Thứ Ba, tháng 11 04, 2014

3 năm mới thăm lại chùa Đồng

Chủ Nhật, sau mấy ngày hồi hộp với thời tiết, lo mưa, nhóm nhỏ nhà tôi làm chuyến leo Yên Tử. Dự báo của nhà đài là không mưa, cuối ngày chuyển gió mùa đông bắc. Sơ đồ chuyến đi của tôi hình số 8 bao gồm hai chặng thẳng là đi cáp treo chiều xuống còn các đoạn khác là lội bộ.
Thống kê về chuyến đi như ảnh chụp màn hình, mọi thứ máy đo có bao giờ sai. Duy chỉ có máy nó không có trạng thái "leo núi" nên phải khai là "đi bộ", nên cái chỉ số tiêu tốn calo có hơn 500 rất không hợp lý với độ dốc lên hoặc xuống đều cỡ 70% và độ cao gần nghìn mét.
Chả là cậu em lính Anh Trang dập dòm với tôi chuyến leo Phan Xi Păng vào tháng 11 này; ấy là chuyện đầu tháng 10 khi hai thằng còn đang chém gió trên Lao Cai. Sợ hắn là tay te-nit có hạng của BTL TTG đến giờ vẫn lù lù như một chiếc xe tăng "ủi sập chà nát", tôi phải xem lại sức mình liệu có theo được không. Vậy mới ra chuyện đi cùng mọi người nhưng tôi độc hành leo bộ lên chùa Đồng (Yên Tử) hôm qua. Mấy năm rồi không leo, nhất là sau vụ ngã xe đạp đầu năm chống gối xuống đường, hậu quả vừa sẹo vừa kém một bên chân.
Ba năm chưa đi lại Yên Tử, có nhiều đổi thay mà lớn nhất là tượng đồng nguyên khối của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã hoàn thành năm ngoái. Công trường vẫn ngổn ngang nhưng "quảng trường" trước tượng đã cơ bản hoàn thành, gần như không còn lối đi tự nhiên dưới bệ để lên chùa Đồng.
Đường lên cũng được làm mới sang phía bên phải sườn núi, gần ga cáp treo, thoáng đãng phẳng phiu có nhiều thùng đựng rác và những tấm biển "khu linh thiêng, cấm đi vệ sinh, -> wc cách x00m". Tuy nhiên nếu mùa hội thì con đường này cũng chỉ nên đi một chiều, người ta sẽ tự dùng lại lối cũ thiên nhiên hơn, phía trái của sườn núi cũng là đỉnh vực sâu.
Gần sát chùa Đồng là lối đi len lỏi trong những tảng đá lớn. Lưu ý lại điều tôi đã có dịp nói trước đây, rằng cấu trúc đá trên đỉnh chùa Yên Tử giống như đá trên đỉnh Ba Vì nơi có đền thờ thần Tản Viên. Là loại đá kết những hòn sỏi nhỏ giống loại sỏi thường thấy ven bờ suối. Có một cách giải thích đá núi Ba Vì là do Sơn Tinh dựng núi lên chống nước dâng của Thuỷ Tinh nên chúng kết lại từ sỏi trong nước. Thì núi Yên Tử cũng thế. Khoa học thì người ta giải thích rằng núi lửa phun những "giọt" mac-ma nóng lên trời, khi rơi xuống đã nguội thành viên nhỏ và chúng được kết lại với nhau trong các thành phần khác thành "đá". Đằng trước kia đã thấy một góc mái và một góc khánh đồng.
Khu vực chùa Đồng cũng đã được giải phóng khỏi các công trình phụ trợ, thoáng đãng hơn, nổi bật hơn. Các giá treo chuông và khánh năm 2011 vẫn bằng gỗ thì nay đã phải thay bằng sắt lấy từ khung công tác đúc tượng Phật Hoàng. Mà các khung sắt này, theo người ở BQL nói, cũng là phương án tạm. Sẽ phải thay bằng khung bê tông cốt thép tạo hình giả gỗ, mới chịu được thời tiết khắc nghiệt ở đỉnh núi này.
Theo lối cũ ta về, đi trên những hòn đá tự nhiên đã được kết nối bằng đá giả có dính những viên sỏi. Nhớ chuyến đầu tới chùa Đồng sau một đêm ngủ trọ "xếp cá hộp không giới tính" trên lưng chừng núi đoạn cuối phải leo qua những tảng đá mà lọt chân xuống khe rất dễ gãy hoặc thương tổn khác. Có điều người ta nói rất hãn hữu, hầu như không có ai bị, đất Phật thành tâm là lành.
Từ trên cáp treo nhìn khuôn viên quanh chùa Hoa Yên đã bị phá tanh banh khu dịch vụ mà dân chúng dựng lên, có lẽ theo cơ chế thầu đất lâu dài của vài chục năm trước. Hi vọng là khu dịch vụ này có được làm lại cũng theo một quy hoạch và kiến trúc tử tế hơn để chùa không còn "nổi bật" trên nền nhà dịch vụ mái tôn như cũ.
Chùa Vân Tiêu với vườn tháp mộ ở một mom núi nhỏ dốc dựng cả trước lẫn sau là món quà dành riêng cho những người leo bộ. Không có lối đi nào dễ dàng tới chùa này trừ khi ngắm từ trên cáp treo.
"Hậu quả" chuyến đi đối với chân cẳng là không đáng kể. Hôm qua, hôm nay vẫn đạp xe hoạt động bình thường. Xem ra có thể leo Phan Xi Păng được. Khổ tác-giả trên đường xuống nhìn lại. Trông sành điệu chưa; áo mưa giấy mặc ngoài chắn gió cho áo trong đẫm mồ hôi. Người ta nói là giữ nhiệt, không mặc nó chắc cảm nặng. Gió to lắm, mây bay ào ào trong clip dưới đây, bấm vào mà xem (quay bằng điện thoại Tầu).

8 nhận xét:

TK8 nói...

Lần nớ bác chơi Yên Tử để test lòng mề phèo phổi. Lần ni bác test cặp càng - sau vụ đạp xe bằng đầu gối nếu bác tàn phế "càng nhỏ càng to như con cua" thì vẫn chơi Phan Xi Păng tốt, bác "leo" bằng xế nỏ bằng càng mô.

HữuThành.Nguyễn nói...

Tháng 5/2015 hoàn thành cáp treo Phan Xi Păng, vậy mới phải "nước rút" đi trước khi nó treo :-)

Unknown nói...

Già rồi còn ham nghịch dại ! Ở phố đi đâu còn kêu tacxi , huống hồ leo núi mà có phải núi Nùng đâu , lỡ mà trượt té lại tốn mấy chai , thuê người bản địa khiêng xuống , có phải tội không ? Chẳng biết khi nào lính Trỗi mới thôi nghịch dại ? Mong sao , để bảo toàn lực lượng , anh em , bà con mình nên sớm đổi mới tư duy cho phù hợp với thời đại và tuổi tác , nhất là các quan chức như trong bán giời như TQ . Ai can diu , ai xin diu !

Nặc danh nói...

Chúc các bác dẻo chân, dai sức - đền nào cũng tới, núi nào cũng qua - nhé

TK8 nói...

3 năm thăm lại chùa Đồng
Càng thì lẻo khoẻo mà mông tê rần
Người ta "chân cứng đá mềm"
Còn mình "chân dẻo" thì mần cái chi

HữuThành.Nguyễn nói...

"Khua to đánh khẽ" chả biết có leo, mà nhiều khả năng là không :-)

Unknown nói...

Thế thì phúc nhà Trỗi còn to lắm ! Trong 10 điều Lễ có điều thứ 8 là "Hữu - Thỉnh" có nghĩa là bạn hữu thì phải biết thỉnh cầu và lắng nghe nhau . Cho rằng như vậy là tốt ! Bảo trọng ngọc thể là đáng quý vì tuổi bọn mình 63 hơi nhiều hiểm họa . Chờ sang tuổi khác rồi hãy xem có liều được hay không ? Bạn già nhé !

Nặc danh nói...

@ TK8
Hì, em lỡ nhầm - phạm huý - là dẻo gân, dai sức ạ