Có một bạn gợi ý tôi nên phổ biến kinh nghiệm để có thể viết được bài như kiểu "Côn Đảo" vừa rồi.
Thực ra bài như vậy không thể nói là của "người có kinh nghiệm" vì nếu có kinh nghiệm và tay nghề thì có thể bài đã tốt hơn nhiều. Cái đáng nói ở đây là trạng thái của người đi, mục đích của chuyến đi và sau rốt mới là kĩ năng viết.
Như mọi người thấy, tôi có lời rủ rê anh em có thích thì đi cùng, nếu không thì tôi đi một mình. Rõ ràng chuyến đi này là vì một mình tôi mà thôi. Không phải đi nghỉ với gia đình, không phải đi chơi vui với bạn bè. Một mình là cuộc đi tìm hiểu, để biết những điều đã biết một cách sơ lược, bây giờ muốn biết kĩ hơn. Khi mình đi nghỉ với gia đình, hoặc chơi với bạn, mình có những trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện để cho cuộc nghỉ hoặc cuộc vui thành công.
Như vậy điều đầu tiên muốn phổ biến với mọi người đã là một khó khăn phải vượt qua. Các bạn quen làm việc trong môi trường công sở, các bạn quen ngoài công sở đi đâu có gia đình theo đó thì rất khó có được trạng thái tâm lí bỏ nhà bỏ sở đi ... chơi. Đó là chưa nói đến sự tốn kém (kiểu gì cũng có, không nhiều thì ít) không cho một cái gì cụ thể.
Tóm lại trước hết phải cải biến mình, trong một khoảng thời gian nào đó, thành ra một loại người khác với chính mình bình thường (dở hơi?) mà nếu xét theo phân loại nghề nghiệp thì giống như là làm nghề viết. Tất cả những người viết báo, viết văn, vẽ tranh, chụp ảnh, ... trước hết phải thích cái việc định làm. Nếu không làm nghề, thì cái yêu thích ấy vẫn cần người ta dành cho nó những lúc nhặt nhạnh, suy ngẫm, chiêm nghiệm rất riêng tư. Chính vậy những người viết nghiệp dư thường lâu cho tác phẩm hơn chuyên nghiệp.
Trạng thái "người viết nghiệp dư" là cái cần để thỉnh thoảng viết ra cái gì đó cho người khác xem. Tuy nhiên không dễ đặt mình vào trạng thái đó. Thường ai cũng có lòng tự trọng hoặc hiếu thắng, nên muốn viết ra là chỉ có đúng, không muốn ai chê bai, bình phẩm linh tinh (văn mình). Đây cũng là một trở ngại để thành "người viết". Đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể viết cái chỉ có đúng (nếu phải bộc lộ quan điểm) hoặc là đầy đủ (nếu là mô tả sự việc). Mỗi người có một thế giới riêng chính vì cái sự cảm nhận khách quan đầu vào đã khác nhau chứ chưa nói tới phản ứng có phần chủ quan của mỗi người. Vậy hãy làm theo cách: tôi muốn nói và tôi nói đúng cái tôi có, tôi không ngại mọi người nghĩ về nó thế nào. Người viết là người phải bộc lộ mình trước công chúng và không ngại về điều đó. Lí do để không ngại thì mỗi người phải tự tìm ra.
Cũng cần phải biết định viết cho ai xem, đặc biệt là khi điều viết ra có bộc lộ quan điểm cá nhân. Đặt mình vào vị trí của người đọc, tự nghĩ xem viết như thế có hiểu được không, có tưởng tượng ra không, ...
Kĩ năng viết cũng cần, ai đã từng viết đều biết sự khác nhau giữa văn nói và văn viết. Để cải thiện chỉ có cách viết nhiều và rất quan trọng là luôn có ý thức về thông tin trong mỗi câu văn và tính dễ hiểu của nó.
Rồi khi bạn đã định làm cái việc là phản ánh cái gì đó qua cảm nhận của bản thân cho một đối tượng nào đó thì các thứ cần thiết khác chỉ còn là công cụ hỗ trợ (máy ghi âm, máy ảnh, ...). Chúng giúp làm cho bài viết phong phú hơn, chính xác hơn, nhiều tư liệu hơn, ...
Hi vọng là bài này có thể động viên những ai thích thỉnh thoảng chia sẻ cảm xúc cuộc sống sẽ cố gắng thêm một chút, hi sinh thêm một chút, đòi hỏi thêm một chút, để có thể thực sự chia sẻ những điều mà mình muốn.
Thứ Năm, tháng 1 11, 2007
Viết "phóng sự" như thế nào
Gửi bởi Hữu Thành Ng lúc Thứ Năm, tháng 1 11, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét