Thứ Tư, tháng 1 27, 2016

Chính trị kinh tế nhân sự đại hội

Nhân thấy chuyện đề cử xin rút của 3X ở đại hội đã gây ra lắm luận bàn của người đời đi một nhẽ, các bạn mình cũng hăng say phán bảo. Kẻ chê người khen, kẻ buồn người vui,...
Kẻ chê thì nói tham nhũng thành nòi, dựng nên nhóm lợi ích thu vén trục lợi, tan hoang đất nước; kẻ khen thì nói điều hành kinh tế vượt khủng hoảng, giải cứu khỏi lạm phát, dũng khí chống ngoại xâm. Xét thấy ít có cái nhìn mà tôi đây cho là thấu đáo.
Tức mình bon chen "khêu gợi" mọi người bằng cái giác ngộ của tôi.

1. Về kinh tế xã hội: lời phát biểu của các "nhà kinh tế" cũng mâu thuẫn nhau trên một căn bản là nhìn nhận nền kinh tế hoạt động một cách bình thường như các nền kinh tế khác. Có vốn, có đầu tư, có các thị trường nhà đất bất động sản, thị trường tài chính, thị trường thương mại dịch vụ, có các thủ đoạn gian lận,... Hoặc có thể nhìn ra cái khác biệt nhưng không ai dám nói? Vì nó lây sang chính trị?
Thực ra nền kinh tế của ta, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ 3X, đã phát triển theo cách khác với các nền kinh tế lành mạnh mà ở đó lấy "làm ra giá trị gia tăng" làm điều sống còn.
Một xã hội "làm ra" thì sẽ phát triển, làm ra theo hướng thúc đẩy xã hội phát triển thì sẽ bán được hàng. Xã hội phát triển sẽ đòi hỏi các "làm ra" khác, liên tục đuổi nhau.
Xã hội ta vận hành (từ nóc) nền kinh tế theo cách "vét cạn". Vét cạn tài nguyên từ hình thức giá trị chung nhất là tiền, từ mục tiêu vét tiền mà người ta sẽ nghĩ ra đủ cách vét các tài nguyên khác: đất đai, vốn công sản, vốn liếng doanh nghiệp, cho tới người dân. Dùng từ "vét cạn" cho gần gũi dễ hiểu, chứ trong lịch sử đã từng có kiểu vận hành kinh tế ấy rồi, là kinh tế thực dân.
Bản chất nguyên thủy mọi nền kinh tế đều là làm ra, không làm ra thì không tồn tại và phát triển. Người sản xuất kinh doanh biến cái khó thành cái dễ để cung ứng nhiều hàng hóa dịch vụ đa dạng tới tận từng người tiêu dùng, người quản lý biến cái khó thành cái dễ để thúc đấy “làm ra” nhiều hơn nữa.
Yếu tố thực dân xâm lược, đã từng có ở VN, là ở quản lý kinh tế xã hội theo chính sách vét cạn của “chính quốc” đã thể hiện trong 100 năm thuộc Pháp. Cuộc vét cạn này với danh nghĩa nhà nước bảo hộ với thuộc địa nên nó không lây lan xuống các cấp quản lý, không nhiễm vào từng người dân. Đã làm việc trong hệ thống hành chính thuộc Pháp là chuyên nghiệp hưởng lương. Ảnh hưởng hành vi vét cạn của thực dân xâm lược tới kinh tế xã hội là làm ngột ngạt từ trí thức thấm nhuần “tự do bình đẳng bác ái” của chính quốc cho tới các doanh nhân và người làm công, không lạ khi họ theo Việt Minh kháng chiến.

2. Về chính trị xã hội: không cần nói về kinh tế làm ra ảnh hưởng thế nào.
Hệ thống quản lý theo kiểu “vét cạn” ở VN có thể gọi là “thực dân nội sinh” hay “thực dân tại chỗ”. Điều nguy hiểm của thực dân nội sinh là nó “của mình”, không có đối tượng ngoại lai. Cộng thêm với áp dụng một một phương thức quản lý nhà nước “giả dân chủ” (đảng quyết quốc hội thông qua) mà bộ máy quản lý từ trung ương xuống tới địa phương không phải là “một nền hành chính chuyên nghiệp”, dễ dàng bị biến thành hệ thống vét cạn từ cao xuống tới cấp hành chính thấp nhất. Không lạ khi người ta phải “chạy” để vào một vị trí lương thấp trong hệ thống này, năng lực “vét” mới là mục tiêu phấn đấu chứ không phải hành vi quản lý.
Lượt đi của thực dân nội sinh là hành vi tạo cơ hội vét từ trên xuống, lượt về là tạo các hành vi vét từ dưới lên, rồi dùng mọi cách để thể chế hóa hoàn tất một quá trình làm một tổ chức chính trị đã từng chống thực dân ngoại xâm nay tha hóa thành một tổ chức chính trị “giả đội ngũ tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” mặt khác lại bị bắt trở thành công cụ che đậy và ăn đòn hộ (dân quyết dân chịu) cho thực dân nội sinh. Không lạ là giới chức hành chính và chính trị “giả đảng” đều là đối tượng chán ngán của những người “làm ra” từ lao động cho tới dân doanh.
Điều nguy hiểm hơn so với thực dân ngoại xâm là thực dân nội sinh không quan tâm tới “làm ra” hơn là “kiếm được” trong cơ cấu hình thành TIỀN trong nền kinh tế. Nguồn để “vét cạn”của thực dân nội sinh cấp cao là tiền từ ngoài vào: vay nợ ưu đãi các loại, đầu tư nước ngoài, trái phiếu chính phủ,… bởi vậy hệ thống chú trọng tới vay nợ, bán trái phiếu chính phủ, thu hút dự án đầu tư ngoại,… với số lượng lớn, giá trị nhiều, áp dụng ưu đãi sát ván,... để xảy ra chuyển giá lớn, chậm/không đóng thuế kéo dài, đầu tư ở vùng nhạy cảm an ninh quốc gia,… đồng thời với không tìm ra tham nhũng, đặc biệt với các tham nhũng xuyên biên giới ngoài biên giới.
Hệ quả dẫn tới hành vi “thực dân nội sinh” bình dân, phình to biên chế, tham nhũng vặt đầu đường xó chợ, hủy hoại đạo đức xã hội.

3. Về chống ngoại xâm: những kẻ đã “ăn” dân và nước đến thảm trạng như hiện nay mới có chống ngoại xâm bằng mồm hoàn toàn có thể sẽ theo ngoại xâm hoặc cao chạy xa bay; họ không gắn số phận họ với dân với nước. Với suy nghĩ ấy, sau mấy chục năm, mới một lần nữa nhận thức rằng những trí thức nhân sĩ tư sản dân tộc và địa chủ kháng chiến đã thực sự gắn bó số phận với dân để từ đó tham gia kháng chiến chống thực dân xâm lược dù có gian khổ tù đày và hi sinh tính mạng.

4. Về đại hội: một đất nước mang hình hài của “dân chủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa” mà thực chất đang phải chịu ách thực dân nội sinh là điều bất bình thường. Đại hội, dù dẫn dắt bằng thế lực bảo thủ giáo điều, đã làm được một việc là chặn được đà tiến của thực dân, không để chúng tiến xa hơn “vét cạn” hơn mà lần vét này đã có thể động chạm tới ngưỡng của chủ quyền dân tộc. Làm được điều này, nếu có bất bình thường, cũng là xứng đáng.
Tuy nhiên, liệu rằng đại hội có phải là chống “thực dân nội sinh” hay không, sau đại hội có định đưa đất nước trở lại với “dân chủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa” hay vẫn dùng làm “giả thể chế” để mị dân tiếp tục trượt theo "vét cạn", còn là một câu hỏi chỉ có thể chờ đợi liệu có chăng một quá trình tẩy rửa có tính “kháng chiến gian khổ”.

10 nhận xét:

Nặc danh nói...

Về đại hội: một đất nước mang hình hài của “dân chủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa” mà thực chất đang phải chịu ách thực dân nội sinh là điều bất bình thường. Đại hội, dù dẫn dắt bằng thế lực bảo thủ giáo điều, đã làm được một việc là chặn được đà tiến của thực dân, không để chúng tiến xa hơn “vét cạn” hơn mà lần vét này đã có thể động chạm tới ngưỡng của chủ quyền dân tộc. Làm được điều này, nếu có bất bình thường, cũng là xứng đáng.

Chuẩn không cần chỉnh ạ.

Nặc danh nói...

Cảm ơn tác giả bài viết vì những nhận thức rất tỉnh và phân tích rất cặn kẽ ! Tác dụng trước mắt là giúp cho tôi có thêm 1 số khái niệm mới về kính thưa các loại thực dân cũ , mới và rất mới ; tôi thấy rất có ích . Còn về lâu về dài có hại gì ko thì chưa biêt vì tôi đứng về phe những người mừng , nhưng còn chưa hết cỡ vì vẫn còn đồng chí đặc biệt kiên cường bám trụ ?

HữuThành.Nguyễn nói...

Một cái đại hội chưa giải thoát triết lý tồn tại của chính mình thì lấy gì mà hết cỡ được.

Q.MF nói...

Muội nghe thật đã lỗ nhĩ vì thấy tình hình không hiểu chi hết!

HCQuang nói...

Bài hay, rất ngắn gọn, không thể bớt thêm được nữa (chứ không phải không thêm được nữa).

TM nói...

Lâu rồi, Trỗi mới có, một bài "chính sự" thú vị kiểu này. Bài viết coi bộ đã đi vào "cốt lõi" và "giá trị cốt lõi" của thực trạng vấn nạn.
Vẫn lối viết truyền thống, từ "hiện trạng" tìm tới "nguyên nhân", độc giả như nhìn thấy "giải pháp" đầy cam go phía trước. AE ta đâu lạ gì với những "chuyện" hiện thời? Nhưng để "hệ thống lại", "nâng quan điểm"...lại cần đến người có dũng khí, có tấm lòng và trình độ lý luận...
Hay,thẳng thắn, tâm huyết và...."khêu gợi" đó là cảm tưởng của tôi dành cho đ/c mình!

Nặc danh nói...

Thôi ! thôi ! xin đừng tâng bốc tớ . Hai lỗ mũi phồng to quá , sắp nổ bung mất rồi ! Thanh củi ve ri mục các bạn ! Thật ra tớ cũng thường như các bạn thôi !

HữuThành.Nguyễn nói...

Có phải cảm nhận về ách thực dân? Mượn lời Fb Nguyễn Tuấn

HữuThành.Nguyễn nói...

Tưởng không có gì để nói thêm, nhưng...
Nhưng, với tất cả sự ồn ào sau "sự ra đi vinh quang của 3X", cần phải thêm một nhận xét rằng sự ồn ào ấy chỉ là tiếp nối của những ồn ào trước đấy đã tung hô 3X và vùi dập các phần còn lại của thế giới :-).
Kết luận?
Rằng có tiền thì có thể làm rất nhiều thứ, kể cả truyền thông đại chúng, bất kể kết quả là như thế nào mà giờ đã có.

Nặc danh nói...

Bài viết hay súc tích.
HQK