Thứ Ba, tháng 5 30, 2017

Hành trang đi Quảng ngãi của bạn (P1)

Hành trang đi Quảng ngãi của bạn đã đầy đủ, thậm chí có cả kẹp phơi đồ, xà bông sát khuẩn, nhưng có thể bạn quên một món:

Ra biển ai cũng muốn bơi hay chí ít là ngâm mình xuống biển “ướp muối” cho cơ thể nó không bị “mọt” . Bạn biết bơi, bơi khá, nhưng lâu rồi không luyện tập, e chừng “ra khơi tay lái không vững”. Vậy nếu có thể, bạn hãy tranh thủ “ôn bài”. Nhưng luyện bơi rất mất thời gian nếu như phải sửa lỗi (có thể mất cả năm giời), do vậy, tôi – một VĐV bơi lội chân đất – xin góp ý về một cách “ôn bài” nhanh chóng dưng mà hiệu quả.

Nói về bơi ếch. Hồi xưa bạn bơi một đỗi dài không mần chi, nay sao mà mệt rứa? Do tuổi tác? Đúng, nhưng chưa hẳn như rứa.

Xin bạn cứ bơi thoải mái với các kỹ năng như bạn đã từng bơi. Bạn bơi với đầu luôn luôn nhô lên khỏi mặt nước y như cái bia số 6 của Bộ binh ư? Không quan trọng. Bạn đạp chân có lỗi ư? Không quan trọng. Bạn bơi hoặc huấn luyện viên của bạn (nếu có) yêu cầu bạn chỉnh sửa một lỗi nào đó chăng? Không quan trọng, bởi mỗi người, mỗi độ tuổi sẽ có một trường phái bơi riêng cho mình. Vả lại chính các VĐV Ô-lem-píc cũng bơi không giống nhau.

Khi luyện bơi ếch, bạn hãy lưu ý và tìm cách áp dụng 2 nguyên tắc sau:

1/Tận dụng đà lướt (trớn). Bạn đừng vội quạt tay, đạp chân khi cơ thể đang lướt. Hãy chờ tới khi độ lướt giảm thì mới quạt. Giảm tới mức nào thì quạt tay? Sẽ do chính bạn tự cảm nhận.

2/Trong 1 chu kỳ bơi cần có 1 pha nghỉ ngơi. Bạn nâng ly bia lên (cụng ly) và giữ nguyên như thế chừng 10 phút là muốn xụi tay, do vậy bạn (kể cả VĐV trẻ) không thể quạt nước liên miên mà không cho tay chân nghỉ ngơi. Nếu bạn “khéo sắp xếp” (mục 1, 2) thì tay, chân và cơ thể bạn sẽ lần lượt thả lỏng cơ bắp (được nghỉ ngơi) tới 2 phần 3 thời gian của 1 chu kỳ bơi.

H1: Cái bia số 6 của Bộ binh? Không quan trọng, miễn bạn thấy thoải mái.

P2 - Gợi ý về việc áp dụng 2 nguyên tắc bơi ếch: Xin xem trong mục lời góp.

H2: Trong pha quạt nước, cùi chỏ cần ở vị trí cao nhất.

3 nhận xét:

HCQuang nói...

Dĩ nhiên bơi có 101 nguyên lý, nguyên tắc, có 1001 kỹ xảo, có vài triệu trường phái bơi, dưng mà các cụ già rồi, bơi văn nghệ thôi, để giữ sức khỏe, để giải trí thôi. No béo chi.

HCQuang nói...

(P2) Gợi ý áp dụng 2 nguyên tắc bơi ếch.

1/Duỗi thẳng tay khi chưa “xài” nó.
Dĩ nhiên trong bơi ếch, tay quạt nước xong thì chân sẽ nhanh chóng đạp nước. Vậy trong khi 2 chân đạp nước thì 2 cánh tay cần duỗi thẳng để giảm lực cản nước, và thả lỏng cơ tay.

2/Đôi chân: Duỗi thẳng chân khi chưa “xài” nó.
Khi đã kết thúc cú đạp chân, đôi chân bạn cần duỗi thẳng để giảm lực cản nước, và thả lỏng cơ chân.

3/Duỗi thẳng toàn bộ cơ thể khi chưa “xài” nó.
Khi đã kết thúc cú đạp chân, bạn đừng vội quạt tay (tức đừng vội vào chu kỳ tiếp theo) mà thả lỏng toàn bộ cơ thể. Bạn hãy xuôi cơ thể (càng nằm ngang càng tốt – nếu có thể) để giảm lực cản nước.

4/Anh em cọc chèo – 2 cánh tay phát lực như thế nào.
Hãy xem người dân miền tây chèo xuồng 2 mái đẩy, bạn thấy mái chèo khi quạt nước phải tựa vào cọc chèo, và cứ thế, chiếc xuồng bơi đi hàng chục cây số. Cùi chỏ của bạn là cọc chèo, cẳng tay và bàn tay bạn là mái chèo.

Vào chu kỳ tiếp theo: Bạn từ tốn gập 2 cùi chỏ lại và quạt (phát lực). 2 cùi chỏ sẽ vẽ thành hình chữ C. Khi mái chèo quạt tới ngang vai (mặt phẳng chứa 2 vai) thì bạn dừng phát lực, và nhanh chóng thu tay về, và nhanh chóng duỗi thẳng về phía trước (để nó được nghỉ ngơi). Nếu 2 mái chèo quạt vượt qua mặt phẳng chứa 2 vai thì bạn sẽ bị lãng phí sức không cần thiết.

Vị trí cùi chỏ: Trong suốt pha quạt tay, cọc chèo phải luôn luôn ở vị trí cao nhất so với mái chèo. Đây là vị trí lợi nhất về lực, và do vậy bạn có thể sử dụng được cơ vai thay vì “xài” cơ cẳng tay, bàn tay. Do vậy, bạn sẽ quạt được mạnh hơn bởi nhóm cơ bắp mạnh hơn, và giảm được nguy cơ chuột rút tay.

5/Hít thở.
Bạn cứ việc hít và thở như bạn đã từng làm (sửa lỗi kỹ năng này tốn thời gian vô cùng), chỉ mong bạn hãy thở ra liên tục, đều đặn, để tống khứ ra khỏi cơ thể “cái ngữ” CO2 càng nhiều càng tốt.

6/Lướt đi đều đặn, êm dịu.
Khi bơi, bạn cảm thấy cơ thể lướt đi đều đặn trong nước (không giật cục lúc tiến vọt, lúc trì lại), không bị thở hổn hển, kiệt sức. Bạn đã thành công. Bạn chỉ thua mỗi Ánh Viên.

HCQuang nói...

Quên: nếu bạn cần trao đổi về kỹ xảo bơi và nếu không khoái "đôi co" trên blog, xin bạn vào chiquang.ha@gmail.com, sẽ có cafe miễn phí cho bạn (thuốc lá thì mạnh ai nấy xài).