Chủ Nhật, tháng 7 21, 2013

Thịt chó, có nên ăn???


Thỏa mãn cái dạ dày hay giải phóng loài chó khỏi nỗi đau?
Đời con chó ở Việt nam
  
Thịt chó là món ăn khá phổ biến của nhiều người Việt Nam, đặc biệt cư dân phía Bắc. Ngoài việc được coi là bổ, thịt chó còn mang yếu tố tâm linh “giải đen” nên các nhà hàng bán thịt chó đặc biệt đông vào cuối tháng. Có người coi thịt chó là “quốc hồn quốc túy”, hùng hồn tuyên bố: “không ăn thịt chó chấm với mắm tôm thì không phải là người Việt Nam.” Những người này đang cố gắn món khoái khẩu của họ với đặc tính của người Việt.    XEM TIẾP
Tuy nhiên, gần đây món thịt chó, cụ thể là việc giết thịt chó để làm thức ăn ở Việt Nam đang là trung tâm chú ý của vùng Đông Nam Á. Đỉnh điểm là việc thành lập Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) để chống buôn bán chó từ Thái Lan, Cambodia và Lào vào Việt Nam giết thịt. Vẫn biết văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực là khác nhau, nhưng văn hóa của mình bị phản kháng một cách rộng khắp, có tổ chức thì chúng ta nên dừng lại và suy nghĩ. Tại sao một điều chúng ta cho là bình thường, thậm chí xảy ra trong những dịp đoàn tụ vui vẻ, ấm cúng, hoặc hoạt động tập thể của người Việt lại bị phản đối mạnh mẽ đến vậy?
Nhiều người cho rằng con người là động vật đẳng cấp cao, tiến hóa hơn, có trí thông minh hơn nên được phép ăn thịt súc vật. Lý thuyết này gắn liền với lý thuyết tiến hóa của Darwin, sinh vật ở trên cao của chuỗi thức ăn sẽ coi sinh vật ở bậc thấp là thức ăn của mình. Tuy nhiên, liệu một cuộc sống thông minh có giá trị hơn một cuộc sống ít thông minh hơn? Liệu trí thông minh có thể biện minh cho những việc mình làm, ví dụ như ăn thịt súc vật vì cho rằng súc vật kém thông minh và không có lý trí và giá trị như con người?

Món chả chế biến từ con chó này rất ngon- người VN bảo thế 
Nhiều người khác cho rằng ăn thịt thú vật là một điều hoàn toàn sai lầm vì nó gắn với luân lý của cái Ác. Thời tiền sử, con người không ăn thịt thú vật thì sẽ chết vì không có lựa chọn nào khác, giống như hổ và sư tử phải săn mồi vì nếu không nó sẽ chết. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay con người hoàn toàn có thể tồn tại cho dù họ không ăn thịt thú vật. Như vậy đây là một lựa chọn chứ không phải là một điều kiện sinh tồn.
Hơn nữa, theo Peter Singer một triết gia bảo vệ quyền của động vật, không phải sự thông minh, lý tính hay trí khôn là tiêu chí quan trọng nhất cho quyền được sống. Một đứa bé mới sinh có ít trí khôn hơn một con lợn nhưng chúng ta không thể ăn thịt đứa bé hay dùng nó làm thí nghiệm. Lý do tiên quyết để tôn trọng một sinh vật và công nhận quyền sống của nó là năng lực biết vui hay biết khổ. Hay Benham, người cho rằng số lượng chân và lớp lông trên da không phải là lý do chính đáng để bắt một sinh vật mẫn cảm chịu số phận làm thức ăn cho con người. Theo các triết gia này, không phải khả năng biết nói, biết tư duy, mà là biết đau khổ hay không mới là tiêu chí để có quyền được sống. Như vậy, cái khoái khẩu của con người quá nhỏ nếu so sánh với sự đau khổ khôn tả của súc vật phải hiến dân thân thể và sự sống của mình.
Như vậy, Singer và Benham cho rằng con người nên dùng sự “biết cảm nhận nỗi đau” là đường biên để phân định ai có quyền sống. Tuy nhiên, điều này rất khó vì kiến thức của con người là có giới hạn nên khó phân biệt sinh linh nào biết cảm nhận nỗi đau hay không. Ví dụ, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy con bò, lợn gà và chó có nỗi đau qua tiếng kêu rống thảm thiết của nó khi bị giết thịt. Nhưng cá thì sao? Cây cỏ thì sao? Chúng có biết đau khi nằm trên thớt hoặc bị nhổ ra khỏi đất hay không? Chính vì ranh giới mù mờ này nên ở nhiều nước phương Tây họ có luật bảo vệ súc vật hoặc quy định việc “bịt mắt”, có nghĩa là việc chăn nuôi và giết mổ phải được thực hiện có “đạo đức” để giảm thiểu đau đớn nhất cho súc vật. Có lẽ, nhiều người vẫn “vui vẻ” ăn thịt và bít tết trên đĩa vì họ không nghe được tiếng kêu thảm thiết của bò khi bị giết mổ.
Trên thực tế, con người có đồng cảm với súc vật này hơn những súc vật khác. Ví dụ như chó, mèo, cá heo và chim bồ câu được nuôi dưỡng và có một quan hệ đặc biệt với con người. Chính vì vậy, ở một số nước việc giết thịt chúng không những bị cấm về mặt pháp luật, mà còn bị lên án về mặt đạo đức. Ví dụ, ngay việc bỏ đói không chăm sóc một con chó cũng có thể bị kết tội “ngược đãi súc vật” ở Mỹ, chứ đừng nói đến việc giết thịt và biến chó thành món thức ăn để trên bàn.

Ở VN con chó này có khá nhiều cơ hội lên đĩa 
Chúng ta cần biết triết lý đằng sau việc phản đối giết thịt súc vật nói chung, và cụ thể là việc ăn thịt chó nói riêng để hiểu tại sao có nhiều người trên thế giới phản đối việc ăn thịt chó. Như đức Dalai Lama đã nói trong cuốn “Nghệ thuật của hạnh phúc”, cuộc sống của con người phải lấy cái đồng cảm làm trọng. Có nghĩa chúng ta phải đồng cảm được với nỗi đau của con cá khi mắc câu, hoặc của con chó khi vướng bẫy, khi đó, cuộc sống của chúng ta sẽ hướng được đến hạnh phúc bền vừng vì được giải phóng khỏi những cám dỗ đời thường nhất.
Bàn điều này không có nghĩa người nước khác có quyền cấm người Việt Nam ăn thịt chó. Người Việt Nam có quyền thực hành và duy trì văn hóa ẩm thực của mình. Tuy nhiên, chúng ta luôn muốn cân bằng giữa việc duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và hòa nhập với luật pháp và thông lệ quốc tế. Và biết rằng, văn hóa luôn luôn thay đổi để phù hợp với những giá trị mới được xác lập bởi các thay đổi của xã hội, môi trường và quan hệ quốc tế. Người Việt có quyền giữ hoặc bỏ việc ăn thịt chó nhưng chắc chắn khi bạn bè quốc tế biết người Việt Nam ăn thịt chó, họ sẽ không có cảm tình tốt đẹp. Từ đó, sẽ phát sinh những định kiến gắn liền với người Việt Nam theo hướng tiêu cực. Trong chừng mực nào đó, nó sẽ có hại cho hình ảnh quốc gia cũng như quá trình hội nhập của Việt Nam.
Nguồn ảnh và bài từ internet

3 nhận xét:

Q.MF nói...

Cách nay 30 năm, nhà muội có con chó mới đẻ bầy con 8 đứa chưa mở mắt, đêm đói nó ra đường kiếm ăn, rồi mãi mãi không về. Lũ chó con đói sữa, muội phải kiếm sữa (hồi ấy không dễ) nhỏ vào miệng từng đứa. Và căm ghét những người giết chó, ăn thịt chó!

Nặc danh nói...

Ở các nước Tây Âu, họ không phải "bịt mắt" hoặc "bịt tai" để không nghe tiếng thú vật gào thét đau đớn trong khi bị giết mổ, mà họ có LUẬT làm thịt súc vật: Chỉ những người chuyên môn, được đào tạo thành nghề giết mổ mới được quyền giết, giết làm sao con vật chết một cách nhanh nhất (họ không cắt tiết để làm món tiết canh như VN). Hoặc vào cửa hàng cá sống, bạn thích con nào đang bơi trong bể thì chỉ, cửa hàng sẽ làm ngay cho bạn mang về.
Ở Thụy Sĩ, theo truyền thống của họ cũng ăn thịt chó, nhưng dần dần bị dè bửu, của hàng không bán nữa, đâm ra bây giờ những người thèm chỉ dám ăn vụng.
Gía như VN có "Chó quyền", chó được đối xử tử tế khi sống cũng như khi bị làm thịt...thì tôi nghĩ ...thế giới cũng bỏ qua.

HữuThành.Nguyễn nói...

Nhân trong diễn đàn thư CNTT có người viết "nên, xin anh xxxx đừng ví con người với súc vật vì làm như vậy rất có thể là đã xúc phạm chúng. Chúng là SÚC vật chứ không phải là XÚC vật để chúng ta XÚC phạm (http://reds.vn/index.php/song-
xanh/4907-khi-con-cho-day-con-nguoi-cach-bao-ve-moi-truong)."
Thì có người trích Gandhi:Tầm vóc của một dân tộc có thể được định luận qua cách thức mà các con vật ở đó được đối xử ra sao.
Thì thằng em k9 viết "Thế này rút ra thì tầm vóc dân tộc ta nhất quả đất rồi, theo phần đầu thì "bao phận con người, Mà cam để lũ lợn ngồi lên trên!"!!!".
Chúng nó! Không phải cháu!