Đêm nay là đêm Trung thu, các cháu sẽ có một đêm vui vẻ. Ông bà cha mẹ cũng sẽ nhân kỳ trăng tròn tháng tám mà có dịp ngắm hoa thưởng nguyệt. Người ngèo cũng cố dăm ba cái bánh nướng bánh dẻo, vài thứ hoa quả đơn sơ bưởi chuối vườn nhà, nếu lo đến cái chức vị cỏn con thì còn phải lo đồ đi thăm xếp. Người có tý máu mặt ngoài việc lo tìm đầy đủ của ngon vật lạ cúng tế tổ tiên lại còn phải lo tiếp đón nhân viên đến thăm nhà, lo đến thăm sức khoẻ cấp trên không “bà chị” lườm nguýt. Ai cũng khổ, chỉ có trẻ con là sướng. Chả thế mà Lão Ngoan đồng cứ thích làm trẻ con mãi, râu tóc bạc phơ nhưng mãi chả chịu lớn.
Một ngàn năm nô dịch văn hoá cũng để lại nhiều hệ luỵ. Riêng cái Tết Trung thu này người Hán đưa vào nước ta và được các cụ Việt hoá thành những nét độc đáo. Nhiều phong tục mà nếu không để ý thì khó nhận thấy, ví như ở TQ người ta chỉ múa lân, múa sư tử vào dịp Tết nguyên đán, nhưng ở VN thì rằm trung thu mới có múa lân, múa sư tử .
Ngày rằm tháng Tám, nhân dân ta quan sát màu sắc của Trăng để tiên đoán mùa màng. Trăng vàng: được mùa tơ tằm. Trăng xanh lục: hạn hán, bão lụt, mất mùa. Trăng màu da cam: nước thịnh trị, thái bình (Bạn Trỗi nhớ đêm nay ngó xem trăng màu gì nhé) Người Trung Hoa không có phong tục này. Lại có chuyện. Cuối đời Tây Hán bên Trung quốc, Vương Mãng cướp ngôi Vua. Lưu Tú nổi lên chống Vương Mãng. Lưu Tú bị vây hãm, quân tướng đói khát rã rời. Lưu Tú bày hương án cầu trời. Dường như lời khẩn cầu động tới Thiên Đình, quân lính đào được khoai môn bùi ngon, ăn qua cơn đói và tìm thấy cả những quả bưởi thơm ngọt,hix. Sau đó, viện binh đến cứu Lưu Tú. Ngày Lưu cầu trời là ngày rằm tháng Tám. Vương Mãng bị giết. Hai năm sau, Lưu Tú lên ngôi Vua lấy tên là Quang Vũ (nhà Hậu Hán hay Đông Hán) lấy ngày rằm tháng Tám kỷ niệm tạ trời đất, cúng khoai và bưởi, có cả các loại bánh "Trung thu " tiền thân của các loại bánh nướng bánh dẻo ngày nay đấy. Thỉnh thoảng gần đây trên đường phố Hà nội có thấy bán lọai bánh dẻo có mầu tim tím giống màu khoai môn, bánh Tầu đấy . Cho đúng với cái tích Lưu Vũ được trời cho khoai môn, đào được bưởi, người Việt ăn mà chẳng biết cái gốc nó thế nào, buồn thế!
Ở ta ngày rằm trung thu còn có tục Hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng. Tết Trung Thu của người Hoa không có phong tục này.
Tết trung thu còn có tục rước đèn, bày cỗ trông trăng, chơi đèn kéo quân, các tục này đều có sự tích của nó cả nhưng đều là tích Tầu, riêng có sự tích chú cuội thì nghe cái tên có vẻ như Việt trăm phần trăm bởi chú có cái quạt mo, cái quạt mo ấy giờ không biết giá trị được bao lăm, cứ lên Hàng Mã thì biết là đã đến thời Hán hoá trở lại rồi, có người Việt tâm đắc với con “tu huýt” cổ xưa để rồi thở dài ngao ngán. Chỉ mong trong sâu thẳm tâm tư những người Việt đích thực vẫn giữ và lưu truyền cho con cháu những giá trị tinh thần thuần chất mà vì thế qua bao đời bị đồng hoá vẫn tồn tại hiên ngang một tộc Việt huy hoàng bên bờ biển Đông.
Thứ Tư, tháng 9 22, 2010
Trung thu
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Tư, tháng 9 22, 2010
Nhãn: Văn Thơ Thẩn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét