Chủ Nhật, tháng 7 29, 2012

Chủ nhật đọc chơi: Về bộ phim "Thượng đế cũng phải cười"

Thập niên 1980, một bộ phim Nam Phi bất ngờ trở thành "hiện tượng" trên thế giới. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á không ai có thể nhịn được cười khi xem phim này. Mời xem tiếp

The Gods Must be Crazy
(tựa tiếng Việt: Thượng đế cũng phải cười) đến nay vẫn là niềm tự hào của điện ảnh châu Phi
Bộ phim mở đầu với cuộc sống ở hoang mạc Kalahari. Nơi đây có một bộ lạc ít người sinh sống. Bản tính họ rất hiền lành và sống cách biệt hoàn toàn với thế giới văn minh.
Ngôn ngữ của họ là những tiếng tặc lưỡi rất ngộ nghĩnh. Bộ phim gồm 3 câu chuyện tình cờ được xâu chuỗi lại rất khéo léo.


Chai Coca…
Câu chuyện bắt đầu khi một phi công bay ngang qua hoang mạc Kalahari đã ném một vỏ chai Coca ra ngoài cửa sổ. Chiếc vỏ chai rơi ngay trước mặt anh chàng thổ dân tên Xi (N!xau).
Anh chưa bao giờ thấy vật nào đẹp và lạ đến như vậy. Xi mang về làng và tin rằng nó là món quà của thượng đế ban tặng.
Rất nhanh sau đó, mọi người trong làng phát hiện, món quà này mang lại cho họ rất nhiều điều thú vị và tiện nghi trong cuộc sống, đến mức ai cũng muốn làm sở hữu cho riêng mình.
Nhưng rồi nhanh chóng điều này làm xáo trộn cuộc sống vốn rất bình yên của bộ lạc, khiến họ cảm thấy lo sợ tai họa do cái chai Coca gây ra. Xi – người trót mang cái của nợ này về làng – giờ phải tình nguyện đi thật xa để vứt cái vật đáng nguyền rủa này đi.
     Cách Kalahari hàng ngàn dặm, là đô thị nhộn nhịp, cô nhà báo Kate Thompson (Sandra Prinsloo) từ bỏ công việc hấp dẫn – nhưng cô cho là phù phiếm – để tình nguyện trở thành cô giáo cho một cộng đồng sống sơ khai.
Người được giao nhiệm vụ đến đón cô là Andrew Steyn (Marius Weyers) – một nhà nghiên cứu động vật nhưng lại có tính hay e thẹn, nhất là khi đối mặt với phụ nữ.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa anh và cô thật sự là một cơn ác mộng, khi sự vụng về của Andrew đã khiến mọi chuyện rối tung một cách khôi hài.
Rồi ở một nơi khác trên châu lục rộng lớn này, tên khủng bố Sam Boga cùng đồng bọn phải tháo chạy khi âm mưu ám sát một số nhà chính trị bất thành. Sam Boga đã đến trường dạy học của Kate và bắt toàn bộ học sinh lẫn cô giáo làm con tin.
Mặc dù có hơi lộn xộn trong việc sắp xếp ba câu chuyện này, nhưng sau đó bộ phim đã được dựng một cách hoàn hảo để đoạn cuối có một kết thúc thật êm đẹp. Kate và Andrew sống bên nhau, còn Xi đạt được mục đích là vứt bỏ được cái chai Coca đáng ghét.
4 năm mới hoàn thành
Kiến trúc sư cho thành công lớn của bộ phim là đạo diễn Jamie Uys – kiêm tác giả kịch bản, sản xuất và dựng phim. Sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, ông có một tình yêu  vô bờ bến với cảnh tượng hùng vĩ và hoang dã của Phi châu.Những hình ảnh đó đều đã được ông gửi gắm trong các bộ phim của mình.
Năm 1974, ông đoạt giải Quả cầu Vàng và trở nên nổi tiếng với bộ phim tài liệu về thế giới tự nhiên, gây sửng sốt khán giả với tựa đề Animals are Beautiful People (ở Việt Nam, phim này được biết đến sau The Gods Must Be Crazy và được đặt tựa tiếng Việt là Thượng đế cũng phải cười phần 3!? ). Sau thành công này, Uys dành hơn 3 năm tiếp tục nghiên cứu rừng núi Phi châu để chuẩn bị cho The Gods Must Be Crazy (gọi tắt là Gods).
Đó là cả quá trình đầy gian khổ của Uys, bởi ông chỉ có thể nảy ra ý tưởng khi đang ngồi trên bàn dựng phim. Chỉ lúc đó ông mới phát hiện ra mình muốn có cảnh nào, mình cần cảnh nào. Sự kiên trì này đã chinh phục được khán giả, nhưng theo cách mà không một nhà làm phim nào dám bắt chước. Uys đã mất đến 4 năm để làm Gods.
Quay phim, rồi dựng, quay lại, dựng lại, dựng lại bối cảnh, đi quay một số cảnh bổ sung, rồi sau đó quay về tiếp tục… dựng! Tất cả những công đoạn như vậy cứ lặp đi lặp lại trong suốt 4 năm, tiêu tốn đến 5 triệu USD (Một con số rất lớn vào thời điểm cuối thập niên 1970, mà đây lại không phải phim của Hollywood)!
Uys là một bậc thầy trên bàn dựng, đặc biệt là khả năng vận dụng tốc độ chuyển động của phim một cách tài tình. Khi xem cảnh Andrew gặp Kate lần đầu tiên, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy trường đoạn này có nhiều tốc độ khác nhau. Lúc thì tăng tốc độ, lúc chậm và ngược lại, hoặc tiến nhanh lên phía trước, rồi nhảy cảnh… Ước tính có khoảng 500 đoạn như thế trong cả bộ phim.
Uys cũng rất tài tình trong việc đánh lừa thị giác khán giả. Trong Gods, ông đã làm giả một con tê giác y như thật. Thậm chí kỹ thuật ánh sáng của bộ phim lúc đó không đủ để tạo hiệu ứng ánh trăng, ông đã vẽ bóng trăng trên những ngọn cây, và khi cảnh đó lên phim trông đẹp như ánh trăng thật.
Bất cứ ai xem phim này đều bị chinh phục hoàn toàn bởi vai anh chàng thổ dân Xi. Anh làm lu mờ toàn bộ các diễn viên trong phim, mặc dù lời thoại của anh – thứ ngôn ngữ tặc lưỡi kỳ lạ – không ai hiểu, chỉ được diễn giải thông qua diễn xuất rất hồn nhiên của anh.
Gods được sản xuất ở Botswana (Nam Phi), và đạo diễn Jamie Uys đã tìm thấy ngôi sao của mình ở ngôi làng bản địa của anh, cùng những con người trong bộ lạc San. Tên gọi bằng ngôn ngữ thổ dân không thể dịch được sang tiếng Anh, tờ báo The Namibian, đã đánh vần nó thành G’qao, nhưng cũng khó đọc.
Cuối cùng đoàn phim phải gọi cái tên chỉ có một từ duy nhất của anh là N!Xau, và dùng nó trong suốt quá trình làm phim. Dấu chấm than là để thay thế cho âm điệu tặc lưỡi phổ biến trong tiếng mẹ đẻ của anh.



