Thứ Hai, tháng 1 08, 2007

Bẩy ngày Nam du. 3: Côn Đảo (sửa: 22h30, 12/1)

(Bấm vào ảnh để xem kích thước lớn)
Tôi muốn được đến thăm quan Côn Đảo từ lâu, vì lí do lịch sử cách mạng, lịch sử gia đình và bây giờ thì còn là một địa danh du lịch. Chuẩn bị cho chuyến đi này tôi đã tải về bản đồ 1:50.000 năm 1969 của chính quyền SG.

Nhờ vậy bây giờ tôi mới biết hình thể Côn Đảo không phải là một hòn đảo tròn. Nó là một quần thể (đâu như) 16 hòn, trong đó hòn lớn nhất là Côn Đảo có hình dáng như một con chó nhìn ngang. Côn Đảo là đảo núi đá có độ dốc cao. Đỉnh núi cao nhất là đỉnh Thánh Giá 577m ở vào khoảng "đùi sau", còn đỉnh núi Chúa 509m thì ở vào khoảng vai của "chân trước".
Đảo có duy nhất một con đường chạy từ cổ "chó" (sân bay Cỏ Ống mà bản đồ thế kỉ của 18 của Hải quân Pháp còn ghi là ruộng lúa), men theo bờ biển xuống "chân trước" tới thị trấn Côn Đảo ở "bụng chó". Con đường tiếp tục men theo bờ biển chạy xuống "chân sau", vòng đến "sau đùi" thì kết thúc tại Bến Đầm, tất cả khoảng 25km. Thị trấn Côn Đảo ở chính đoạn giữa đường, cách Cỏ Ống và Bến Đầm đều khoảng 12-13km. Thị trấn có đường bao quanh và một vài con đường xuyên qua vùng "mỡ bụng". Bản đồ 1969 thể hiện Côn Đảo có một sân bay và một cầu tầu.

Cầu tầu ngay tại thị trấn được thể hiện trên bản đồ 1969 chính là cầu tầu mà những người tù được đưa lên đảo giữa hai hàng cai ngục đánh đòn phủ đầu (Hồi ức Nguyễn Thanh Sơn "Trọn đời theo Bác Hồ", NXB Trẻ, 2005). Bây giờ cầu tầu đó có tên gọi Cầu tầu 914 để kỉ niệm 914 người tù chết trong khi xây dựng tu sửa cầu tầu này trong suốt lịch sử của nó. Cầu tầu này bây giờ không được sử dụng neo đậu tầu thuyền. Thay cho nó là cầu tầu du lịch được xây dựng cách đó quãng 200m.



Ngoài ra để phát triển kinh tế bây giờ Côn Đảo còn có một bến cảng lớn ở Bến Đầm với khả năng đón tầu lớn. Các chuyến tầu khách từ Vũng Tầu ra bây giờ đều cặp cảng Bến Đầm. Từ Bến Đầm con đường còn được mở thêm khoảng hơn 2km nữa cho tới khoảng "chót mông" với đường điện cao thế kéo theo mà chưa dùng cho công trình nào.
Côn Đảo có 3 nghĩa trang có tính lịch sử. Một là nghĩa trang Hàng Keo ở sát bờ biển trước khi vào thị trấn. Nghĩa trang này mang tên loại cây phổ biến ở đây với hàng nghìn ngôi mộ (theo bảo tàng) nhưng khi bỏ không dùng từ thời Pháp thì chúng đã ủi trắng xuống biển và bây giờ ở đây cũng không còn cây keo mà thay bằng cây phi lao (dương).
Nghĩa trang thứ hai là Hàng Dương, ở phía trong, gần với núi. Là nơi chôn tù chết cho tới ngày cuối cùng các nhà tù ở Côn Đảo còn được sử dụng, cả tù chính trị (chiếm tỉ lệ lớn hơn nhiều) và tù thường. Theo tính toán của bảo tàng thì suốt lịch sử làm nhà tù, Côn Đảo có khoảng 200 nghìn tù nhân, chết trên đảo khoảng 20 nghìn và số mộ hiện có ở Hàng Dương là gần 2 nghìn với trên 70% là tù chính trị. Như vậy ngoài những người chết trên biển (vì vượt ngục, ...), đâu đó lẫn trong đất cát của Hàng Dương còn nhiều hài cốt của người tù, nhiều bộ chắc đã thực sự trở thành cát bụi.
Nghĩa trang thứ ba là nghĩa trang Pháp, ở gần thị trấn trên đường đi ra Hàng Dương, xây cổng rào năm 1921, dành cho giám thị nước ngoài. Nghĩa trang này hiện nay thường xuyên đóng cửa, cây cối rậm rạp. Không rõ người cuối cùng được chôn cất ở đây là vào năm nào. Nhìn vào có cảm giác thân nhân của những người nằm đây có khi cũng đã quên lãng phần mộ của họ rồi, vì thời gian và cách trở.

Tôi đến Hàng Dương lúc chiều muộn sau khi đã thăm nhà trưng bày di tích và loanh quanh nhận diện thị trấn-nhà tù rồi phát hiện rằng có thể đi bộ tới đó, sau khi bị một trận mưa nhỏ cầm chân. Sau nhà lễ và cổng trang nghiêm là một đài tưởng niệm với tượng đài bằng đá hoa cương ở đằng trước và một cây nhang tượng trưng cũng bằng đá ở sau.

Không thể thắp cho mỗi ngôi mộ một nén hương, tôi đốt cả bó và cắm lên lư hương chung ở đài tưởng niệm. Trong lòng thầm nghĩ đây là hương kính viếng của mình và những người bạn tới các vị đã hi sinh cho nước.

Thắp hương xong đi vòng ra bên cạnh tôi mới biết có lối đi xuống. Hoá ra sau sân trên còn có sân dưới. "Cây nhang đá", theo cách gọi của tôi, được đặt ở trung tâm của sân dưới. Trước đó lại có một lư hương và trên mặt đá sàn sân có những lỗ để cắm lọng che nắng dùng khi hành lễ. Quanh sân dưới là hành lang với những bức phù điêu đá mô tả quá trình hình thành ngục tù Côn Đảo cho tới ngày Giải phóng. Khi xuống sân dưới người ta đối diện hoàn toàn với cảm giác tâm linh.
Theo lời người hướng dẫn của bảo tàng, cậu Nhân người Tiền Giang mới ra công tác khoảng 2 năm, thì đài tưởng niệm này được xây theo "số đẹp" ở tất cả chi tiết: 144 khối đá chạm khắc, chân đế kích thước 216cm, đỉnh 126cm, ... Có lẽ các kích thước khác của không gian này cũng đã được lựa chọn kĩ.

Rời đài tưởng niệm tôi đến một ngôi mộ mà khi đi vào đã để ý thấy được xây đẹp phía bên trái. Hôm sau được cậu hướng dẫn nói cho biết ở nghĩa trang Hàng Dương có 3 mộ xây đẹp là của Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong và Võ Thị Sáu. Ngôi mộ mà tôi đến là của Võ Thị Sáu.
Vừa tới mộ được một lát thì có mấy người phụ nữ đến thắp hương. Hoá ra họ là dân Nghệ An vào làm ăn, ngày rằm đến thắp hương Võ Thị Sáu. Lời đồn về sự linh thiêng của chị Sáu biểu hiện thành nhiều câu chuyện kể và lòng sùng kính của mọi người.
Trên mộ có một bia chính thức ghi ngày hi sinh 23/1/1952. Hai tấm bia cũ đặt dưới đất đều ghi ngày 23/12/1952. Một tấm rất sơ sài, thô mộc là của các tù chính trị lập, còn lại. Tấm kia do chúa đảo Tăng Tư lập năm 1964. Tăng Tư là người Hoa, khi ra nhậm chức tại đảo có mang vợ theo. Bà vợ Tăng Tư ra đảo thì đêm thường bị ám ảnh bởi một người phụ nữ. Nói ra thì người ta cho hay nên có lễ cúng chị Sáu. Họ làm theo và được toại nguyện. Tăng Tư khi được thăng chức lên tỉnh trưởng Côn Sơn thì có đủ quyền lực để lập bia cho chị Sáu và ông ta đã lập với danh hiệu Liệt nữ Võ Thị Sáu. Tấm bia này có một vết nứt. Chuyện rằng khi trở lại làm chúa đảo năm 1974 Nguyễn Văn Vệ ra oai bằng cách tổ chức đập phá bia mộ của tù cộng sản. Riêng bia mộ Võ Thị Sáu không ai dám. Cuối cùng có một tù thường phạm muốn lãnh thưởng đã làm chuyện này. Nhưng mới đập được một búa thì gã đột nhiên quăng búa bỏ chạy. Sáng hôm sau người ta thấy gã đã chết ngoài bờ biển.
Tôi tìm những người công tác tại nghĩa trang để hỏi về chuyện có hai ngày hi sinh của chị Sáu. Có lẽ vì đây là câu hỏi thường có nên họ cũng trả lời theo cách rất nhuyễn là mời bác lên ban quản lí, chúng tôi chỉ là lao động trông coi thôi. Hôm sau trở lại nhà trưng bày di tích thì được họ cho xem sổ tử còn lưu giữ được. Chị Sáu hi sinh chính xác vào ngày 23/1/1952, nhưng những người tù khi lập bia đã nhầm, dùng ngày dương và tháng âm. Quyển sổ tử còn cho thấy quanh ngày bắn chị Sáu thực dân Pháp còn xử bắn nhiều tù nhân khác.
Ngày thứ hai trên đảo tôi đi thăm các nhà tù. Mùa du lịch Côn Đảo trong 6 tháng biển lặng, từ tháng 3 tới hết tháng 7. Du khách trong những tháng này tới Côn Đảo rất đông, bằng cả đường biển và đường không, các nhà nghỉ khách sạn chật cứng. Ngay nhà khách huyện đội, nơi tôi ở hai đêm, cũng sẵn sàng quá tải. Khách phải chịu ở chật, trải chiếu xuống sàn, còn hơn là không có chỗ nghỉ.












Một hướng dẫn, cậu Nhân, dẫn một du khách là tôi đi mấy nhà giam mà sau Hiệp định Paris năm 1973 chính quyền SG đổi hết thành các trung tâm cải huấn với tên gọi bắt đầu bằng Phú, Phú Hải, Phú Sơn, ... Mỗi trung tâm lại có các trại cũng Phú gì đó. Thực chất chúng vẫn là các banh thời Pháp và các Trại thời Mĩ. Công nghệ nhốt tù đặc sắc dùng suốt thời kì từ Pháp tới Mĩ là hệ thống khoá còng chân. Một cái còng chân được xỏ vào một thanh sắt lớn phía chân chỗ nằm của người tù, một đầu thanh sắt đó lại được xỏ theo chiều vuông góc bằng một thanh sắt lớn thò ra ngoài tường. Đầu thanh sắt đó được khoá ở bên ngoài, trong một cái hộp có cửa và khoá cửa. Như vậy để một người ra khỏi phòng giam khi bị còng cần 4 khoá, 2 khoá mở còng và 2 khoá mở cửa.
Một số địa điểm có tiếng trong các truyện về Côn Đảo như Hầm Xay Lúa, xà lim tại đó Lê Hồng Phong từ trần, khu tù nhân đập đá, chuồng cọp Pháp, ... đều được đến thăm. Chúng loanh quanh gần nhau cả. Một số di tích khác như cầu Ma Thiên Lãnh, Chuồng bò, chuồng cọp Mĩ, và một số "sở" (tên gọi các điểm lao công ngoài trại) ... chưa đến được.













Nhưng có những khung cảnh dường như không có trong danh mục di tích lại làm tôi bâng khuâng. Như dãy cây bàng cội trên đường cạnh nhà chúa đảo (nay là đường Lê Duẩn). Nhìn nó, không biết đã được bao nhiêu năm, không biết ngày xưa cha tôi có từng nhìn nó? Cậu Nhân nói theo lời một người cựu tù nay công tác tại nhà trưng bày thì trên chính con đường này ngày xưa có đường ray xe goòng để tù nhân chuyển đá ra kè bờ biển và dựng cầu tầu. Vì thế, theo ông, con đường này có phần gồ lên hơn những con đường khác.
Bên tay phải của con đường này, ngay trước mắt kia, là Sở Cò (mật thám), nơi giam chị Võ Thị Sáu một đêm duy nhất trên đảo trước ngày chúng bắn chị. Ngôi nhà ấy hiện nay chưa thu hồi được để làm di tích, nhưng kế hoạch thì đã có.
Tôi lang thang một mình trên mấy con phố ngắn của thị trấn Côn Đảo "bé bằng bàn tay" hàng giờ. Có những chỗ đã đi qua rồi đi lại, nhìn và cảm. Dãy hàng rào kiểu Pháp quanh mấy ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Văn Cừ ngày nay, hay bức tường đá sau lưng Trại Phú Sơn, Phú Hải trên đường Nguyễn Huệ bây giờ hẳn đã từng là khung cảnh trong mắt những người tù khổ sai ngày ấy. Trong lúc đi qua cổng doanh trại quân đội trên đường Nguyễn Văn Cừ, từ xa tôi thấy một người đàn ông đứng ở hàng rào bên kia đường đang nhìn vào sau lưng một trong số mấy ngôi biệt thự giống nhau mặt quay ra biển (đường Tôn Đức Thắng). Những ngôi biệt thự ấy bây giờ là Saigon Condao Resort của SaigonTourist. Tôi đi qua cổng cũng là lúc người đàn ông đó đã qua đường, tới bên cậu lính gác cổng trẻ măng và nói rất lễ phép "xin phép cho tôi đứng coi lại cảnh xưa chút". Câu nói làm cho tôi giật mình, đi qua mấy bước quay lại nhìn. "Ngày xưa tôi ở bên kia", người đàn ông nói và khoát tay chỉ vào một ngôi biệt thự. Ông ta có lẽ chỉ trên 40, cái tuổi vào năm 1975 mới chuẩn bị trưởng thành. Ngay lập tức có cảm giác rằng mình sẽ hỏi chuyện người đàn ông này, sẽ chụp ảnh ông ta. Nhưng tôi vẫn bước đi, để ông ta lại sau lưng, không thể "vồ" lấy "con mồi" của ý muốn lục tìm quá khứ.
Lại cậu Nhân nói với tôi rằng cái nhà ở góc đường đó là trường Tây, dành cho con cái của các giám thị. Còn nhà ở quay mặt ra biển là của giám thị người Âu, giám thị người Việt ở khu khác quay vào trong. Như vậy câu nói của người đàn ông "ở bên kia" là "ở" hay "học ở" mà tôi nghe không rõ.
Người đàn ông này tôi còn gặp lại ít nhất là một lần, mà hình như là hơn, trong cái thị trấn nhỏ tẹo này, trong thời gian ngắn ngủi 3 ngày. Lần đó tôi và ông ta đi ngược chiều nhau vào buổi trưa ngày cuối cùng trên đảo. Ông ta đã thay áo khác, tôi cũng vậy, nhưng qua được mươi mét tôi quay lại nhìn thì thấy ông ta cũng làm như vậy, quay lại nhìn tôi. Rồi ai đi đường nấy. Trong tôi vẫn nguyên một cảm giác muốn lục tìm ở con người này những điều muốn biết.
Sau khi thăm các Trại giam tôi thuê xe máy chạy hết con đường đi Bến Đầm. Ngay gần thị trấn là Sở Muối. Tấm biển không cho biết ở đây có phải là nơi tù nhân phải làm muối hay không. Chỉ còn lại một ngôi nhà tường đá mất nóc. Trên đường có một tấm bia kỉ niệm nơi tiến hành cuộc võ trang vượt ngục của 198 tù binh lao công khổ sai làm đường cuối năm 1952. Người ta nói trong số tù binh tại đây có những người vốn là công nhân lò than vùng Quảng Ninh hiện nay. Vì vậy trong lúc làm đường họ đã đào hầm vào núi theo kĩ thuật hầm lò. Tại đó họ bí mật đóng hai chiếc thuyền sử dụng cho vượt ngục. Cuộc khởi nghĩa thành công nhưng chuyến vượt ngục không thành. Một thuyền bị vỡ, 81 người tình nguyện nhảy xuống biển và hi sinh. 117 người còn lại trên chiếc thuyền kia bị bắt lại. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang duy nhất trong suốt lịch sử của đảo.
Bến Đầm là một cảng lớn của đảo. Tại đó có cầu cảng, bồn chứa nhiên liệu, các nhà máy sản xuất đá lạnh phục vụ tầu đánh cá và các cơ sở hậu cần khác. Quá cảng khoảng 2km con đường kết thúc, không biết bao giờ được mở tiếp.
Tôi có ý định lên đỉnh Thánh Giá, cao nhất đảo. Đường lên không khó, thậm chí xe máy khoẻ có thể lên được, nhưng không kiếm được xe như vậy. Với lại đi chân an toàn hơn, cũng có nghĩa không đi được vì không đủ thời gian. Vì vậy buổi sáng cuối cùng ở đảo, tôi dành cho chuyến đi Sở Rẫy.













Chuyến đi mất khoảng 3 giờ 30 phút đi bộ từ trung tâm thị trấn. Sở Rẫy ở độ cao 228m (theo máy thu định vị vệ tinh GPS), trước 1945 là nơi tù khổ sai trồng hoa màu phục vụ bộ máy cai trị trên đảo. Sau 1945 không thấy nói gì. Từ 2002 Vườn Quốc gia trồng các loài cây đặc hữu quý hiếm tại 20ha ở đây cùng với một số cây ăn quả làm thức ăn cho thú rừng để bảo vệ nguồn gien. Đường lên Sở Rẫy vẫn còn là đường mòn tự nhiên luồn dưới tán cây rừng. Một tấm ảnh từ trên chòi ở Sở Rẫy nhìn xuống thị trấn Côn Đảo. Chính bộ dạng này mà buổi chiều hôm đó tôi được anh em hát tặng "ôi, sư ông ..."
Theo lời Lê Anh Dũng (k1) năm 1996 con đường ô tô duy nhất ven đảo còn đi trong tán cây rừng, khỉ chạy từng đàn qua đường. Thậm chí hướng đi Bến Đầm khi đó xe tải còn khó đi lọt nếu không mang theo dao chặt cây rừng. Nếu thế thật thì chỉ có 10 năm mà rừng Côn Đảo đã biến mất nhiều, con đường từ đầu đến cuối hoàn toàn không một bóng cây.
Buổi cuối cùng tôi thuê xe ôm chở đi sân bay Cỏ Ống để tranh thủ tham quan thêm. Dự án Evason Hideway của Công ty Côn Đảo Resort bắt đầu được tiến hành ở Bãi Đất Dốc, cách thị trấn khoảng vài ba cây số. Evason Hideway là một thương hiệu đã thành công ở Nha Trang và đang xuất hiện ở một số nơi khác, trong đó có Côn Đảo.
Ngay sát sân bay là đền thờ Hoàng tử Cải, con trai của Chúa Nguyễn Ánh với thứ phi Phi Yến. Bà Phi Yến được Nguyễn Ánh đưa theo ra đảo, rồi bị giam vì khuyên can Nguyễn Ánh đừng "cõng rắn". Khi quân Tây Sơn ra Côn Đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy. Hoàng tử Cải mới 2 tuổi khóc đòi mẹ, Nguyễn Ánh đã thả xuống biển, chết.












Sân bay Cỏ Ống gác ngang một khúc đảo theo hướng Đông Nam-Tây Bắc hai đầu là hai bãi biển. Bãi biển phía Tây Bắc có tên gọi Đầm Trầu, được coi là bãi biển đẹp nhất của Côn Đảo. Tuy nhiên bãi biển này mới được "dỡ rào quân sự" trước khi tôi tới một tuần và việc khai thác du lịch nó có thể xung đột với sân bay vì đường băng bắt đầu ở ngay mép nước. Khi máy bay vừa lên khỏi đường băng tôi có dịp quan sát bãi biển Đông Nam, cũng đẹp với bờ cát thoải và làn nước trong xanh bên vách núi dựng đứng.
Khi nãy trong phòng chờ lên máy bay, tôi lại gặp người đàn ông của quá khứ. Bây giờ ông ta đi với một bà già nhỏ người tóc bạc phúc hậu, một vài người lớn cùng lứa và những đứa cháu hồn nhiên. Họ cầm những quyển hộ chiếu mầu xanh. Lát nữa chúng tôi sẽ cùng bay một chuyến về Tp HCM, và từ bây giờ chúng tôi không nhìn nhau nữa. Không hiểu trong lòng ông ta tôi là người thế nào. Chắc chắn ông ta biết tôi không phải một trong số họ, Côn Đảo nhỏ lắm. Nhưng chưa chắc ông ta biết tôi muốn tìm quá khứ ở đây như một phần lịch sử của mình. Cuối cùng thì tôi biết những thứ tôi tìm không nằm trong con người ấy. Và cũng không có gì tiếc khi không nói chuyện cùng, không chụp được ảnh ông ta như một nguồn tư liệu.














Máy bay vòng ngược lại theo hướng Tây Bắc để trở về sân bay Tân Sơn Nhất, tấm ảnh cuối cùng là hình thể Côn Đảo mờ trong khí xả của động cơ máy bay. Nói theo cách của người hướng dẫn tham quan "du khách ra về không hẹn ngày trở lại". Biết đâu đấy, khi Côn Đảo không chỉ là chứng tích đấu tranh thì nó lại trở thành điểm đến hấp dẫn. Bằng chứng là ngay từ bây giờ giá đất ở đây đã cao hơn Vũng Tàu.

2 nhận xét:

Thắng k5 nói...

Bài này bây giờ tôi mới được xem, lạc hậu quá.
Chuyến đi rất có kết quả với phóng sự này, ông bạn quả là có duyên với "Địa ngục trần gian".
So với những sự tích mà anh QcV kể thì hai người đều nói đúng như nhau, rất chân thực.
Cám ơn HT!

Viên Thạch nói...

Cháu sẽ góp nhặt những cảm xúc này để nếu như một ngày nào đó đến Côn Đảo, cháu sẽ xem mình có cảm xúc gì khác nữa không ?