Thứ Bảy, tháng 2 10, 2007

Mỗi tuần một chuyến đi: 3/2/2007 Yên Tử, chùa Đồng

Kế hoạch của Chủ Nhật tuần trước, 28/1/2007, là tôi đi Yên Tử. Nghe nói mấy tháng vừa rồi người ta đã dựng xong chùa Đồng, đúc tượng đâu đó dưới chân núi, nay chuẩn bị khánh thành. Định đưa Công Minh đến đấy, đi cáp treo lên chùa Hoa Yên ngồi chờ để tôi "lượn" một vòng lên chùa Đồng xem tình hình thế nào. Tối thứ Bẩy 27 Công Minh báo ngày Chủ Nhật bận chuẩn bị ra mắt Tập đoàn. Thế là tôi cũng bỏ luôn chuyến đi dù có thể đi một mình. Đi một mình cũng được, nhưng sợ thất hứa với bạn thì chờ vậy. Hôm sau 29/1 xem báo mạng và TV mới biết ngày này họ khánh thành chùa Đồng, hô thần nhập tượng, với tham dự của hàng nghìn tăng ni phật tử. Tiếc là mình không đến được trước ngày lễ trọng này.
Vì thế trong chuyến đi Hoà Bình trong lòng vẫn cứ tiếc mãi. 9h tối thứ Sáu gọi Việt Thắng, hai thằng quyết định đi Yên Tử vào ngày thứ Bẩy 3/2. Không có ai đi cùng thì hai thằng cũng đi. Tôi nghĩ Công Minh đi chuyến Hoà Bình qua một đêm mất ngủ chắc không theo được. Gọi đến nhà, gặp vợ Công Minh, được biết hai vợ chồng nó cũng muốn đi. Ok, hai vợ chồng đi càng tốt, để chúng nó chăm sóc lẫn nhau trong khi chờ bọn tôi đi xuống. Báo cho Việt Thắng đưa vợ đi luôn cho có bạn. Hôm sau ngồi trên xe hai bà phấn khởi nói lần sau rủ nhau đi nữa.
Đi cáp treo lên đến chùa Hoa Yên đã 11h. Tôi có kinh nghiệm không nên ăn trước khi leo. Cho một cái bánh chưng và hai chai nước vào ba lô là đủ. Đói mệt thì ăn rồi nghỉ. Mọi người lại thuyết phục rằng đằng nào chả ăn, ăn đi rồi leo. Thôi thì chiều bọn chúng. Đến sau Việt Thắng mới thấy là dại.
Ăn xong mọi người "áp giải" Công Minh leo lên chùa Hoa Yên nghỉ. Ở trên đó có chỗ cho khách ngồi đàng hoàng, lại thoáng đãng ngắm phong cảnh đẹp. Từ quán leo lên qua khu tháp Tổ. Đây gọi là vườn tháp Huệ Quang, có gần trăm ngôi mộ tháp của các nhà sư tu hành và viên tịch tại Yên Tử. Không biết vườn tháp này tính ra đến đâu, chứ trong khoảnh đất quanh đó chỉ khoảng 3 chục tháp là cùng. Tuy thế suốt dọc đường lên và trên nữa còn nhiều tháp. Có những tháp chỉ còn lùm lùm để nhận biết được. Chính giữa vườn có tháp Huệ Quang (ảnh trên cùng, 11/2005).
Tháp Huệ Quang được xây dựng vào năm 1309, trong quàn xá lợi (xá lợi: toàn bộ hoặc một phần thi hài của người tu hành) của Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (Trần Khâm). Trần Nhân Tông sinh năm 1258, có lòng trọng đạo Phật từ nhỏ. Năm 1279 được truyền ngôi. Năm 1293 Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con rồi về nghiên cứu kinh Phật tại phủ Thiên Trường, Nam Định. Năm 1295 thực tập xuất gia tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình. Năm 1299 chính thức xuất gia tại Yên Tử, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm. Đêm 3/11/1308 Ngài hiển Phật. Y bát dòng Thiền Trúc Lâm trước đó đã được trao cho Thiền sư Pháp Loa, là vị tổ thứ 2.
Viếng tại tháp Huệ Quang xong cả bọn leo tiếp lên chùa Hoa Yên. Chụp một cái ảnh trên đường lên Hoa Yên. Chọn đúng chỗ không có nắng để đứng nên mặt mày bị "cớm".
Lên Hoa Yên "an trí" Công Minh ngồi ở dãy nhà nghỉ bên chùa với mấy túi đồ, chủ yếu là thức ăn mang theo nhiều quá. Tôi hướng dẫn hai bà đi sang am Thiền Định, thác Vàng hoặc sang hướng chùa Một Mái. Cũng không khuyên các bà lên Bảo Sái vì cao lắm. Tôi và Việt Thắng sẽ lên chùa Đồng theo lối xuống. Đi lối này dốc nhưng nhanh vì nó thẳng, không quanh co. Nói là lối lên lối xuống vì khu vực Yên Tử trong này có chùa Giải Oan dưới chân núi, chùa Hoa Yên ở trung tâm, chùa Một Mái đi theo bên phải rồi lên Bảo Sái. Từ Bảo Sái có thể lên tượng đá An Kì Sinh rồi lên chùa Đồng. Đó là lối lên, từ Hoa Yên đi theo lối này tới chùa Đồng mất 1,5km đường chiếu để lên cao 500m, độ dốc 33% trung bình. Lối xuống từ chùa Đồng xuống An Kì Sinh, cắm thẳng xuống Vân Tiêu rồi Hoa Yên, lối này đi 1km đường chiếu cho 500m cao, độ dốc 50% trung bình. Như thế có nhiều chỗ độ dốc lên tới 60, 70% vì đoạn An Kì Sinh - chùa Đồng khá dài mà độ dốc có khoảng hơn 20% thôi.
Mới bắt đầu vào đường lên Vân Tiêu thì gặp mấy cậu thanh niên gánh hàng "đồng nát" đi xuống. Hỏi ra thì biết đó chính là phần "nát" của chùa "Đồng" cũ. Nhìn qua thì thấy hình như họ đã cho nó qua lửa rồi, làm cho tôi nhớ tới tục "hoả táng".
Trong ảnh còn có hai bà -"đi theo các anh, khi nào mệt thì xuống". Ngày xưa người ta hay gọi các bà là "sư tử (Hà Đông)", bây giờ bọn trẻ hay gọi là "gấu". Hình dung gấu bông cho bọn trẻ con thì thấy cách gọi này thân thương hơn. Không biết "gấu già" có còn là "gấu"? Mang cái bụng mới ăn no leo núi đúng là cực. Việt Thắng luôn miệng than mệt. Ai bảo, ăn vừa xong, bụng vừa tiêu hoá nhào nặn, chân vừa leo thì làm sao mà chịu được.
Cũng vì làm hai việc trong cùng một lúc như vậy mà đi được một khúc Việt Thắng lại ngồi nghỉ, trông rất ... chán. Lên đến gần Vân Tiêu chỗ nhìn thấy sân chùa Hoa Yên tôi gọi điện cho Công Minh định bảo cậu ra chỗ trống để vẫy tay chào. Không gọi được Công Minh mà lại có điện thoại gọi tới. Hoá ra hai "gấu già" bám theo sát nút đến nỗi vừa nói chuyện điện thoại vừa nghe thấy chúng nói bên ngoài. Hoá ra hai bà đã định quay lui thì có đôi vợ chồng trẻ đi lên động viên, đi tiếp.
Tôi báo cho Việt Thắng ngồi chờ rồi quay lại một đoạn để chụp ảnh ở chỗ đường khá đẹp cho bọn "gấu già". Ảnh chụp con đường bám theo vách đá gặp một tảng đá ngang đường, người ta phá thành một cái khe đi.
Sáu bẩy năm trước tôi lần đầu lên chùa Đồng. Bây giờ không thể nhớ chi tiết con đường. Chắc một điều là không có chỗ đặt chân rộng phẳng như bây giờ, và cũng không đoạn nào có tay vịn sắt.
Những ngày hội năm ấy mà đi thăm các chùa đã có tên ở núi Yên Tử thì phải mất hai ngày. Bây giờ gần như mùa nào cũng có người đi vãn cảnh, cầu bái.
Tính lại thì trong 16 tháng vừa rồi tôi đi Yên Tử 5 lần toàn vào thời gian không có hội. Đi như thế thích hơn là vào ngày hội vừa đông, vừa trông rác thải, có khi lại bị mưa phùn. Năm lần đến nhưng chỉ có 2 lần sau cùng là lên chùa Đồng. Lần đầu đi một mình không có đủ thời gian. Các lần sau vừa không có thời gian, mà các bạn đi cùng cũng không có sức lực để leo.
Hai bà lên đến Vân Tiêu làm cho tôi và Việt Thắng rất nể. Không thể nghĩ các bà có thể leo được. Nhưng vợ Việt Thắng leo tới đây quá mệt rồi. Ở lại chờ mọi người xuống, "nàng" ngồi chờ "chàng" bên gốc thông già.
Vợ Công Minh quyết tâm leo tới chùa Đồng, dù tôi đã nói cho biết tới đây mới được gần nửa đường mà phần còn lại không dễ hơn. Nói chung với ai cũng vậy, đoạn đầu là khó khăn nhất. Về sau leo có nhịp rồi thì không còn sợ nữa, nếu sức chịu được. Vậy thì phải vừa đi vừa chờ. Mất thời gian hơn, nhưng như thế cũng thong thả nhìn ngó, chụp ảnh hơn.
Tiếp tục leo lên, gặp một nhóm các cháu đi xuống. Bọn trẻ này cũng khôn gớm, lại không khách sáo, nhờ chụp ảnh. Năm kia trong chuyến đi một mình tháng 11/2005 tôi đã chụp cho các cháu học Trung cấp Mỏ ở Quảng Ninh. Điều kiện để được chụp là "chúng mày phải có thư điện tử để chú gửi cho". - Chuyện nhỏ, chú gửi cho cháu "thiên thần giá lạnh". Chà, cháu gái mà giá lạnh thì ghê quá.
Lần này là các cháu Trung cấp Du lịch ở Hải Phòng. Lại một cháu gái, "happy day", nghe mềm hơn cháu trước, trung dung. Nhìn kĩ trong các cháu này có lẫn cả "gấu già" của Công Minh. Lớp các cháu này còn một nhóm nữa đi sau, chúng nó cũng "tóm" được tôi để nhờ chụp ảnh.
Lượt xuống tôi còn chụp cho hai nhóm nữa.
Ảnh gửi cho 4 nhóm thì 3 nhóm nhận được, riêng cháu "cỏ may" thì thư không tới. Thôi thì cứ gửi vào đây. Một phần nhiều triệu là cháu nó sẽ xem được hình này. Lạ là khi hỏi các cháu địa chỉ thư điện tử thì chỉ thấy các cháu gái cho. Có lẽ các cháu gái quan tâm tới ảnh hơn.
Đoạn từ An Kì Sinh lên chùa Đồng không còn dốc nhiều. Việt Thắng, sau khi thức ăn từ ruột đã thấm vào máu thì không còn bị mệt "dắt" nữa, mặt mày hớn hở hẳn lên. Cô Hạnh vợ Công Minh càng gần chùa Đồng càng có vẻ khoẻ vượt lên dẫn đầu, chiếu cố "nhiếp ảnh gia" mới tạm dừng chân quay lại chụp ảnh.
Chùa Đồng đã ở ngay trước mặt. Một tuần sau ngày khánh thành còn bao nhiêu việc phải hoàn thành. Hệ thống cẩu, tời, cáp, vật liệu xây dựng và công trình còn ngổn ngang. Một cái khánh đồng còn treo tòn ten trên cáp tời. Theo xếp đặt thường thấy ở các chùa thì một bên treo chuông, một bên treo khánh. Người ta hay nói đến tiếng chuông chùa, quả chuông to nhất ở một chùa thì được gọi bằng "đại hồng chung". Ít thấy nói tới tiếng khánh. Không biết chuông và khánh có liên quan gì tới thuyết âm dương, khi nào gõ chuông, khi nào gõ khánh, ... còn nhiều thứ chưa biết quá.
Tháng 9 năm ngoái khi bỏ lại Việt Thắng và Tương Lai ở đường từ Bảo Sái sang Vân Tiêu tôi đã lên chùa Đồng. Khi đó người ta đang soạn nền cho cột tời, ... Nhìn đá bị đập vỡ, vật liệu xây dựng ngổn ngang, tôi tưởng hàng quán chuẩn bị mọc như nấm trên đỉnh thiêng này, lòng đầy lo lắng. Trong năm 2007 người ta sẽ làm tiếp cáp treo từ gần Hoa Yên lên An Kì Sinh. Mùa hội 2008 đã có thể dùng tuyến cáp này. Khi đó sẽ có nhiều người lên được chùa Đồng, nỗi lo ô nhiễm môi trường sẽ giảm bớt. Tuy nhiên theo người ta nói ngày hội thì lội bộ nhanh hơn đi cáp vì quá đông. Có khi xếp hàng đi cáp cũng mất 3 giờ đồng hồ. Chùa Đồng mới được đúc từ 70 tấn Đồng nhập từ Úc (báo chí nói vậy) theo kết cấu nhà gỗ thông thường. Kích thước của nó bao trùm cả phần đặt chùa Đồng "bê tông" xưa và chùa Đồng cũ (ảnh trên). Chùa bê tông, theo mấy cậu thợ ở công trình nói, bị sét đánh vỡ nhưng không đến nỗi "tiều tuỵ". Chùa bằng đồng cũng bị sét đánh, nhưng "hoá giải" được nên không hư hại.
Ngay sau lưng chùa là vực sâu, tuy không nguy hiểm dốc đứng như nhà cao tầng nhưng rơi xuống cũng sứt đầu, mẻ trán, gãy chân. Dưới đó là đất Bắc Giang. Hơn chục năm trước có một cậu nhà báo đã đi vào vùng núi giáp ranh Sơn Động Bắc Giang với Uông Bí Quảng Ninh để lần theo dấu vết các di tích Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nhân có chuyện mở rộng khai thác than vào vùng đất này. Hoá ra trong vùng rừng núi này còn có nhiều chùa cổ chưa được ghi nhận chứ chưa nói đến việc công nhận và trùng tu. Mà không biết có nên phục hồi lại các chùa đó không chứ việc ghi nhận hiện trạng, cắm biển bảo vệ, thu hồi cổ vật, lập bản đồ di tích và hồ sơ lịch sử của chúng thì nên làm. Những việc đó không phải tốn kém quá nhiều mà lại khôi phục được kí ức dân tộc.
Theo người ta nói trên TV sau ngày khánh thành cửa chùa sẽ được đóng kín, hàng năm chỉ mở một lần vào ngày lễ cầu an chúng sinh. Trong chùa, cả cũ và mới, đặt một tượng Phật và tượng ba vị tổ Thiền Phái Trúc Lâm là Đệ nhất Tổ Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Đệ tam Tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái.
Năm 2003, nhân dịp mới mua xe ô tô tôi mời Việt Thắng, Thanh Đường đi với vợ chồng Vũ Mạnh Hùng định về quê Vũ Hùng (Hải Dương) xem vườn mà hắn chuẩn bị về khi nghỉ hưu thế nào. Nhân thể đi chơi tìm lại Đá Cóc xưa.
Đến vùng Bến Tắm, thấy trên núi cao có con đường trắng uốn lượn, tôi cho xe bò lên. Đến một đoạn hết đường bê tông, xe phải đi qua những rãnh nước xói lở đường đất dốc anh em lo không lên nổi sợ hỏng xe (mới). Tôi nói đang trong kì bảo hành, muốn nó hỏng gì thì hỏng đi sau hỏng ai sửa. Lên đến cụt đường thì ra là chùa Thanh Mai. Năm 1329 Pháp Loa mở "cảnh" ở Thanh Mai, "tạo cho nơi đây thành danh lam thắng cảnh". Năm 1330 Pháp Loa mất, nhục thể được đệ tử đưa về nhập tháp tại núi Thanh Mai. Có lẽ sau khi Pháp Loa nhập tháp Viên Thông (tháp do Thượng Hoàng Minh Tông đặt tên và cúng 10 lạng vàng để xây) thì người ta mới dựng chùa Thanh Mai để thờ. Năm đó đến đây thì thấy người ta đang làm lại chùa lớn hơn, với công đức của vợ một chức quan khá lớn, tới vài trăm triệu đồng. Sau chuyến đi đó Vũ Hùng cạch, không muốn đi chơi với anh em vì bị bỏ lại chỗ gửi xe. May có mấy bà trông xe (hôm ấy có độc một chiếc) "nuôi" bằng mấy món đồ lễ của người ta mời. Mà hôm đó lên chùa Thanh Mai là do duyên chứ có định trước đâu.
Thăm viếng chùa Đồng xong ba thành viên đến đích của chuyến đi xuống núi. Lại theo đường cũ. Chồn chân. Việt Thắng dẻo chân chạy trước. Tôi phải chờ "gấu" của anh Công Minh lần dò từng bước theo sau. Đi xuống mới thấy "chồn chân mỏi gối".
Chuyến đi được vợ chồng Việt Thắng và cô Hạnh đánh giá là trên cả thành công. Vừa thể thao, vừa vãn cảnh, vừa tâm linh.
Mấy hôm sau chân vẫn còn đau.
Tham khảo: những thông tin Phật giáo lấy từ http://phatviet.com, bài viết của Hoà thượng Thích Đức Nhuận "Đạo Phật và dòng sử Việt"

Không có nhận xét nào: