Nguyễn Việt Hồng (há)
(nhờ Hữu Thành đưa lên)
Thật sốt ruột khi phải chờ cho mấy ngày Tết nguyên đán cứ chầm chậm trôi. Quanh đi quẩn lại lại ngâm măng khô, tìm mua chậu quất, làm mâm cúng giao thừa. Rồi xông đất, đi chúc Tết các nhà, rồi lại làm mâm cúng hóa vàng, dọn dẹp vệ sinh sau Tết ….Người lớn thì băt đầu thấy nhàm chán “ vừa mới hôm nào Tết, nay lại Tết, thời gian trôi đi nhanh quá,chả mấy mà đời người tàn lụi. Chỉ có trẻ con là thích, chúng mong đến Tết để được nghỉ học, được phong bao lì xì, được vui chơi thỏa thích, đánh chén no nê”.
Còn tôi mong ngóng nhất – các bạn có biết không – đó chính là đợi đến ngày được đi khai cần (đi câu) đầu năm mới. Đây là niềm đam mê cháy bỏng trong tôi, lúc nào cũng chỉ thích ra hồ, câu cho đến hết đời mới thôi.
Năm Đinh Dậu này tôi chọn mùng 6, nghe người ta nói ngày này đẹp, nếu gặp may mắn thành công thì cả năm thành công may mắn … Mới sớm tinh mơ, tôi đã là người đầu tiên có mặt ở hồ câu Triệu Vũ, hồ này nằm trên đất xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, phía ngoài đê sông Hồng. Hồ sach cá ngon, đặc biệt rô phi cũng rất ngon, thịt trắng mình dầy, fi lê tẩm bột rán chấm với nước Chinsu thì “thôi rồi Lượm ơi”!
Người đầu tiên tôi gặp là bác Toàn nhà ngay cạnh hồ. Gặp cả chị Luyến hàng xóm của bác Toàn. Chị có trại nuôi lợn thịt khá quy mô ở ngay sát mép nước. Vì hay sang đây câu nên tôi quen bác Toàn và chị Luyến, thân mật như người nhà. Bác Toàn hay gọi tôi là “đại tá”, còn chị Luyến có vườn cà chua sạch, lần nào sang câu tôi củng dặn chị hái bán cho vài cân, chị lấy giá rẻ bằng nửa ngoài chợ, mà cà chua chín cây ăn sống lại rất ngọt.
Bên chén chè búp thơm phức nóng hổi, người chúc qua kẻ chúc lại cứ ríu rít cả lên. Đến lượt tôi, tự nhiên cũng chả nghĩ ngợi gì, buột mồm nói:
- Chúc chị năm mới nuôi heo heo lớn trồng cà cà sai.
Bác Toàn chộp ngay lấy câu chúc của tôi,gật gù:
- Ông này có vẻ văn thơ ra phết nhỉ, thế này thì năm nay bà Luyến may rồi đây, có nhà thơ đến xông nhà thì còn gì bằng!
Câu nói vui, có ý khen đùa của bác Toàn vô tình làm mũi tôi phồng lên ,được khen ai chả sướng .Tôi cao hứng, hứa liều một câu :
- Bác Toàn đã nói thế thì từ giờ đến chiều, tôi sẽ hoàn chỉnh bài thơ chúc Tết tặng chị Luyến, mà câu “đinh” phải là “nuôi heo heo lớn trồng cà cà sai”. Cả nhà chuẩn bị chiều đón quà thơ nhé!
-OK đại tá!
…Hăm hở như một chiến binh lần đầu xông trận, tôi vác bao cần ra hồ, chọn chỗ, lắp cần, thả thính, cắm ô, mở vợt, kê ghế ….thành thạo như một thợ câu chuyên nghiệp. Và trong đầu bắt đầu lên dây cót khởi động, chuẩn bị cho ra lò bài thơ chúc Tết. Nhưng rồi thời gian cứ trôi mà chưa thấy động tĩnh gì, cái chấm đỏ đầu phao im lìm nổi trên mặt nước như thách thức sự kiên nhẫn của “ thi sĩ ”. Chắc bạn nào từng đi câu đều hiểu kỹ xảo câu lục- loài cá rô phi tỳ phao rất nhẹ,chỉ ríu phao xuống bằng hạt thóc nằm ngang, nếu không kịp giật thì cơ hội lại lặng lẽ trôi qua. Vì thế “cần thủ” phải hết sức tập trung.Tôi giật trượt mấy lần liền, toàn hụt hoặc lên vẩy. Vậy mà ý tứ bài thơ vẫn chưa đâu vào đâu. Lúc này tôi mới chợt nhận ra: Câu lục và làm thơ là hai việc đều phải tập trung tư tưởng, nếu tản mạn hay thiếu cảm xúc thì chắc chắn sẽ thất bại, “xôi hỏng bỏng không”. Nỗi niềm hối hận trào đến “đúng là vạ mồm, tự nhiên lai lấy dây buộc mình cơ chứ “. Chả hiểu sao bài thơ của Bác Hồ viết trong tập “NGỤC TRUNG NHÂT KÝ’ lại văng vẳng bên tai : (tIếp_theo)
Mỗi ngày nửa chậu nước nhà pha
Rửa mặt pha trà tự ý ta
Nếu muốn pha trà thôi rửa mặt
Nếu đem rửa mặt miễn pha trà .
Tâm trạng của tôi lúc này có lẽ cũng na ná giống thế chăng ?
Muốn câu được cá thôi thơ phú
Nếu muốn thơ hay miễn đi câu .
Định thần tự nhủ “phải hết sức bình tĩnh ,không được nôn nóng. Nào! Bắt đầu từ gì nhỉ”? Đây sẽ phải là bài thơ luc bát rồi, ứng với chữ”cà” ở câu dưới thì chữ cuối câu trên phải có vần ” à”. Vặn vẹo mãi rồi cũng đẻ ra được câu khởi đầu: Chúc chị trẻ mãi không già (thực ra chị Luyến đã ngoài 50 tuổi).
….Trời càng về trưa, những đám mây mù bắt đầu tan loãng, mặt trời hé ra khỏi mây, hắt xuống chùm tia nắng oi nồng, gió Tây vật vờ thổi qua thổi lại, mặt nước nổi đầy váng bẩn. Giữa hồ, từng đám rô phi nổi lập lờ hớp bọt, quẫy sóng lao xao. Đầu óc tôi bắt đầu căng lên, sờ trán thấy nong nóng. Lúc này tôi cũng đã giật được ba, bốn con rô phi bằng bàn tay, nhưng trượt rất nhiều, mà có lẽ trượt là chính, tệ quá đi mất! Hôm nay cũng là ngày khai hồ đầu năm của chủ hồ, nên chú Triệu Vũ có chủ định mời tất cả anh em cần thủ nghỉ trưa vào lều uống rượu. Tôi không muốn dự tí nào một phần vì không biết uống rượu, phần nữa là sốt ruột, vì thơ chưa ra mà cá mới được có mấy con. Sáng nay cũng trót “chém gió” với bu cháu, khai cần kiểu gì cũng phải có bịch cá mang về.
Nhưng rồi nể quá phải vào, góp vui chúc tụng một tí với anh em đồng nghiệp, rồi làm đôi chén, gắp vài miếng chiếu lệ cho xong. Một lát xin phép hội câu để còn ra ôm cần. Quá trưa trời càng oi nóng, hơi rượu Tây phả ra nồng nặc, tim đập thình thịch, đầu óc cứ phê phê. Tiếng hô “hai, ba …zôôô…” cùng với âm thanh ồn ào từ trong lều cứ dội vào tai tôi. Vậy thì làm sao với chút thời gian buổi chiều vừa có thơ vừa có bịch cá đây?
Các bạn thông cảm cho tôi, thì ra chỉ tại “ căn bệnh sỹ ”. Căn bệnh quái ác ấy nó hành hạ tôi mấy tiếng đồng hồ, đúng là không có dại nào bằng cái dại nào thật. Nhưng rồi…cũng chính dư âm “căn bệnh sỹ” đã lại thôi thúc tôi…Làm sao mà chịu nổi khi nhỡ ra bác Toàn hỏi “- Thơ đâu đại tá?”, rồi về nhà lại được nghe câu giễu cợt quen thuộc của bu cháu “- Đã bảo mà, đừng có nói trước, nói trước bước không qua đâu”. Mặt trời ngả từ từ về hướng tây, gió đông nam thổi mạnh dần lên dồn váng bèo vào một góc, mặt nước trước mặt trở nên trong xanh, đàn cá rô phi nổi giữa hồ cũng lặn. Tôi quyết định bồi thêm thính, một lát sau đã thấy tăm vào ổ ngầu lên, số lần giật trúng cá cứ tăng dần. Kéo lên con nào con nấy béo ú, to cỡ bàn tay cụp, mình dày dặn rất đã. Nhìn túi lưới cá thấy nhung nhúc vui mắt, trong lòng khấp khởi và thế là tứ thơ lại trào ra chứ không bí rị như buổi sáng. Tôi chọn đi chọn lại hai câu kết của bài thơ sao cho dân dã, ý tứ hợp với lời chúc, mà vần điệu phải đúng luật, du dương. Tóm lại phải chấp nhận được mới đáng để tặng bà chị đầu xuân.
Đúng 4 giờ chiều thu cần – nhấc túi cá lên thấy nằng nặng – sướng!
Trong đầu nhẩm đi nhẩm lại bài thơ 4 câu thấy tạm ổn – lại sướng nữa !
Tâm trạng khoan khoái, tôi vào nhà xin bác Toàn một tờ giấy và mượn cái bút bi. Bên bàn nước trước sự chờ đợi của bác Toàn, chị Luyến và cả cháu Hoài quản lí hồ, tôi trịnh trọng chép ra giấy bài thơ chúc Tết, sản phẩm tinh thần vật vã của tôi:
“Kính tặng chị Luyến bài thơ chúc Tết Đinh Dậu 2017:
Chúc chị trẻ mãi không già
Nuôi heo heo lớn trồng cà cà sai
Bán cà lãi một gấp hai
Heo chưa tới lứa trăm người đòi mua.”
Vừa nghe đọc xong, chị Luyến thích quá cười ngất và khoe luôn:
- Ừ mà đúng thật, sáng nay đúng là có mấy người đến gạ em bán lợn đấy, nhưng mà em chưa bán vội, để đến cuối tháng giêng em mới xuất cơ.
Nhìn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt chất phác của người phụ nữ nông dân ấy, tôi cũng cảm thấy vui và mãn nguyện làm sao. Còn bác Toàn, cảm động nắm chặt tay tôi lắc mạnh:
- Cảm ơn! Cảm ơn đại tá! Ý nghĩa quá!
Cảm giác lâng lâng vui sướng ngày đầu xuân cứ thế theo con Dream đưa tôi về đến nhà. Vớ lấy cái cân điện tử, móc vội vào túi cá: 4,6kg – trừ bì hai lạng – vậy chiến lợi phẩm là 4,4 kg. Ok!
Công đoạn tiếp theo của bu cháu sau lời khen là chia phần, biếu tặng mấy bà bạn hàng xóm thân quen mỗi người vài con gọi là lộc đầu năm, cá tươi còn giãy đành đạch nhé (vì tôi mang hẳn một cái thùng xốp đi đựng túi lưới nên cá vẫn sống nguyên). Nụ cười tươi của các bà các chị sau lời cảm ơn cứ như chất men vô hình gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Nhâm nhi chén trà búp, ôn lại diễn biến ngày khai cần đầu năm mới. Thật là một ngày có nhiều cảm xúc. Vui là chính nhưng cũng thấm thía một bài học, đó là cần cảnh giác kẻo rất dễ mắc phải “căn bệnh sỹ”. Vậy xin hỏi thăm, có bạn nào cũng bị bệnh giống như tôi không? Nếu có thì cần phải chữa ngay đi kẻo muộn – bạn nhé!
1 nhận xét:
Chúc mừng bác Hồng há năm mới thắng lợi mới.
Tuyệt vời, cần nhà bác còn nhạy quá hỉ.
Đăng nhận xét