Thứ Hai, tháng 2 09, 2009

Thơ Xuân của Bác

Minh Kính

Xin giới thiệu cùng các bạn bài thơ của Bác Hồ làm cách đây 61 năm.
Rằm tháng Giêng năm 1948 Bác Hồ làm bài thơ chữ Hán:
NGUYÊN TIÊU
Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Dịch ý:
RẰM THÁNG GIÊNG
Đêm nay Rằm tháng Giêng, trăng thật là tròn. Xuân sông, xuân nước liền với trời xuân. Giữa nơi sóng gió mù mịt xa thẳm bàn bạc việc quân. Nửa đêm quay về thuyền chở đầy ánh trăng.
Xuân Thủy dịch thơ:
RẰM THÁNG GIÊNG
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

11 nhận xét:

Minh Thu Le nói...

Bài này có trong SGK Ngữ Văn 7 tập 1. Hôm nọ kt Tập làm văn thầy giáo cho làm cảm nghĩ về bài Rằm tháng giêng và Cảnh khuya, cháu chọn bài Rằm tháng giêng và dc điểm 9 đấy! Thầy giáo cháu bảo bản dịch đã mất đi nhiều cái hay của phiên âm chữ Hán.
Cháu Minh Thu

Nặc danh nói...

Thầy cháu nói đúng đấy. Bài này Xuân Thủy dịch bay bổng hay hơn thực nhưng không sát ý. Bác làm thơ giản dị, ít dùng sáo ngữ. Ví dụ câu :" Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền" chỉ đơn giản là "Nửa đêm quay về thuyền chở đầy ánh trăng". Chứ chưa đến mức "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền".
MK

Nặc danh nói...

Bài thơ nguyên thủy là thể tứ tuyệt mà ông Xuân Thủy lại dịch thành thể lục bát! Phải chăng thơ Đường luật khó dịch chăng?
GM.

Nặc danh nói...

Thơ Đường thể thất ngôn tứ tuyệt dịch cho hay là rất khó. Khi đã chuyển thể Lục Bát lại thường không sát. Người ta thích chọn chuyển thể Lục Bát để cho dễ gieo vần. vì vậy nhiều khi phải " chịu hy sinh" một số từ, một số ý. và phải thêm thắt những từ có vẻ là trùng lặp.
MK suy bghĩ rất nhiều để cố dịch theo Thất Ngôn nhưng không được đành chuyển thể , tuy không bay bổng nhưng sát hơn:
RẰM THÁNG GIÊNG
Đêm nay trăng tròn, Rằm Giêng
Xuân sông, xuân nước nối liền trời xuân
Mù xa bàn bạc việc quân
Khuya về chở ắp trăng xuân một thuyền

Nặc danh nói...

Có thể tạm dịch
Tháng giêng đêm rằm trăng tròn sáng
Xuân sông,xuân nước ngập trời xuân
Việc quân bàn giữa nơi sóng gió
Thuyền chở đầy trăng nửa đêm về.
Bát ngát!

HữuThành.Nguyễn nói...

Bác "Bát ngát" đặt lời Việt (dịch?) được ấy nhỉ.

Nặc danh nói...

Trình anh Đồ kình,từ Yen ba thâm xứ ở đây có phải là nơi xa thẳm,sóng yên,tức nơi xa rất thanh bình,với nghĩa này nó hợp hơn với cảnh thanh bình.Nếu là sóng gió e không hợp cảnh?
DS

Nặc danh nói...

Đọc thơ Minh Kính tiên sinh
Nhớ thời sĩ tử lên kinh thi tài
Vượt bao đèo dốc đường dài
Thỏa lòng tung chí thi tài bút nghiên.

Nặc danh nói...

Yên đây là Mù mịt, là khói sương không phải Yên trong tiếng Việt. Dịch là Sóng gío cũng chưa hẳn. " Yên ba thâm xứ " đúng nghĩa là : Nơi sóng nước, mù mịt xa thẳm.
Một câu thơ có 7 chữ thì không thể dịch cho đúng hết được đành phải chấp nhận " hy sinh" thôi.
MK

Nặc danh nói...

Ô, các bác ơi, tháng Giêng 1948 ông cụ ở đâu nhỉ, để mà bàn việc quân dưới xuồng (y như mấy cha Đồng tháp mười vậy đó).
Theo tôi biết thì hồi đó cụ ở Việt bắc. Việt bắc suối sâu đèo cao, còn sông thì do ở phía gần thượng nguồn nên chảy hơi xiết, ghềnh thác tùm lum, chèo chống thấy bà nội, mần răng mà uống trà mần thơ như rứa, hỉ?
HCQuang

Nặc danh nói...

Lúc này Bác ở Tuyên Quang, có sông Phó Đáy. Bác đã có bài thơ ĐI THUYỀN TRÊN SÔNG PHÓ ĐÁY như sau :
Dòng sông lặng ngắt như tờ.
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo
Bốn bề phong cảnh vắng teo
chỉ nghe cót két tiếntg chèo thuyền nan.
MK