N!Xau không biết chữ, nhưng mặt mũi trông rất hồn nhiên, đặc biệt là nụ cười

. Trước đó anh mới chỉ nhìn thấy 3 người da trắng, và không biết đến nơi nào khác có nhiều người sinh sống ngoài ngôi làng của anh, cũng không có khái niệm về xã hội hiện đại.
Khi anh nhận được khoản tiền thù lao đầu tiên trong đời mình gần 2.000 USD, nhờ diễn xuất trong phim này, N!Xau thậm chí đã vứt số tiền đó đi bởi anh không hề biết đến giá trị của tiền. Đạo diễn Jamie Uys đã phải sắp xếp để anh được nhận thêm gia súc – thứ mới được coi là có giá trị trong bộ tộc của anh.
"Người thổ dân này là một diễn viên bẩm sinh", Jamie Uys khen ngợi N!Xau.
Niềm tự hào của điện ảnh châu Phi
Năm 1980, Gods công chiếu ở Nam Phi và rất thành công. Nhưng do lúc ấy chính thể Nam Phi vẫn còn theo đuổi chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid, nên bị thế giới tẩy chay.
Năm 1982, bằng những mối quan hệ đặc biệt, Hãng sản xuất Jensen Farley Pictures đã đưa bộ phim đến với nước Mỹ. Nhưng mãi đến năm 1984, bộ phim mới được công chiếu rộng rãi ở thị trường quan trọng này và nhanh chóng trở thành một hiện tượng.
Khán giả Mỹ cười nghiêng ngả và vô cùng thích thú một bộ phim nước ngoài (rất hiếm hoi) với những cảnh quay đầy màu sắc, những tình tiết kỳ lạ và vui nhộn trong suốt bộ phim, bởi cứ 5 phút lại có một vài điều mới lạ xuất hiện trên màn hình.
Các phòng bán vé ở Mỹ đã lập kỷ lục cho một bộ phim nước ngoài khi Gods trụ vững ở rạp suốt 3 năm với doanh thu trên 30 triệu USD.
Cho đến hôm nay, không phải tất cả những điều mới lạ trong một bộ phim nước ngoài nào cũng được nhiệt liệt đón chào ở Mỹ, hay có thể dễ dàng trở thành một hiện tượng như Gods.
Ra thế giới, Gods đã thu về 4,3 triệu USD, và trở thành một trong những bộ phim được yêu thích nhất thế giới vào lúc đó. Việc một đạo diễn da trắng ở Nam Phi làm phim về cộng đồng thổ dân thiểu số với thái độ trân trọng, đã tạo được thiện cảm với khán giả năm châu.
Để quảng cáo cho bộ phim, người ta đã đưa N!Xau đi vòng quanh thế giới, đến đâu anh cũng được công chúng hâm mộ, đặc biệt là ở Pháp, Nhật Bản và Hong Kong. Sau thành công khổng lồ của Gods, năm 1989 đạo diễn Jamie Uys đã cho ra đời Gods II, tuy không bằng phần đầu, nhưng Gods II cũng đạt doanh thu toàn cầu 9,6 triệu USD.

Vĩ Thanh của N!Xau Au
The Gods Must be Crazy đã trở thành một thương hiệu, đặc biệt vai diễn người thổ dân ngây ngô của N!Xau được yêu thích đến mức, từ 1991 – 1994, ông đã được đưa đến Hong Kong để làm liên tiếp 3 phim: Crazy Safari (1991), Crazy Hong Kong (1993), The Gods Must be Funny (1994).
Loạt phim Gods đã làm cho vùng đất khô cằn của quê hương N!Xau trở nên nổi tiếng. Các công ty lớn, các tổ chức từ thiện trên thế giới đã quan tâm đến việc đem lại ánh sáng văn minh cho các cộng đồng dân cư thiểu số ở châu Phi.
Khách du lịch từ khắp nơi – phần lớn là châu Âu – đã đổ xô đến đây du lịch, và điều họ thích thú nhất là được làm quen và cùng vui chơi nhảy múa với “ngôi sao màn bạc” N!Xau. Tuy nhiên sự hâm mộ của khán giả cũng để lại ảnh hưởng không tốt đến N!Xau khi tập cho ông uống rượu và hút thuốc khiến sau này ông bị lao phổi.
N!Xau sống yên lành cùng người vợ tên Kora và 8 người con (6 gái 2 trai). Ngày 5/7/2003, N!Xau đột ngột qua đời khi đi nhặt củi.
Người dân từ khắp Nam Phi, các quan chức chính phủ… đã về đến tận làng quê để tỏ lòng tôn kính với người con “quê mùa” đã làm rạng danh đất nước.





Tại trường Baraka, khi N!Xau nói chuyện với lũ trẻ về bộ phim Gods, ông nói: “Phim giúp giữ lại quá khứ”. N!Xau đã đúng, người ta sẽ không bao giờ quên ông, N!Xau – Diễn viên châu Phi nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh.
Mời xem lại bộ phim này ở  đây

Tổng hợp từ Internet

Không có nhận xét nào: