Chưa kịp xử lý gì nhiều. Gửi mọi người xem bản đồ hành trình ngày 13/7, bấm vào mũi tên sang phải của Google để xem đoạn tiếp theo, và ngược lại.
Lô ảnh đã chụp ở đây mời bấm vào xem. Dẫn ảnh thể hiện trên bản đồ hành trình.
Nói về chuyến đi
Chuyến đi do Đạt bột k8 thu xếp bất ngờ trên đường xuyên Việt, được các anh trưởng các đồn Biên phòng và trạm Hải quan Cửa Việt nhiệt tình giúp đỡ: cấp phép, giới thiệu thuê tầu cá,...
Chiều 12/7 đoàn xuyên Việt và nhóm HN vào đã tập trung đầy đủ ở nhà khách ngành Cao Su. Vài năm trước đây du lịch Cửa Việt chưa phát triển lắm. Bây giờ đã có một vài nhà khách nhà nghỉ sẵn sàng phục vụ. Bãi biển từ cửa Tùng kéo dài xuống tới cửa Việt 14km hoang sơ với hàng phi lao chắn gió cát.
Suốt bờ biển này chỗ nào cũng có thể thành bãi tắm đẹp. Một vài nơi được gọi là bãi tắm là nhờ ở dịch vụ trên bờ mà người dân cung cấp: ăn uống, nước ngọt, đồ bơi,...
Nếu không có "bãi tắm" thì là bãi thuyền của ngư dân hoặc bãi hoang cho sóng vỗ.
Sau hàng phi lao là con đường ven biển trải nhựa phẳng, vắng lặng, thưa thớt nhà dân bên đường chiều chiều bày bán mớ khoai lang.
Xem nốt
Đảo Cồn Cỏ
Buổi sớm nếu lên cầu cửa biển (cửa Tùng, cửa Việt) chắc sẽ có những bức ảnh bình minh khá hơn. Ở trong cảng chỉ thấy hừng đông sau những con tàu.
Chúng tôi ra đảo trên tầu cá thuê của dân, do các anh Biên phòng giới thiệu và cấp phép ra khơi. Mười người lọt thỏm trên con tầu cá loại lớn. Có thêm hai ba chục người chịu phơi nắng nữa cũng được, chưa kể... hầm tầu, còn rộng rãi chán.
"Dạt dào biển mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tầu,..."
Từ cảng ra Đảo xuôi gió Tây nên 18 lý đi trong gần 3 tiếng. Chúng tôi ra khi bạn tầu đang về sau một đêm đánh cá ngoài khơi. So với ít năm trước đây, theo lời cậu tài công, đánh cá giờ đây đúng nghĩa là "mót cá". Hậu quả của khai thác bằng các cách phi truyền thống, dùng điện và thuốc nổ, chăng?
Hơn hai giờ phơi nắng trên biển là một khoảng thời gian tuyệt vời để ngủ cho lại sức sau mấy ngày rong ruổi đường trường
suy tư về cuộc đời lênh đênh sóng nước sắp tới lúc cặp bờ
hay truyện trò tâm tình với những người bạn lâu năm.
Rồi đảo cũng rõ hơn sau 150 phút rời cảng
mười lăm phút sau chúng tôi vào âu tầu còn đang được xây dụng và đặt chân lên Đảo. Thấy tháp nước của chương trình thanh niên tình nguyện. Được biết chương trình này nhằm phục vụ vài trăm thanh niên xung phong ra làm công dân đảo. Họ sẽ sinh sống bằng nhiều nghề trên đảo. Nhưng tới nay những điều kiện đảm bảo cuộc sống bình thường chưa đủ, đặc biệt là trường phổ thông, nên rồi họ phải rút dần về bờ. Những người còn lại trên đảo, cán bộ chiến sĩ nhân dân, đều phải sống theo cách "không gia đình".
Ngỡ rằng chuyến đi là "ta ba-lô" của đám phượt già. Không ngờ vì sự nhiệt tình của các anh biên phòng mà được nâng cấp lên bán chính thức, gặp gỡ chỉ huy biên phòng đảo, chào chính quyền huyện đảo. Rồi được Đảo cho chiếc bán tải duy nhất phục vụ một vòng quanh đảo, dừng thăm vài chỗ, chụp ảnh theo ý thích. Tôi hơi tiếc là thừa thời gian mà lại không được tự mình lội bộ quanh đảo; chắc còn một vài chỗ chưa được ngắm nhìn.
Điểm đến đầu tiên là ngọn hải đăng Cồn Cỏ (ảnh trên).
Tiếp theo là thăm đài tưởng niệm bộ đội và nhân dân đã chiến đấu (30 người) và phục vụ chiến đấu (73 người) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. "Phục vụ chiến đấu" cho Cồn Cỏ là tiếp tế bằng thuyền buồm, thuyền chèo tay ra đảo vũ khí, đồ ăn và cả nước ngọt với trên trời là máy bay, trên biển là tàu biệt kích, là pháo hạm từ xa. Phục vụ mà hi sinh nhiều hơn trực tiếp, chưa kể còn những người trôi dạt bị bắt thành tù chính trị của CQSG.
Một cuốc xe vòng quanh đảo trên con đường nhựa khá tốt với tâm của vòng tròn là ngọn hải đăng luôn trong tầm nhìn.
Những mảnh đất mời gọi đầu tư?
Bóng dáng Hoàng Sa, Trường Sa
Vũ khí của những năm xưa (vỏ lựu đạn quả na cán gỗ)
Đứng trên trận địa hỏa lực nhìn về tiềm năng du lịch.
Điểm thả khách theo kế hoạch ban đầu. Theo đó khách tự đi về đồn Biên phòng. Bị bỏ qua vì toàn "các bác già đi sao nổi", theo lời của lãnh đạo đồn biên phòng và huyện đảo, lứa lính tham gia các cuộc chiến K và biên giới phía Bắc (nhập ngũ 1978, xét cho cùng đều là chiến tranh chống TQ xâm lược).
Về lại cửa Đồn Biên phòng sớm mất... tiếng rưỡi, giờ nghĩ lại còn tiếc sao không thả bộ lang thang cho hết giờ. Vậy chứ vẻ thỏa mãn đã... tràn đầy :-)
Ốc thổ và ốc vú nàng là đặc sản Đồn chiêu đãi anh em ta.
Chia tay trước cổng Đồn,
xuống tầu gặp hai con cua "đồi", có lẽ một cách gọi khác khi cua đá huyền thoại đã được đưa vào sách đỏ sau một thời gian dài bị khai thác trước sức ép cầu lớn của các nhà hàng. Hai con cua này được nhà tầu luộc cho các bác "mỗi người nếm chút cho biết... Cồn Cỏ". Nặng chịch, chắc nịch,... ngon :-)
Sau 3 tiếng lênh đênh, chúng tôi về tới cảng, gặp bạn tầu ra khơi ngày mới, và kết thúc chuyến đi.
Mươi năm nữa có thể chúng ta lại có dịp ra đảo, du lịch như mọi chuyến du lịch khác. Có khác khách du lịch khác là ở chuyến đi này, khi du lịch Cồn Cỏ vẫn còn là điều còn đang mong mỏi.
7 nhận xét:
@BT: Chuyến đi có vẻ vội vàng,nhưng trong đó cũng nói lên nhiều điều..."nếu không được đầu tư thỏa đáng thì Tiềm năng vẫn là...tiềm năng" mà thôi.các Làng Thanh niên"dễ làm,khó bỏ"!Này nhé,vụ Tiên Lãng cũng có 1làng Thanh niên,và ở Cồn Cỏ cũng thế,nhưng Thanh niên về hết...chỉ còn lại dấu vết thì vẫn còn đấy.Không hiểu các ông TƯ Đoàn suy nghĩ gì...
Hê hê! có hai con cua nhách mà từng ấy người thì ai ăn càng ai ăn chân đây! :))
@TQT: đã bao giờ được ăn "sách đỏ" chưa mà nói?
Một chuyến đi đáng nhớ đây. Nghe kể lại cũng đã thú vị rồi.
TT
Ban đầu cũng định tổ chức chuyến rủ nhau đi. Không ngờ Đbk8 nhanh tay đánh chớp nhoáng trên đường xuyên Việt. Thế là bám càng, nên không thể rủ nhau đi thêm được.
Mà mất 6 tiếng đồng hồ ngồi trên tầu cá, sóng lắc lư, trời nắng nóng, không phải ai cũng ham đi, nhỉ :-)
Theo đoàn đi tới đảo Cồn
Cỏ xưa đánh Mỹ mà lòng rất vui
@HT: Nhìn Cồn cỏ như mới hồi sinh,sau mấy mươi năm chiến tranh,cũng hoang vu,chỉ có con đường mới,với cái xe lu cũ mèm,riêng cầu cảng có vẻ"quy mô hơn",với những khối xi măng "to đùng"...chắc vài chục năm nữa có tới thăm chỉ hơn chỗ này là cái "Làng Thanh niên lập nghiệp"với con,cháu chúng nó thôi...!
Đăng nhận xét