Ông là một trong các công
thần khai quốc và thực ra chẳng họ hàng gì với chúng tôi, nhưng chúng tôi đều
coi ông như chú, chú ruột.
Phát hiện ông bị ung thư,
người ta đưa ra Hội đồng y khoa, gồm các giáo sư, tiến sỹ đứng đầu Việt nam về
ung thư. Họ xem đi xem lại, xét nghiệm tới xét nghiệm lui, rồi “nhủ”: Ông đã bị
ung thư giai đoạn cuối, sống chừng hai, ba tháng nữa; rằng nhà nước sẽ điều trị
hoàn toàn miễn phí với các thiết bị, thuốc thang loại tốt nhất có thể có – với mong
muốn cuộc sống của ông được gia tăng. Ông cám ơn vì tất cả, nhưng từ chối ba
cái vụ “cắt gọt”, hóa trị, xạ trị.
Ông về nhà, thanh thản với những
tháng ngày còn lại. Ông đọc sách, viết lách, đi bộ thể thao. Ông ghé thăm bạn hữu,
xa gần gì cũng lội bộ. Là người từng vào sinh ra tử trong hai cuộc kháng chiến
chống ngoại xâm, ông chẳng sợ bất cứ cái gì. Cái duy nhất ông sợ là “chỉ sợ
không thắng nổi những phút yếu đuối của bản thân”, và ông xem “chiến thắng vẻ
vang nhất là chiến thắng bản thân”. Hồi thời Tổng thống Diệm kéo lê máy chém đi
tàn sát những người cách mạng, ông hoạt động nội thành Sài gòn, sém bị mật thám
bắt ở một địa điểm kề sát Pê-ca-răng-đơ (trung tâm thẩm vấn bí mật – xem “Bất
khuất” của ông Nguyễn Đức Thuận) là một dẫn chứng về những “chuyện cơm bữa” của
ông.
Một hôm, ông ghé thăm mẹ tôi,
kể cho bà nghe về những gì mà Hội đồng “nhủ”, ông nói ông chỉ còn vài tuần nữa
thôi, cứ như kể về chuyện của người ta. Mẹ tôi – một vận động viên bơi lội
người cao tuổi cấp thành phố, cấp Quốc gia, sức khỏe tuyệt vời (trong giới
người cao tuổi) – có lẽ đã không cảm nhận được hết các suy tư của ông, bà chỉ
còn biết động viên ông.
… Mười lăm năm sau, vào một
ngày nắng ráo, ông lội bộ ghé thăm mẹ tôi (ủa, ông chú tôi vẫn … còn hả). Ông vẫn
khỏe, giọng vẫn sang sảng, đi đứng vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn.
… Một hôm, nhóm bạn “trường
kiếm dưỡng sinh” của mẹ tôi rủ rê bà đi khám bệnh, dạng khám tổng quát theo bảo
hiểm y tế, bỗng bác sỹ “kính chuyển” bà lên Hội đồng y khoa (về ung thư) thành
phố. Thế rồi, hội đồng “nhủ” rằng bà bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, sống thêm
chừng hai tháng (nhưng họ nói với tụi tôi rằng “cuộc sống của bà chỉ có thể tính
theo từng ngày”). Họ cắt bỏ hai thước ruột già của bà và măng sông lại. Sau ít
bữa, vết thương hoàn hoàn lành lặn (bác sỹ nói “tại” thể lực của bà rất tốt) và
bà đã tiếp tục làm được những gì mà bà thích. Tuy nhiên, “cũng như” ông chú
tôi, bà không hóa trị, xạ trị. Bà sống thêm được bảy tháng nữa.
1 nhận xét:
Pê-ca-răng-đơ....cháu giống bác Chí Nhớn lúc ni xài toàn tiếng Tây, tiếng Huế, tiếng Diêm Điền...tự nhiên lói k "thõi" tiếng mẹ đẻ.
Đăng nhận xét