Thứ Tư, tháng 5 17, 2017

Xe đạp thời kháng chiến chống Pháp

Mươi ngày trước tôi có bài trên Facebook, nói đến chiếc xe đạp thồ và những người chủ tham gia công sức vào chiến thắng ĐBP.

Rồi có nhiều ý kiến quanh "xe đạp thồ". Rằng Việt Minh lấy đâu lắm xe thồ thế, thời Pháp là cả một gia tài? Rằng huy động xe đạp của dân và chủ của nó đi làm dân công luôn; phản bác rằng dân công chủ yếu là nông dân, thời ấy họ làm gì có xe đạp, vân... vân...
Hôm nay chợt nhớ trước đấy mấy hôm, chính xác là ngày 5/5, anh bạn lính vốn cùng học Lý ĐHTH mời anh em CCB gặp nhau nói chuyện cũ. Tình cờ 6 lính có 2 Trỗi (tôi và Duy Linh), 2 sinh viên ĐH Tổng hợp (Thế Phiệt và Trọng Dân) và 2 cậu lính em tham chiến ở Campuchia (Trung Sy và Vinh Linhthe, nick FB).
Ảnh: Vũ Thế Phiệt, 5/5/2017
Nói chuyện cũ, chuyện cũ thì có đồ cổ của đời ông cha để lại. Tôi nói nếu còn giữ thì chiếc xe đạp của tôi cũng là đồ cổ kháng chiến. Chuyện khi mới được đi học đại học ba tôi cho tôi dùng chiếc xe đạp Sterling của ông. Một lần ông nói giữ gìn cẩn thận, đây là chiếc xe mà năm 1946 mới ra HN ba được "anh Cả" giao cho để đi công tác.
Thằng em (Trung Sy, đầu trọc) ngồi bên cạnh reo ngay lên "thôi chết rồi, em biết cái xe Sterling của ông ngoại em mất đi đâu rồi". Quen nó từ lâu, tôi gật đầu trong vẻ ngạc nhiên của mọi người.
Một cách ngắn gọn ông ngoại của Trung Sy là em của ông "Thuốc lào Giang Ký" nổi tiếng phố cổ HN những năm trước 1945. Ông tham gia CM, bị bắt đi tù Sơn La (1933), sau cũng bị đưa ra Côn Đảo và được thực dân tha về (1936) khi Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế trong chính quyền. Câu chuyện về ông ngoại đã được Trung Sy kể trong Thuốc lào Giang Ký. Trong đó kể cả chuyện mãi sau này, mà có dịp nhắc tới thì Tường Vân C11K6 xác nhận với tôi mối thâm tình của hai ông.
Ảnh: Trung Sy "về nguồn" chụp dấu vết ông ngoại ở nhà tù Sơn La: Nguyễn Công Nghi, số tù 381 năm 1933.
Mấy năm trước, tháng 3/2013, tôi có dịp đưa bạn bè đi chơi Sa Pa, có cả Khắc Việt và Văn Hùng K7. Lượt về xe tôi đi qua Sơn La, Trung Sy lần đầu tới và tìm thấy trong danh sách có tên ông mình.
Nghĩ đùa có khi thật là cụ Cả lấy xe của ông anh đưa cho ông em đi hoạt động cho đoàn thể, ba tôi thọ án ở Sơn La sau ông Nghi cả chục năm. Chắc ông Nghi không kể chuyện này cho các cháu nên bây giờ Trung Sy nó mới reo to :-D
Lại nói về cái xe đạp, ông già tôi có nói thêm, thực ra cái xe của bác Cả giao thì ba tôi khi phụ trách vận tải ô tô đã đổi lấy cái xe kém hơn để cái tốt cho người khác đi công tác. Vậy nó là xe khác nhưng mang nguyên vẹn ý nghĩa của một chiếc xe công thời kháng chiến của Việt Minh theo ba tôi suốt từ lúc được "anh Cả" giao cho tới khi đưa lại cho tôi.
Cũng phải nói thêm rằng chiếc xe đó cùng với nhiều vật dụng gia đình giường tủ bàn ghế được cơ quan trang bị khi về HN đã được trừ dần vào lương tháng của ba tôi, khi cho tôi thì nó đã là tài sản riêng rồi. Không phải ông cụ đi dân công hỏa tuyến khi về dắt theo cái xe "không biết trả vào đâu" như lời tôi bàn trên Facebook.
Mãi đến cuối những năm 80 khi mà mình đi xe máy là chính thì họ hàng trong quê ra thấy ít dùng, xin, thì mình lại cho.
Chuyện xa xưa đâu đó tự nhiên lại trồi lên dính chập vào, theo Facebook thì có duyên của thằng em Phương Tuấn Nguyễn :-)

1 nhận xét:

TM nói...

Hình sự hóa rồi đây. Hãy lấy tí tiết của TS1, kiểm tra ADN rồi đối chiếu với ADN rỉ sắt xe đạp Stecling nhà HT. Nếu tương đồng, đề nghị trả xe về cho chính chủ. Mần khoa học nó phải như vậy!