Việt nam, đất nước có bề dày ngàn năm văn hiến, từ bao đời nay đã sản sinh ra những tuyệt tác văn thơ bất hủ. Thế hệ chúng ta mười năm đèn sách, cũng đã được các sư phụ truyền đạt những kiến thức văn học từ trong cho đến ngoài nước, từ cổ chí kim. Lại được sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt nên từ nhỏ đã thấm nhuần những áng thơ văn hào hùng của các bậc tiền bối, trong thơ ca hay các tác phẩm văn chương thường nghe tiếng gươm đao khua loảng xoảng và ít hay nhiều đều liên quan đến chính trị- Tất nhiên rồi, cách mạng mà, văn học cũng phải phục vụ cho lý tưởng lớn, cái gì làm con người uỷ mỵ đều không có chỗ đứng, vì vậy mà có một thời những tác phẩm như "Thép đã tôi thế đấy" "Ruồi trâu" "Lôi Phong" "Rừng thẳm tuyết dày" v...v.. làm mưa làm gió trên văn đàn nước Việt, người ta gối đầu giường như một thứ bảo bối để răn mình toàn tâm toàn ý đi theo cách mạng như các nhân vật trong chuyện. Phải công nhận một điều rằng, các dạng sách vở như vậy một thời đã làm ông cha chúng ta ngây ngất trong hào khí cách mạng, và không ít thì nhiều cũng đã từng làm xao xuyến những con tim ngờ nghệch của lớp thế hệ con cháu. Ngày nay, chắc là nó đã thực hiện trọn vẹn con đường lịch sử của mình nên các loại sách như vậy nếu muốn đọc phải đi tìm khá công phu đấy, thật tiếc.
Lịch sử đã đi vào một giai đoạn mới nên văn học cũng có biến chuyển cho kịp thời đại. Hãy đi vào các cửa hàng bán sách mà xem. Chuyện ma, chuyện chưởng, sách nội sách ngoại nếu không dính đến tiền, tình, tội thì không ai xem, chuyện trẻ con phần lớn là chuyện tranh Nhật bản, nội dung càng xấu xa càng bán được nhiều, cái tủ sách Kim đồng đáng ra phải là nơi đi đầu trong việc xuất bản những tác phẩm văn học có tính giáo dục thì lại là nơi phát hành nhiều chuyện tranh bậy bạ nhất. Vì vậy mà nói một thế hệ đang bị đầu độc cũng không qua đáng đâu.
Nói đến văn học hiện tại thì chán đến phát rồ, vì vậy mà mò mẫm xem lại các tác phẩm xưa của các cụ vậy, lâu nay lắm bức xúc, hiện tình đất nước xem ra không cần đến các bậc đã qua tri thiên mệnh lo nữa, vậy để góp vui trong mấy ngày nghỉ lễ, xin trích đăng một số bài nghiên cứu văn học xưa, mời các bạn tham khảo.
***
Vài suy nghĩ về tiểu thuyết tình dục chữ Hán của Việt Nam
Phạm Tú Châu
Bài đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 3(40), 1999
Phần 1:
Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam(1) vừa xuất bản là một công trình đồ sộ về tiểu thuyết cổ của nước ta từ trước tới nay, giúp cho bạn đọc trong và ngoài nước thấy được cả một kho tàng tiểu thuyết vô cùng phong phú và đa dạng. Điều đáng nói không chỉ vì chúng ta hầu như có đầy đủ thể loại, từ chí quái, truyền kỳ, truyện ký danh nhân, tiểu thuyết lịch sử cho đến tiểu thuyết diễm tình, tiểu thuyết công án..., mà còn vì bên cạnh tiểu thuyết với mục đích cao cả là biểu dương lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, thức tỉnh lòng yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc, thì chúng ta cũng đã bắt đầu có tiểu thuyết không ngại đề cập đến tình ái riêng tư, thú vui "nam nữ" của con người. Số lượng tiểu thuyết loại này còn hiếm, Tổng tập mới chỉ ra duy nhất một truyện là Hoa viên kỳ ngộ tập, lại thiếu mất phần cuối, nhưng tác phẩm lại là cái mốc đánh dấu sự biến cách lớn trong quan niệm tiểu thuyết đương thời, hé một cánh cửa cho thấy nhu cầu viết về tình dục của tác gia nhà Nho Việt Nam.
Theo đoán định của GS. Phan Văn Các, người dịch và giới thiệu Hoa viên kỳ ngộ tập thì truyện ra đời vào cuối đời Lê, không ghi tác giả. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng tới một sự kiện có liên quan khác vào cuối đời Lê, đó là chuyến đi sứ của đoàn sứ giả nước ta kéo dài từ năm 1760 đến cuối năm 1761, đoàn có mua một số sách để đọc lúc rỗi và đem về, trong đó có cuốn Tham hoan báo(2). Giờ đây với những tư liệu do Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam cung cấp và do đồng nghiệp nước ngoài tận tình giúp đỡ(3), chúng tôi thấy cần điều chỉnh và bổ sung một số nhận định đã công bố trước đây sáu năm.
Trước hết, xin nói về Tham hoan báo. Tham hoan báo do Tây Hồ Ngư ẩn Chủ Nhân đời Minh viết, tiểu sử chưa tường. Sách vốn có tên Hoan hỉ oan gia, đời Thanh đổi tên thành Tham hoan báo, sau lại đổi thành Diễm kính và lược bỏ, rút ngắn lại khá nhiều. Sở dĩ có việc đó vì trong 24 truyện của sách, có đến 13 truyện tả cảnh làm tình rất trắng trợn của những cặp ngoại tình "tham hoan" và tất nhiên sau đó bị quả báo xứng đáng. Truyện viết rất hấp dẫn do nhiều tình tiết li kỳ như trong các tiểu thuyết công án. Để tiện làm rõ nhận định của bài viết, chúng tôi cũng xin trích dẫn một đoạn trong truyện Hương Thái Căn cải trang gian mệnh phụ. Truyện kể Tiến sĩ Trương Anh làm quan ở bộ Hình, góa vợ, lấy Mạc thị, con gái Mạc giám sinh ở Dương Châu làm vợ kế. Mạc phu nhân ở nhà vắng vẻ, lên chơi chùa, bị lái buôn ngọc Hương Thái Căn trọ trong chùa nhìn thấy, lập mưu thông gian. Gã này trẻ tuổi, mỏng mày hay hạt như phụ nữ, được nhiều phụ nữ theo đuổi nên quen thói trăng hoa. Gã cải trang thành phụ nữ đem ngọc đến dinh quan Ngự sử chào hàng cùng phu nhân, rồi cố ý để tuột cả chuỗi ngọc, tìm mãi không đủ số. Trời tối, phu nhân giữ lại ngủ cùng, vì "mụ" cũng góa chồng, lại học được cách dùng một "vật" khiến các bà góa vui vẻ. Phu nhân nghe "mụ" kể như vậy thì cũng ngứa ngáy, tuy nằm ngủ mà lửa tâm ngùn ngụt, chỉ muốn được "mụ" làm thử:
"Hương Thái Căn cởi hết quần áo, nhẹ nhàng chui vào trong chăn thơm, kẹp chặt cái vật của mình lại, ngoảnh vào phu nhân nằm im. Thấy "mụ" nằm im, phu nhân hỏi: "Này bà lái, bà ngủ chưa đấy?". "Mụ" đáp: "Con đâu dám ngủ. Con chưa từng được gặp đại phu nhân nên không dám to gan. Nếu được phu nhân cho phép, con xin hành sự in hệt một người đàn ông, không tránh khỏi trước hết sờ mó vày vò thì mới có hứng"... Phu nhân đưa tay sờ "mụ", không thấy có gì khác, bèn hỏi: "Bà cất cái vật ấy ở đâu vậy?". "Mụ" đáp: "Con giấu nó ở trong người con, có bé chút xíu nhưng có "nhân tính" lắm. Nếu nó hứng lên thì từ trong vươn ra, không khác gì vật của đàn ông vậy."....
Thế rồi cuộc "hành sự in hệt người đàn ông" diễn ra qua ngọn bút chân thực đến từng chi tiết(4). Phu nhân Ngự sử phơi phới lòng xuân từ tò mò, vô tình mắc bẫy kẻ gian ngoan trở thành kẻ đồng tình thông gian, phản bội chồng, cuối cùng bị Ngự sử phát hiện và bị thẳng tay trừng trị. Như vậy đoạn miêu tả hành vi tình dục trên đây không phải là đoạn xa đề mà gắn bó chặt chẽ với diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật, chẳng những không nằm ngoài tình tiết diễn biến của truyện mà còn là phục bút dẫn dắt tới kết cục tàn khốc tất yếu ở phần cuối. Có phần chắc cùng có chung cảm nhận như vậy với tác giả, không coi Tham hoan báo là "hối dâm" nên một thành viên trong đoàn sứ giả nước ta năm ấy là Đào Đăng Dự đã mua, đọc và mang về nước.
Như chúng tôi đã viết trước đây, mặc dù Phó sứ Lê Quý Đôn có làm tờ trình xin Hải quan Trung Quốc đóng tại Quế Lâm đình chỉ việc thu hồi tất cả sổ sách sứ bộ mua mang về, song rốt cuộc đề nghị đó không được chấp thuận. Tham hoan báo không về tới Việt Nam năm ấy điều này cũng đủ cho thấy, chúng tôi dùng những từ "một cuốn sách lạc lõng trong tiến trình giao lưu văn hóa Việt -Trung" để chỉ Tham hoan báo ở bài viết trước là chưa thật thỏa đáng. Có phần chắc loại sách này từ những thế kỷ trước đã được bạn đọc nhà nho nước ta tiếp nhận theo nhiều con đường khác nhau mà theo phỏng đoán lâu nay có ba đường: do quan lại Trung Quốc đem sang, do lái buôn sách bên kia biên giới đưa tới và do các thành viên trong các đoàn sứ giả mang về. Hai con đường do lái buôn sách và do sứ thần mang về không còn là phỏng đoán nữa mà đã là sự thật.
(còn tiếp)Phần tiếp theo xem tại đây
Thứ Tư, tháng 9 01, 2010
Chuyện cũ, chuỵên mới
Gửi bởi TQtrung lúc Thứ Tư, tháng 9 01, 2010
Nhãn: Cuộc sống và suy ngẫm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Có mấy ý kiến:
1. Anh Tt bây giờ cũng xuất bản truyện nhiều kỳ?
2. TQ văn minh thật, có Hải quan từ đời nào. Không biết mình hồi ấy có hải quan không nhỉ?
3. Hải quan TQ đóng ở QL? Thường hải quan ở cửa khẩu, chẳng lẽ QL lại gần cửa khẩu sang VN thế?
Đăng nhận xét