Thứ Bảy, tháng 1 16, 2016

Tây Nguyên

Tôi sắp đi Tây Nguyên lần thứ ba trong vòng 6 tháng nay, đọc được bài này của nhà văn Văn Công Hùng, thấy dù có đi thêm 3 lần nữa trong 6 tháng nữa thì cũng vậy thôi chả thấy được gì.
Chữ nó quý thế đấy.
"...Trước hết nhân đây phải khẳng định thêm một lần nữa, rằng là không có cái gọi là “lễ hội đâm trâu” như lâu nay chúng ta hay gọi. Nó chỉ là một thành tố của một lễ hội, và người Tây Nguyên gọi nôm na là ăn trâu. Họ làm con trâu ấy để cúng thần linh, mời thần linh ăn, để họ tạ ơn thần linh đã giúp cho họ những việc lớn của làng. Những lễ hội mà có ăn trâu rất hiếm và không thường xuyên tổ chức. Để có cái cuộc ăn trâu vào sáng sớm hôm sau ấy, đêm trước đã có một cái lễ khóc trâu. Những người đàn bà thân thuộc với con trâu được chọn để ngày mai làm lễ ấy, tối hôm trước ra chỗ cột trâu và… khóc trâu. Họ khóc rất bài bản, cám ơn con trâu và cũng “giao nhiệm vụ” cho trâu ngày mai thay mặt họ đi gặp thần linh. Họ cho con trâu ăn những ngọn cỏ non nhất mới cắt lúc chiều, mời trâu uống thứ rượu cần chắt từ lần cắm cần đầu tiên...
            Rồi lúc tổ chức “tiễn trâu về với Yang”, theo nhiều người Tây Nguyên kể, không có nhiều người xem như hiện nay, đặc biệt là trẻ con càng không. Toàn các cụ già. Họ tiến hành nghi lễ thiêng liêng với thần linh, con trâu ấy chính là hiện thân của dân làng “tiếp kiến” thần linh.
            Chứ không như hiện nay, người ta phong cho nó thành “lễ hội đâm trâu” rồi xách ông trâu ra cột giữa cái sân đông đặc người, rồi nhảy múa hú hét xung quanh cho con trâu ba hồn chín vía bay tiệt lên trời rồi bất thình lình đâm một nhát, máu me nhoè nhoẹt.
            Vấn đề là, ai, và từ lúc nào, đã làm cho ý nghĩa những sinh hoạt văn hóa, và ý nghĩa tâm linh của những sinh hoạt ấy bị biến tướng đi một cách dữ dội thế...?
            Nguyễn Cường là một nhạc sĩ rất nổi tiếng viết về Tây Nguyên. Nhưng Tây Nguyên nhất quyết không phải như những gì Nguyễn Cường đã viết. Anh đã tạo ra một lớp công chúng của mình bằng cách phả rock vào những ca khúc anh viết về Tây Nguyên, tạo ra một Tây Nguyên máu lửa, hừng hực, man dại và… nông cạn. Trong khi thật sự, Tây Nguyên lại rất trữ tình, sâu sắc và… mềm yếu mong manh nữa. Thì hãy nghe Y Phôn Ksor chẳng hạn, chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Ê Đê này có mấy bài hát để đời như “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Đôi chân trần”… mà xem, ta hoàn toàn không thấy hú hét, không lắc mông lắc ngực, không nhảy tưng tưng, mà nó thủ thỉ tâm tình, nó xa xót đắng đót, nó thâm trầm đến thắc thỏm u uẩn, khiến người nghe như mỏng đi, như dẹt ra trong cái thổn thức nao lòng của giai điệu..."

5 nhận xét:

TK8 nói...

Cảm ơn các nhà XÉT LẠI VĂN HÓA - LỊCH SỬ, k có các bác cháu còn ngu dài dài ạ !
Zô Nam cháu ngạc nhiên thấy dân tôn thờ Nhà Nguyễn, cụ Phan Thanh Giản...ghét quân Tây Sơn hay cướp bóc, trái những gì được học.

Chánh Quyền cứ làm ngược nguyện vọng của Dân mần răng Dân ủng hộ CQ hỉ ?

Unknown nói...

Quả đúng ! Mình thừa nhận sự diễn đạt thành lời của nhà văn dù có cùng nhận thức giống nhau , nhưng đã vượt lên hơn 1 cái đầu so với người ko phải nhà văn . Hồi mới giải phóng , sống và công tác ở Tây nguyên , suốt dọc Dawkto Tân cảnh , Pleyku , Buôn mê thuột xuôi xuống , mình hoàn toàn chỉ cảm nhận được âm hưởng của Tây nguyên là tiếng suối róc rách , tiếng côn trùng nỉ non ... những bước nhịp chân nhẹ nhàng êm dịu theo nhịp cồng chiêng thì thầm của các thiếu nữ ... tiếng đàn T'rưng hay K'rongput khe khẽ ...và cây K'nia tỏa bóng mát ... Bất ngờ lắm khi nghe Nguyễn Cường khám phá ở đâu ra những cung bậc không phải của Tây nguyên để gán cho nó ! Choáng lắm , nhưng cũng bị ngộ nhận là mình ko được như lão ! Rồi nghe Y'Moan , nghe SiuB'lac mãi , cũng thấy được và R'Chămpeng , Măng thị Hội bị lãng quên ! Mà thật tình là mình có nhận thức được sự trái ngược thực tế , nhưng ko có thể lý giải và khả năng diễn đạt trọn ý như nhà văn . Chỉ tự thấy nghe Trần Tiến nỉ non Cây đàn Chapi thích hơn Rock Nguyễn Cường mặc dù Hò biển của lão thật tuyệt , biết mỗi thế thôi , té ra là bây giờ mới được mở mắt ! Cảm ơn nhà văn và cả bạn nhà văn nữa !

TM2 nói...

Bạn mình xem ra còn nghiên cứu sâu về văn hóa văn nghệ. Chúc thượng lộ bình an.

Nặc danh nói...

Thực tế là thực tế. Còn thăng hoa thì ... đấy là việc của các nhà - văn thơ, nhạc sĩ... :-)
Bạn đi Tây nguyên - hẳn vẫn còn rừng, còn núi, còn đồi còn suối - những gì của thiên nhiên dù đã ít nhiều bị "hiện đại " thì vẫn còn đấy. Bởi ký ức vẫn còn nguyên. "Theo bước cha anh " giữa đại ngàn...
Chúc bạn có chuyến đi thú vị.(BXV)

Nặc danh nói...

Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng nhìn thì man rợ, máu me, hội cướp phết ở Phú Thọ xô đẩy trong đám ruộng, bùn trát từ đầu đến chân... Nếu nhìn theo đám bảo vệ động vật hay văn minh hiện đại thì ko nên. Nhưng đấy là vì ko thấy ý nghĩa nguyên thủy, từ xa xưa, như chém lợn khao quân đánh kẻ xấu, rèn thân thể nhanh nhẹn, khỏe mạnh
Phủ nhận những hội này, cũng như đâm trâu thì giống như theo người ngoài mà ko ăn thịt chó nữa. Bản sắc Âu Mỹ hóa cho xong cả