá nhân bỏ không trong góc, giường đã từ lâu không thằng nào dám nằm. Theo lời lính cũ: ai nằm vào đó đều phải đi B!? Bọn tôi chẳng nói chẳng rằng, chiếm ngay chỗ ấy trước bao cặp mắt tròn xoe ái ngại của anh em. Không biết hai cái giường ấy "linh" đến mức nào mà chỉ mấy tháng sau cả hai thằng đều đã ở chiến trường! Thật cứ như lời nguyền của Pharaon vậy. Sở dĩ tôi nói chuyện này là vì với số đông bọn Trỗi mình, cái chuyện "đi -ở","được - mất" nó cũng "nhẹ" thôi, không phải so đo toan tính nhiều. Với lại, thực tình, lúc ây tôi cũng chán cái cảnh sống vô vị ở nhà máy quá rồi. Mà cũng lạ, bọn Trỗi có thể chịu gian khổ nhưng không thể quen nổi với sự đơn điệu, nhạt nhẽo chán chường.

Khi Đoàn Cục hậu cần B2 ra HN tôi xin gia nhập ngay (chỗ quen biết với gia đình). Mọi thủ tục giải quyết xong trong ngày, đến nỗi ông chính ủy của nhà máy phải thốt lên "chưa bao giờ có quyết định nào ban hành nhanh như thế".

Hôm sau, vào trong Thành nhận quân trang, vũ khí, đồ đi B, lúc ấy mình mơi cảm nhận có sự thay đổi lớn trong cuộc đời đang chờ đón. Cầm khẩu K54 mới cứng trong tay mà lòng nao nao, bồi hồi như đứa trẻ được món quà nó thích. Đây mới là khẩu súng thực sự CỦA MÌNH - người bạn đồng hành trên chặng đường dài phía trước.

Trong túi cứu thương lần này, bên những viên Phòng 2, Phòng 3 (phòng sốt rét TQ) còn có khá nhiều kháng sinh và thuốc đường ruột ... Theo nhận định của mấy anh cán bộ B2 trong đoàn "chắc đợt này về đồng bằng, tôm, cá nhiều nên lãnh đạo lo xa". Nhờ tích cực 'hóng hớt" nên tôi biết thêm, hướng chiến dịch lần này sẽ phát triển về Đồng bằng sông Cửu long. "Các Cụ" muốn dụng chước "lấy nông thôn bao vây thành thị " của Mao!?

Về sau, mình mới biết đó là kế hoạch ban đầu: Mỹ rút, ngụy chưa ổn định, ta giành đồng bằng Khu 8, Khu 9 để rồi 2 năm sau mới đánh SG. Kế hoach này đã thay đổi khi thời cơ lớn đến.

Đoàn tôi đi, mật danh Đoàn 54Q, gồm 3 xe (1 Uoat, 2 CA-30)...khi vào đến gần Tây Nguyên mới biết kế hoạch thay đổi và từ đó "thần tốc" như ... xe tốc hành về đến Lộc Ninh...

Muốn viết cho anh theo kiểu "Nhật ký hành trình" giờ cũng chẳng nhớ được bao nhiêu. Hôm tôi đi, HThành ra tiễn chứ nào như anh nghĩ. Chẳng có ai "thẫn thờ cắp nón đứng trông theo". Người quân tử mà, ai bi lụy thế, song nhớ Hà Nội quá chừng. Cái thành phố mà mình gắn bó cả tuổi thơ và tình bạn. Dấu ấn này mạnh đến nỗi sau bao nhiêu năm sống ở SG mình vẫn không hòa nhập được bởi cảm giác chơi vơi, trống vắng.

....Xe vào đến Nam Bến Hải, tôi không nhớ đi được bao lâu thì đến bản doanh của 559. Khu vực này không bị máy bay, phi pháo gì cả . Ấn tượng ban đầu là ở đây đang hoạt động như một xưởng mộc lớn. Chiếc Zil-130 bị vặt mất thùng, tháo bánh sau, kê xatxi lên. Phần sau hộp số lắp bộ cưa đĩa sáng choang, quân ta cứ rú ga, gài số xẻ thịt cây rừng như ăn gỏi (mà sao các chú lâm tặc thời nay không biết áp dụng nhỉ?) Trong hội trường, nhà khách cơ man nào là đồ gỗ quý, tuy thô ráp nhưng vật liệu thì không chê vào đâu được. Những đoạn gốc cây cổ thụ bị cắt ngang cả rễ, đánh vecni làm bàn ghế ... rồi nào phong lan, cây cối ... Chiến trường đang ở đâu?

Có thể do tính chất đặc biệt của chuyến đi mà mãi sau này mình mới biết xe chở nhiều đôla giấu trong các thùng phuy mỡ bò và một số "hàng độc" khác nên trên suốt chặng đường, theo quy định, mình không được hỏi địa danh. Đó chính là lý do mà mình không kể được những nơi đã đi qua. Lúc gặp Thao láo trong cảnh tao ngộ trên đường, véo cho hắn cục thuốc quấn Lạng Sơn mình cũng cóc biết đấy là đâu nữa.

Xung quanh lúc này thật vắng vẻ, đại quân như đã "xuống núi" áp sát mục tiêu, sự yên tĩnh trước cơn bão lớn. Đường TS mịt mù bụi đỏ, trời nắng nóng như bốc khói, cây rừng sừng sững uy nghi, ven đường thỉnh thoảng lộ ra những đoạn đường ống dẫn dầu huyền thoại, chỉ lớn bằng bắp chân mà nuôi sống cả chiến trường!

Xe cứ chạy ngày đi đêm nghỉ, ghé các binh trạm, anh em tiếp đón rất nhiệt tình.

Lại nói chuyện xe. Hai chiếc Ca-30 (Hoàng Hà) loại mới khui thùng, chưa chạy roda. Nhiều cung đoạn chạy toàn sồ 2-3, gặp ổ gà xóc gần chết lại còn leo đèo, lội suối... nên chằng mấy chốc là bộc lộ chất lượng Tàu. Tay lái xe lầm bầm "mẹ, mấy thằng công bình làm đường thế này hỏng cả xe ông". Tôi suýt phì cười với ý nghĩ chắc bọn công binh đang rủa "bố, mấy thằng lái xe cày nát cả đường tao". Có lần xe lên đến đỉnh đèo, từ cabô khói bốc ra ngùn ngụt, can nước dự trữ đã hết. Tôi và thằng Bình (trường Bé đi chung đoàn) xung phong đi lấy nước dưới khe sâu. Lấy được nước lên, xe đã ngừng bốc khói, giờ đến lượt "khói" trong lỗ tai hai thằng tuôn xối xả...Vào tới Buôn Mê, tôi thật sự bị sốc bởi mấy chiếc xe đò gắn phuy nước trên mui, chúng có thể chạy suốt ngày đêm mà không cần ngưng máy. Theo tôi biết thì cả 2 thời kỳ đánh Tây, đánh Mỹ ngành xe chẳng ai biết cái mẹo nhỏ lợi hại này. Thế mới hay, chuyện "đi một ngày đàng..".

Vào tới Tây Nguyên, trời tối đen như mực, xe đã lỡ vượt qua binh trạm, giờ phải quay lại (chắc tại món hàng quỷ quái trên lưng) ... Một cán bộ bấm đèn pin xi nhan cho xe lùi, tay lái xe quáng mắt tuột ngay xuống hố bom liền với vực sâu . Tôi và thằng Bình thấy mình từ từ ngữa mặt lên trời trong tiếng kêu hoảng loạn của mọi người . Nhờ giời, một bánh trước còn dính vào gốc cây ... xém chút là có tên trong danh sách liệt sĩ trường Trỗi!

... Khi tới Buôn Mê (vừa giải phóng 10/3), lần đầu tiên mình thấy người dân miền Nam nhưng chẳng có điều kiện tiếp xúc nhiều. Ánh mắt cam chịu xen lẫn lo âu. Mọi cái đều quá mới, họ như đang cố gắng hiểu chúng ta. Ở đây tôi gặp một số lính chiến vừa từ mặt trận Cheo Reo, Phú Bổn về, khá nhiều thương binh. Qua câu chuyện của anh em mình hình dung ra quy mô của "cuộc tháo chạy tán loạn" - Sự rối loạn đến tột cùng về tổ chức. Lính ngụy tháo chạy cùng với cả gia đình, vợ con, tài sản. Trong cơn hoảng loạn, hàng ngàn xe tắc ngẽn, rồi áp lực của quân ta ... vỡ trận là điều không tránh khỏi.

Đoàn xe lúc này đã rời đường TS chạy vào quốc lộ. Những lô cao su thẳng tắp, mênh mông, các rẫy cà phê xanh mướt kéo dài như vô tận. Đất nước mình mới đẹp làm sao. Mấy ai có được cảm giác lâng lâng, bay bổng "mát ga, mát số" trên đại lộ thênh thang mà nhìn xa mặt đường phản chiếu như gương? Chiều đó chúng tôi dừng chân trong căn cứ Playcu. Cả căn cứ không một bóng người (căn cứ này trước là của Mỹ). Địch bỏ chạy, ta chưa đến. Sếp bảo anh em phải cảnh giác, mìn còn nhiều... Tính tò mò dẫn tôi đến từng ngóc ngách. Hầm phòng họp của Ban tham mưu địch như vừa mới giao ban, sổ sách trên bàn, máy thông tin để ở góc phòng, mọi thứ còn nguyên pha chút ngổn ngang. Chúng phải chạy nhanh đến thế sao? Trên tường là tấm bản đồ tác chiến bằng nhựa dập nổi, giữa phòng có một sa bàn lớn, núi non hiện lên như thật, cờ đỏ đanh dấu khắp nơi...

Từ đây, suốt dọc đường hai bên tràn ngập quân trang và vũ khí địch bỏ lại, chẳng ai buồn ngó tới. Dân chạy nạn bắt đầu lũ lượt kéo về. Một cái gì đó như sự sống bắt đầu bừng lên từ tro tàn đổ nát...

Ngày nối ngày, tôi không có khái niệm thời gian, chỉ còn cảm nhận về sự kiện, sự kiện và sự kiện diễn ra đến chóng mặt . Tin thắng trận các nơi dồn dập đổ về. Mọi chuyện đều mới mẻ, ấn tượng pha chút háo hức ly kỳ đầy hứng khởi. Say trong cơ lốc, mình không khỏi ngỡ ngàng - Linh cảm Chiến thắng như đã tới rất gần.

Xe cứ đi và đi, chẳng ai để ý mình đã rời đường nhựa chui tọt vào rừng tự lúc nào. Có thể nó đã ghé qua khu vực hồ Chanra (Đồng Xoài), điểm tập kết cuối cùng của đường TS. Từ đây xe tiếp tuc chạy vể Lộc Ninh - Bộ Chỉ huy của Cục HC Miền. Tôi về đội xe của Cục (tại Cầu trắng) được vài bữa thì thì một chiếc xe jeep chạy tới, xe chở một nhân vật đặc biệt có nước da trắng trẻo hồng hào với đôi mắt sáng trong trầm tĩnh - Nguyễn Thành Trung, anh ta vừa ném bom dinh Độc Lập, đáp xuống sân bay Phước Long thì được đưa về đây. Chỉ ít ngày sau anh lại có mặt trong Phi đội Quyết thắng ném bom TSN.

Bạn tôi ơi, bạn có nghe thấy tiếng sấm rền của dàn đại pháo 130? Ngày 26/4/1975 - Thời khắc lịch sử của Chiến dich HCM đã đã điểm!

Bạn ạ, trong cuộc đời nếu có những phút trầm tư, khi ngươi ta nhớ, người ta sống bằng hồi ức, người ta sẽ nghiệm ra nhiều điều...những tháng năm oanh liệt, hơi thở của cuộc chiến, chặng đường bằng máu dân tộc trải qua ... Để rồi được nhỏ những giọt nước mắt mừng vui trong ngày toàn thắng, thì đó là niềm hanh phúc lớn lao của đời người. Bạn- tôi-chúng ta. Quá khứ qua đi song thổn thức của con tim nhiệt huyết là bất tử.

TP Hồ Chí Minh 20-4- 2007

Thanh Minh

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc xong thấy đúng là giọng lưỡi của anh chàng ThanhMinh (móm). Tôi đã từng nghe y tâm sự về những chuyện thế này, mỗi lần mỗi chút. Tất nhiên tùy bút và lời tâm sự (tùy miệng) có khác nhau. Hồi xưa anh ta dốt văn, nay phát về hậu vận. Các anh xem có kế đưa bài này lên báo chí, được không?
HCQuang

Nặc danh nói...

Cho vào Sinh Ra Trong Khói Lửa Bếp thì được. Chính hắn nhận định câu chuyện của hắn không có hơi bom lửa đạn. Đâu có báo chí nào muốn đăng chuyện của người cùng thời mà chỉ đi bên lề chiến trận.
Nếu mà có anh nào không đồng ý với "mặc cảm" của tôi thì đành vậy. Dù rất tôn trọng con người và văn của anh Thanh Minh tôi vẫn phải nói như vậy. Vì mãi đến tận tối 30/4, khi tới Thị xã Tuy Hoà dừng xe chúng tôi mới biết SG đã được giải phóng từ trưa. Và khi đó chúng tôi mới hiểu tại sao trước đó chúng tôi được các đồng đội bộ binh gọi to: chúng mày vào mà nhặt ống bơ à.
Hữu Thành

Nặc danh nói...

TMinh xung phong đi chiến trường, quyết "ăn thua đủ", nhưng vì bộ đội ta đánh giỏi quá, chiến dịch kết thúc nhanh quá, thành thử ông bạn mình ... móm. Nếu cứ dằng dai như hồi Mậu thân thì biết đâu ông bạn mình đầy chiến tích (một xanh cỏ, hai đỏ ngực mà lại). Lỗi tại bộ đội ta chứ không phải tại bạn mình. Đi sau thì nhặt ống bơ vậy.
HCQuang