Chủ Nhật, tháng 3 18, 2012

Giáo dục trong mắt TQNam

Anh bạn TQNam "trăn trở" bên KQH có bài bàn về giáo dục nhân ba chuyện "đại nhạc hội Việt Hàn", "tranh dâm thuật" và "tiến sĩ diễn tuồng". Thấy hay, đưa về cùng ngẫm.
(xem)
Mấy hôm báo chí nay đưa tin về chuyện vé xem nhạc Hàn tại Hà Nội, nghe đâu tới một đôi triệu đồng/vé. Câu chuyện tại sao một chương trình miễn phí, chỉ có “vé mời” phát không chứ không bán, mà công chúng nghệ thuật bị móc túi đến vậy là có nhiều lý do (dễ và khó hiểu). Ở đây tôi muốn đưa ra một cái nhìn về một khía cạnh của câu chuyện theo suy nghĩ riêng của mình, đúng sai thì … Như đã từng nói trong loạt bài Giữa đường nầy, có một thời thiên hạ cứ mở miệng ra là Hướng Cỏng, nay mở miệng ra là Hàn Quốc: tóc Hàn Quốc, trang điểm Hàn Quốc v.v. và v.v., có lẽ chỉ còn thiếu mỗi cái xì líp Hàn Quốc và “làm tình Hàn Quốc”! Vì cớ mà nên nỗi nầy? Hẳn nhiên là không thể thiếu chuyện lợi nhuận kiếm được từ việc chiếu phim Hàn của các đài truyền hình, và có lẽ mọi sự là từ đây. Hơn mười năm trước thì chỉ đôi phim Hàn/tuần ở vài đài, nay thì rất nhiều phim/tuần trên hầu hết các đài. Tôi luôn tự hỏi, không hiểu người ta được gì từ các bộ phim lòng thòng nầy khi mà các câu chuyện luôn do các nàng Marie Sến và các mụ nặc nô dẫn dắt? Và mới nhất là Nhạc hội Việt-Hàn nầy. Vé mời thành “vé một thánh lương công nhân” một phần là do không biết ai và ở đâu phát vé mời nầy. Vậy ở đây có phải là một sự đầu cơ và không chỉ là đầu cơ thương mại mà còn là đầu cơ văn hóa? Ái cha cha, đầu cơ thương mại còn có pháp luật điều chỉnh và trừng phạt; đầu cơ văn hóa thì là mà … Nhục hơn mất nước! Toàn bộ câu chuyện đắng ngắt nầy hiện lên một câu hỏi có hay chăng một cuộc xâm lăng văn hóa mạnh mẽ đang diễn ra trên mảnh đất hình chữ S ốm o nầy? Trong cuộc xâm lăng nầy bên tấn công đánh liên đòn, bên bị tấn công dơ cờ trắng liên tục. Tại sao lại như vậy, hè! Người ta lâu nay luôn miệng lớn tiếng tự hào về ngàn năm văn hiến đất Việt, rồi dân Việt Kiên cường bất khuất trước mọi gươm đao ngoại bang v.v. Cái rồi bây giờ dân Việt mê đi trước nước mắt Hàn, trước bệnh ung thư Hàn. Ôi chao! Đâu rồi sự thẩm định nghệ thuật của công chúng? Đâu rồi các nhà phê bình điện ảnh? Đâu rồi những người gác cổng văn hóa? Tôi chỉ thấy một đám người mù và những tên cổng rắn cắn gà nhà. 
Đau, đau quá, mẹ Việt Nam ơi!



Lâu lâu nổi lên, giờ thì đôi lần một năm câu chuyện ảnh khỏa thân được bàn tới. Mà bàn tới hay bàn “cà loanh quanh”, hỉ? Ở đây có hai câu hỏi chưa bao giờ được trả lời năm rõ mười. Đó là, tại sao tranh khỏa thân được triển lãm tư do lâu rồi, sách ảnh khỏa thân được in và phát hành mấy năm rời như triển lãm ảnh khỏa thân thì “còn khuya”. Lạ cho xứ Giao Chỉ mình quá hén, Tám? Mà cũng tức cười quá, Tám ơi; ai xin phép thì bị cấm, ai không xin phép thì huề. Hổng tin há, cứ lên mạng mà coi, từ ảnh khỏa thân nghệ thuật tới ảnh khỏa thân dâm thuật chánh hiệu, qua ảnh khỏa thân bán-da-thịt-lấy-tiếng-đồn-làm-lãi của đào, kép các hạng, đủ hết. Nhưng thôi, cấm hay không hay gì gì đó là chuyện của quan lớn bên trên, bàn nhiều đâm ra vô phép. Có một cái ta nói mà không vô phép là ở xứ nầy chưa ai và chưa bao giờ đưa ra được cái ranh giới chặc chẻ có giá trị vận dụng pháp lý là ảnh nào là ảnh nghệ thuật và ảnh nào là ảnh dâm thuật. Qua các trao đổi trên báo chí thì từ ông nghệ sỹ tới anh quan “văn hóa” qua chị phóng viên phỏng vấn đều tắc tị. Bởi vậy nói bàn tới hay bàn “cà loanh quanh” là vậy, hổng kết luận được, người đọc càng thêm ngớ. Thật ra có khó vậy không, lẽ nào con người ta đưa ra được các khái niệm nghệ thuật và khiêu dâm được mà không thể phân biệt và thống nhất với nhau đâu là đâu, sao cà? Mèn ơi, giờ đã là thế kỷ hăm mốt rồi, chẳng còn ai kêu Kim Vân Kiều truyện là dâm thư nữa vậy mà … Hay do có một ai đó biểu truyện nầy hổng phải là dâm thư, vậy là hông ai kêu nó là dâm thư nữa? Há, há! 

Báo Điện Tử Tổ Quốc: Có ranh giới nào để phân định đâu là ảnh nude nghệ thuật, đâu là ảnh khiêu dâm không, thưa ông?
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn (phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo trung ương): Cái đó thấy ngay mà, nó là mỹ cảm của mỗi con người. Cho nên nó lại liên quan đến việc giáo dục mỹ cảm ở trường phổ thông. Lâu nay, chúng ta chưa thật sự làm cho giáo dục nghệ thuật ở trường phổ thông thành việc hằng ngày, qua từng cấp học. Hơn nữa, chúng ta mới chỉ dạy kỹ năng như kỹ năng vẽ, kỹ năng thanh nhạc. Đấy là cái rất thiệt thòi cho việc hình thành một lớp công chúng biết thưởng thức nghệ thuật. Tiếp theo là việc của các cơ quan quản lý nhà nước sớm có một quy định chung để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ.(Báo Tuổi trẻ)
(* chữ in đậm là do người trích nhấn mạnh)

Cảm ơn ông vụ trưởng về cái sự nói thiệt lòng nầy. 
Học văn, làm luận cho lắm mà không biết (tự thẩm định) cái hay của câu thơ, cái đẹp của câu chuyện ra sao, chỉ nhai lại “kinh” thì … ở truồng là ở truồng thôi!



Bửa hổm, một "đồng rận" nào đó đưa đường dẫn về chuyện dân phá “công đưởng” xã, phá “dinh” chủ tịch xã, tôi tình cờ đọc và xem một đoạn trích bài giảng của một ông thầy-thạc sỹ chữi thề. Phải nói thiệt ngộ, à nghen. Theo ghi lại các ý kiến của vài vị thầy thì chuyện nầy không hay cho lắm. Nhưng theo thăm dò dư luận thì … Chúa mẹ ơi! Chỉ có ba ngàn người lẽ không ưng nhưng tới hơn hăm bốn ngàn người cho là bình thường (hơn tám mươi mấy phần trăm)! Theo ghi lại thì một cô sinh viên khen thầy nầy giảng sinh động, ông mà giảng bài thì sinh viên tới nghe đông lắm, cô thích thầy giảng bài như rứa. Vậy đó, có một cái gì đó có vấn đề trong nhận thức tổng quát lẫn hệ thống các giá trị xã hội. Giờ tôi hầu như không xem phim vì có phim nào hay đâu mà xem, với lại có được chút ít thời gian rãnh tôi nghe nhạc và đọc một cái gì bổ não; nhưng rồi phim cứ bao vây lấy tôi, hổng coi cũng phải dòm qua vì nó cứ sờ sờ trước đôi trồng thịt, nó thụi vô màng nhĩ. Có một cái lạ là nhiều diễn viên, không biết có học ghề hông, cứ diễn phim bằng thủ pháp và kỹ thuật diễn kịch, ngay cả biên kịch và đạo diễn cũng viết và dựng phim bằng các kỹ thuật và thủ pháp, ngón nghề kịch! Cái nầy thiệt nhiều ở Hướng Cỏng, Hàn không hề ít, Giao Chỉ ta hổng thua ai. Nói theo kiểu mấy cha phóng viên thể thao là “đá lộn sân”! Ông thẩy nầy cũng vậy, cô sinh viên kia cũng rứa: lộn tùng phèo. Sao lại có chuyện một ông thầy-thạc sỹ làm hề đóng tuồng? Mắc mớ chi biến bài giảng thành màn tấu hài ba xu? Hổng lẽ hông phân biệt được đâu là chuyên đề khoa học, đâu là “hết chuyện khôn, dôn chuyện dại” chốn lề đường? Đó, thấy hông, mấy chốt là đây. Đó, thấy hông, chân, giả là chổ nầy. Chớ nhẩm lẫn mà dại dột cho rằng thì là mà sinh động với cụ thể.

Mất dạy! Hai tiếng nầy vang vang trong đầu tôi.



Con người là sản phẩm giáo dục.
Một sinh thể ra đời mà ta mặc định định danh là con người trước hết nó là một sinh vật. Nhưng cái sinh vật đó có thiệt thành con người hay không là từ giáo dục, tất nhiên từ giáo dục ở đây hiểu theo nghĩa rộng chứ không đơn giảng là cấp sách tới trường. Sự giáo dục nầy diễn ra bằng cách cưởng bách và cách tự động, tự nguyện trong môi trường văn hóa (tức xã hội con người), hai quá trình giáo dục cưởng bách và tự động, tự nguyện diễn ra đồng thời, nó vừa xung đột nhau lại vừa bổ xung cho nhau để rồi từ đó hình thành nhận thức và nhân cách. Sự giáo dục nầy không gì khác hơn là truyền đạt-tiếp thu các giá trị xã hội. Như vậy, một khi con người có sự trục trặc về nhân cách, về nhận thức, về hoạt động (ở mức độ rộng trên phạm vi cộng đồng, phạm vi xã hội) thì ta có cần đặt dấu hỏi về các giá trị xã hội cũng như về nền giáo dục của cộng đồng đó, của xã hội đó không?

Qua ba câu chuyện trên, chắc đã lên lúc thiệt thà chấp nhập sự thật về một sự phá sản của nền giáo dục Giao Chỉ.

Không có nhận xét nào: