Thứ Năm, tháng 11 22, 2012

Bánh Cáy Thái bình đê!


Bánh cáy - đặc sản Thái Bình.

Mấy anh chị em hay nhậu Vườn Treo, có hôm không nhớ ai mang Bánh Cáy ra đãi. Nhân dịp này tranh luận Bánh Cáy làm từ cái gì. Tôi thì nhớ nghe được ở đâu đó, lâu rồi, rằng bánh cáy ngày xưa có cả thành phần trứng cáy trong đó, bèn nói với mọi người rằng Bánh Cáy ngày xưa được làm từ gạo nếp và có trứng cáy, thế là bị phản đối kịch liệt, không có dẫn chứng nên không dám cãi. Hôm nay moi ra được mấy bài viết về Bánh cáy bèn đưa lên đây mời mọi người đọc, để biết thêm về một loại đặc sản của vùng quê Thái Bình.
*
Con cáy sống ở dọc bờ biển, nhỏ hơn con cua đồng, chạy rất nhanh vùi sâu vào cát mỗi khi có tiếng động.Đến mùa đẻ trứng hầu như con nào cũng mang đầy gạch. Đó là những bộng trứng chắc, vàng, béo ngậy. Người ta bắt cáy và hấp lên lấy trứng để làm bánh.
Trứng cáy là nguyên liệu chính để làm nên bánh cáy. Vào khoảng cuối xuân sang hè, cáy bắt đầu mang trứng. Những đêm trăng sáng chúng kéo đi từng bầy như ba khía vào "hội". Người ta dùng lưới giăng để bắt. Trứng cáy được lấy ra sấy khô có màu vàng cam, mùi thơm gợi sự béo bùi.
Gạo nếp cái hoa vàng được đem rang lên vừa chín tới thì đổ ra. Thắng nước đường vừa đủ độ kẹo thì cho hỗn hợp gạo rang cùng với ít gừng non xắt mỏng, đậu phộng rồi trộn đều. Sau cùng mới cho trứng cáy vào đảo đều rồi đưa ra đổ vào khuôn, rắc lên phía trên một lớp mỏng mè rang vàng rồi cán, tùy theo kích thước to, nhỏ, dày, mỏng. Sau cùng rắc lên một lớp bột nếp khô để chống dính. Xem tiếp

Bánh sau khi nguội được đóng gói, hoặc xếp vào cong sành, đậy kín bằng lá chuối khô để dành ăn dần như “chè lam”. Cũng có nơi thay gạo nếp rang bằng cốm non để tăng thêm độ dẻo và thơm. Ngày Tết hầu như gia đình nào cũng có món bánh cáy đem ra tiếp khách. Cắn một miếng bánh cáy vào buổi trời se lạnh rồi chiêu một ngụm nước chè xanh thì thấy trong người khoan khoái vô cùng.
Nó hội đủ mùi vị: có vị ngọt thanh của đường mía, vị cay nhẹ của gừng tạo sự ấm nóng, vị béo bùi của trứng cáy, mè, đậu phộng (lạc), vị giòn tan hay deo dẻo của gạo nếp rang và cốm non. Uống nước rồi mà cái hơi ấm nồng nàn, ngòn ngọt cứ còn đọng mãi nơi cổ họng ta.
Bánh cáy đã có từ lâu đời. Nhiều nơi ở vùng biển phía Bắc làm bánh cáy, nhưng không ngon bằng bánh cáy Thái Bình. Có lẽ do điều kiện thổ nhưỡng, môi trường nên loài cáy ở Thái Bình cho loại trứng rất chắc và ngon. Gạo nếp cái hoa vàng ở Thái Bình cũng khá nổi tiếng dẻo và thơm. Bánh cáy Thái Bình đã được đem xuất khẩu, và có mặt ở nhiều nhà hàng, siêu thị trong nước.Việt báo

Đọc bài này trên báo Lao động lại nêu một sự tích bánh cáy khác, nhưng có vẻ sự tích bà lão nằm mơ con cáy đến khóc lại hơi lạ, nếu không muốn nói là buồn cười ! 

Bánh cáy Thái Bình, hấp dẫn thực khách ban đầu cũng bởi cái tên. Loại bánh tưởng chừng quà của biển, ăn vào lại thấy gạo nếp, lạc vừng, mứt bí, cơm dừa… những mùi vị của thênh thang đồng rộng… Không cần những biển báo địa giới, không cần những lời hỏi thăm đường xá vòng vèo, qua đất Nam Định, có một đặc điểm người ta biết đã đặt chân tới đất Thái Bình, ấy là bạt ngàn những cửa hàng bán bánh cáy. Như bánh đậu xanh của Hải Dương, bánh phu thê của Bắc Ninh, bánh cáy từ bao đời nay đã trở thành một niềm tự hào miền đất lúa. Bánh cáy là quà ngon được làm từ bàn tay khéo léo của những người dân làng Nguyễn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Từ thành phố Thái Bình, xuôi theo quốc lộ 10, rồi rẽ vào quốc lộ 39, gặp xã Nguyên Xá, ngửi thấy từ đầu làng mùi thơm ngọt ngào của gạo nếp, của nha, của mứt, ấy là khứu giác tự mách bảo với ta, đến đất làng Nguyễn- quê tổ món bánh cáy làm nức lòng thực khách. Bánh cáy làng Nguyễn, đặc sản quê lúa Thái Bình. Bánh cáy Thái Bình, ban đầu có tên bánh cay, được làm ra bởi một bà lão quanh năm với nghề nông, mang tiến vua được ngợi khen, làng Nguyễn từ đó nức tiếng với món bánh cay độc đáo. Một giấc mơ của bà lão kì lạ có con cáy đến khóc, lúc bà qua đời, xác bà khi mang xuống biển lại có sóng rẽ, đón bà vào lòng đại dương, từ đó, tên bánh cáy được đặt cho món bánh ngọt ngon. Bánh cáy trước đây được làm hoàn toàn thủ công, nhưng nay, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, máy móc hỗ trợ người làng Nguyễn rất lớn trong việc làm ra những vuông bánh ngọt thơm. Bánh cáy làng Nguyễn hôm nay được sản xuất hiện đại hơn, với những người thợ làm bánh lành nghề, chuyên nghiệp. Tận mắt chứng kiến một dây chuyền sản xuất bánh cáy của một gia đình có truyền thống lâu năm với món bánh độc đáo này, mới thấy hết được cái tâm người ta dành cho món ăn quê hương. Bánh cáy làng Nguyễn được làm hoàn toàn bằng nông sản quê hương: nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng giòn rụm, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, hương bưởi dịu thơm cho món bánh thêm hấp dẫn. Bánh cáy làng Nguyễn chính hiệu phải làm cầu kì chứ không đơn giản. Nếp cái hoa vàng ngâm nước, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (người làng Nguyễn gọi đây là “con cáy”). Thóc tẻ bung trong nồi gang, cho xòe cánh thành một thức gọi là “nẻ”. Mỡ phần loại ngon, cơm dừa bào sợi, cho ướp đường nửa tháng. Chiên vàng nẻ, “con cáy”, trong dầu ăn. Mạch nha được ủ công phu từ mầm lúa gạo đem nấu già trên bếp than đỏ hồng, đảo thật khéo, thật đều tay cáy con, nẻ, mỡ phần, cơm dừa, mứt bí, gừng sợi, thêm hương hoa bưởi đến độ kết dính thích hợp. Xong xuôi, bánh cáy cho vào khay ép phẳng, tranh thủ lúc bánh còn nóng rắc một lớp vừng lạc cho thơm. Một anh thợ lành nghề tay thước, tay dao cắt bánh nhanh thoăn thoắt. Từng vuông bánh khi ấy đem đóng hộp, dãn nhãn, sẵn sàng mang đến những thực khách đang nóng lòng thưởng thức. Đóng gói những vuông bánh cáy truyền thống. Công nghệ có hiện đại, máy móc giúp cho người làm bánh đỡ cực trong việc nhào trộn nguyên liệu, chiên, ép bánh, nhưng người làm bánh làng Nguyễn có tâm vẫn ngày đêm trăn trở tìm ra một công thức trộn nha thế nào để bánh không quá ngọt, không quá nhạt, nấu sao cho bánh vừa chín dẻo, mà không cháy, không khô cứng. Miếng bánh cáy ngon phải có độ dẻo, ngọt vừa phải, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy cái lạ miệng khi trong đó có mứt bí, cơm dừa sần sật, cay cay nồng nồng của mùi vị gừng tươi, nhấp chén nước trà đăng đắng thấy hương vị hòa quyện.

2 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Về vùng nào có nhiều mắm cáy, hỏi về trứng cáy chắc sẽ có thêm một chút thông tin về nguyên liệu làm bánh cáy.
Thí dụ như là con cáy bắt được trước khi làm mắm người ta phải lấy hết trứng đi. Rồi lấy trứng ấy làm các món khác. Chẳng hạn thế :)

Nặc danh nói...

Em thấy bài đầu về bánh cáy không phải của người miền bắc viết vì dân bắc không dùng từ đậu phộng . v hằng k7