Thứ Năm, tháng 9 23, 2010

Lệ Mật (Gia Lâm) và Thập tam trại phía Tây Hà Nội

Hơn chục năm nay tôi đã bắt đầu quá trình dịch chuyển về phía Tây, trước nhiều so với chuyện mở rộng nhét Hà Tây vào Hà Nội, hay mới đây là các loại trục thẳng trục cong mà đều có chung một hiệu ứng "nâng cao giá trị đất". Những ai nghiên cứu phong thủy đều biết những năm tới đây đất phía Tây Hà Nội là đất "phát".
Nhưng mà câu chuyện có tính chất nguồn cội của Lệ Mật với vùng đất này thì gần đây tôi mới biết, tóm tắt như sau:
Ở xã Lệ Mật huyện Gia Lâm, phủ Thuận An xứ Kinh Bắc nay là thôn Lệ Mật xã Việt Hưng huyện Gia Lâm TP Hà Nội có gia đình nông dân: chồng là Nguyễn Quang, vợ là Hoàng thị Tâm sống hiền lành nhưng bị muộn con. Một hôm Thái bà đi lễ chùa Đại Bi, thấy trước cửa chùa có một pho tượng đá, liền tụng niệm và ước muốn sinh được người con trai tuấn tú như vậy.
Ít lâu sau bà có mang, giờ Ngọ ngày 13 tháng 1 năm Bính Dần (1026) sinh được một con trai, diện mạo giống y như tượng đá, hợp với điều linh ước. Năm 13 tuổi mới đặt tên là Quý Công. 16 tuổi ông đã có sức mạnh hơn người.
Bấy giờ vua Lý Thái Tông, tên thật là Lý Phật Mã (1028- 1054) có công chúa cả đi chơi thuyền trên sông Thiên Đức (sông Đuống) chẳng may bị chết đuối.
Chàng trai người làng Lệ Mật, tên Quý Công, lao thẳng vào chỗ nước xoáy vớt được thi hài công chúa. Nhà vua cả mừng, sắc phong cho ông chức “Thái Giám nội thị Tự Khanh” và thưởng 100 cân vàng, 100 tấm lụa.
Trong dịp về triều nhận thưởng, ông thấy ở phía Tây thành gọi là Quảng Phúc có khu vườn Tây cấm, đồng cỏ bỏ hoang, cây cối rậm rạp liền dâng biểu lên vua khước từ Quan tước, lụa, vàng chỉ xin vua cho phép đưa dân sang Tây thành Thăng Long, khai hoang, lập ấp trại..
Được vua ưng thuận ông đưa dân vượt sông Nhị Hà sinh sống và dựng lên 13 trại: Liễu Giai, Giảng Võ, Đại Yên, Thủ Lệ, Cống Vị, Hữu Tiệp, Vạn Bảo, Cống Yên, Ngọc Hà, Xuân Biểu, Vĩnh Phúc, Ngọc Khánh, Kim Mã. 13 trại ra đời thành miền đất trù phú.
Tưởng nhớ công lao của ông, hàng năm cứ đến ngày sinh 13/1 và ngày hóa 12/10 nhân dân làm lễ tại Đình tổ chức dâng hương tưởng niệm. Đặc biệt ngày 23/3 (ngày ông đưa dân Lệ Mật sang khai hoang lập ấp tại Tây thành) dân 13 trại lại về Lệ Mật cùng dân làng Cựu quán tổ chức lễ hội rất trang nghiêm.

3 nhận xét:

TQtrung nói...

Nghe đến Lệ mật thì cứ nghe đến tiếng rắn phun phè phè. Quý vị nào có hứng với món rắn thì đến Lệ mật nha! nhưng anh HT Tây tiến đã hơn chục năm sao không rủ rê anh em tiến cùng mà lại giới thiệu Lệ mật, như có vẻ xúi "Bắc tiến" thế!
Nhưng vùng Kinh Bắc cũng không xoàng đâu nha, đất phát vương vị đấy, phía Tây thì quá lên gần Đường lâm thì có cơ phát như cụ Phùng hưng, cụ Ngô Quyền, miễn là chọn được chỗ đất gần nhà các cụ hé hé!

Nặc danh nói...

Thì ra ông Quý Công này "đi trước đó đầu". Ngay từ hồi đó đã quyết "nhập hộ khẩu" vào nội thành rồi!

HMK6

VNQ nói...

Năm 2000 sang Đại yên tìm mua đất xây nhà. Được ông chủ đất rất "tự hào" mà nói rằng:" Bác mua đất nhà em là rất yên tâm, đất này là đất thổ cư "chính hiệu" có từ thời "Thập tam trại". Yên tâm mua và từ đó biết rõ được nguồn gốc của Thập Tam trại.